Vì sao nhà đầu tư Nhật đầu tư vào quỹ mở Việt Nam?

Vì sao nhà đầu tư Nhật đầu tư vào quỹ mở Việt Nam?

(ĐTCK) Trong khi nhà đầu tư Việt Nam vẫn thờ ơ trước quỹ mở mới được thành lập, một số nhà đầu tư Nhật lại đang tích cực mua thêm chứng chỉ quỹ mở của Việt Nam. 

Sự tích cực này thậm chí đã thành động lực chính đẩy quỹ mở trái phiếu MBBF của MBCapital trở thành quỹ đầu tư tăng trưởng mạnh nhất về quy mô cho đến nay, với số chứng chỉ quỹ tăng thêm 34% (khoảng 20 tỷ đồng) kể từ khi đi vào giao dịch.

Một trong các nhà đầu tư Nhật đó, ông Hiroshi Matsuda, Giám đốc Quản lý danh mục kiêm Phó chủ tịch cao cấp, Công ty TNHH Quản lý quỹ Japan Asia (JAAM) đang làm việc tại Tokyo, chia sẻ với ĐTCK về nguyên nhân của lựa chọn đầu tư này. 

Lý do gì khiến ông quyết định đầu tư vào một quỹ mở trái phiếu ở Việt Nam?

Trước hết tôi kỳ vọng vào lợi suất cao của trái phiếu Việt Nam, khi mà lợi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam đang ở mức cao hơn hẳn so với khu vực. Trong khi đó, tôi kỳ vọng đồng VND của Việt Nam sẽ được nâng hạng tín nhiệm trong tương lai khi kinh tế vĩ mô ổn định và các yếu tố khác của nền kinh tế được cải thiện. Cũng do môi trường kinh tế ổn định, tôi kỳ vọng giá trái phiếu của Việt Nam sẽ đi lên trong tương lai. Nhìn chung, tôi cho rằng, thị trường trái phiếu ở Việt Nam đang hấp dẫn. Tôi nghĩ có thể chúng tôi sẽ tăng tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu trong thời gian tới.

Bản thân cơ cấu đầu tư của chúng tôi cũng đã có một tỷ lệ tài sản nhất định được phân bổ vào thị trường thu nhập cố định của Việt Nam. Hiện nay, JAAM đang quản lý 800 triệu USD (16.000 tỷ đồng) tài sản, trong đó có hai quỹ đầu tư vào Việt Nam với tổng quy mô 15 triệu USD. Tại Việt Nam, chúng tôi phân bổ khoảng 80% vào cổ phiếu và 20% vào trái phiếu.

Về việc vì sao chọn đầu tư qua quỹ mở, chúng tôi hoạt động theo mô hình quỹ của quỹ - tài sản của quỹ sẽ được đầu tư qua các quỹ khác thay vì đầu tư trực tiếp vào chứng khoán.

Thị trường cổ phiếu Việt Nam cũng đã tăng cao suốt từ năm ngoái tới nay, ông có dự định đầu tư vào quỹ mở cổ phiếu không?

Về cổ phiếu, tôi có những lo ngại nhất định về việc điều chỉnh của thị trường. Có những vấn đề chúng tôi cần cân nhắc cẩn thận, nên tôi nghĩ trong ngắn hạn chúng tôi sẽ giữ quan điểm thận trọng.

Những rủi ro của thị trường khiến tôi thận trọng bao gồm: định giá của thị trường - tôi cần phải kiểm tra lại giá của thị trường cổ phiếu hiện nay cùng với các yếu tố cơ bản của các công ty niêm yết; tôi sợ rằng, giá của thị trường hiện đang đi lên cao quá; môi trường toàn cầu - một số thị trường trên thế giới, chẳng hạn Trung Quốc, đang ẩn chứa những khả năng biến động mạnh, khiến thị trường Việt Nam có thể bị tác động; và vấn đề cung cầu - theo tôi được biết, một lượng lớn các cuộc IPO của các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam sẽ được tiến hành vào cuối năm nay, nếu lượng tiền mặt đổ vào thị trường không được cải thiện, điều đó có thể sẽ dẫn tới những biến động.

Nhà đầu tư Việt Nam vẫn rất e ngại các quỹ mở, do loại hình đầu tư này quá mới và cũng do các công ty quản lý quỹ đã không chứng tỏ được thành tích đủ tốt với nhà đầu tư trong quá khứ. Nếu có thể đưa ra lời khuyên, ông sẽ khuyên nhà đầu tư Việt Nam nên đầu tư vào quỹ mở ngay hay nên đợi thêm một thời gian nữa để nhìn rõ hiệu quả của các quỹ này?

Tôi sẽ khuyên các bạn nên thực hiện cả hai. Ở đây bạn đang cố gắng giải quyết vấn đề chọn thời điểm đúng để đầu tư, do đó bạn có thể chia khoản tiền của bạn ra và đầu tư vào những thời điểm khác nhau. Ví dụ bạn có thể chia khoản tiền ra làm ba phần, một phần đầu tư ngay bây giờ, một phần đầu tư trong một vài quý tới và một phần đầu tư trong thời điểm xa hơn trong tương lai. Bằng cách đó, bạn sẽ trung bình hóa được giá của khoản đầu tư của mình.

Ở Nhật Bản, loại hình tiết kiệm kết hợp đầu tư theo cách trung bình hóa chi phí như vậy - kiểu Chương trình đầu tư định kỳ (System Investment Plan) trong đó người tham gia đóng định kỳ một khoản tiền hàng quý hoặc hàng tháng vào quỹ mở -  đang ngày càng trở nên phổ biến.

Một điều nữa tôi muốn nói là khi đầu tư, bạn nên nghĩ dài hạn - hãy nghĩ về một khoảng thời gian 10 hay 20 năm. Khi nghĩ dài hạn bạn sẽ thấy bạn cần đa dạng hóa tài sản của mình: một phần tiền bạn có thể gửi tiết kiệm ngân hàng, một phần đầu tư dài hạn và một phần đầu tư ngắn hạn. Thực tế, bạn sẽ thấy quỹ mở là một công cụ rất mạnh để đa dạng hóa tài sản và bạn có thể phân bổ một phần tiền của mình vào đó.

Nếu bạn ngại rủi ro, bạn có thể bắt đầu với các quỹ mở trái phiếu. Với những người còn trẻ, hoặc những người có khả năng chấp nhận rủi ro cao thì tôi khuyên bạn có thể tăng tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu - tự đầu tư hoặc đầu tư qua quỹ.

Tin bài liên quan