Nga đã thừa nhận nước này có một số vấn đề trong chiến dịch tiêm chủng vaccine – nhưng với sự “bùng nổ” số ca mới mắc Covid-19 đang khiến con số báo cáo hàng ngày ở nước này lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 1, câu hỏi đặt ra là liệu sự công khai thừa nhận đó có phải quá muộn hay không.
Chỉ 11% trong tổng số 146 triệu dân của Nga đã được tiêm chủng đầy đủ - cả do sự hoài nghi đối với vaccine hay do chủ nghĩa bài vaccine.
Trong bối cảnh hàng chục nghìn ca mới được ghi nhận trên khắp cả nước Nga trong những ngày qua, sau thông báo về các biện pháp hạn chế mới đối với những người không tiêm chủng, các trung tâm tiêm chủng giờ đây đang ghi nhận những hàng dài người xếp hàng chờ tới lượt tiêm vaccine.
Tiêm phòng hoặc nghỉ làm
Tại một trung tâm khẩn cấp ở Moscow, hàng chục người xếp hàng từ sáng sớm để chờ được tiêm vaccine Sputnik.
“Tôi đã chờ suốt 3 tiếng, nếu muộn một chút có khi phải chờ tới 4 tiếng”, một thanh niên trả lời The Guardian trong lúc điền các thông tin y tế vào bản đăng ký. Khi được hỏi các trung tâm có luôn ở trong tình trạng đông đúc như vậy không, người này cho biết, tình trạng này chỉ mới xuất hiện từ đầu tuần.
Thủ đô Moscow cũng như các thành phố khác của Nga đã đưa ra những biện pháp mới nhằm vào những người từ chối tiêm chủng. Các quán café, nhà hàng sẽ yêu cầu mã QR chứng nhận đã tiêm vaccine đối với những khách muốn ngồi tại quán.
Các bệnh viện cũng sẽ từ chối các bệnh nhân chưa tiêm chủng muốn làm phẫu thuật trong trường hợp không khẩn cấp, các không gian công cộng như sân chơi ngoài trời đều bị đóng cửa. Chính phủ và ngành công nghiệp dịch vụ đã đặt mục tiêu tiêm chủng cho 60% người lao động.
“Tôi không hoàn toàn tin tưởng [vaccine] nhưng ở thời điểm này tôi không có lựa chọn nào khác. Hoặc là tiêm vaccine, hoặc nếu không tôi sẽ sớm không còn việc làm”, Anastasia Lavrentyeva, một phụ nữ làm việc trong lĩnh vực nhân lực, đồng thời là lao động tự do về tổ chức sự kiện và đào tạo kinh doanh cho các khách hàng doanh nghiệp, nói.
Lavrentyeva hy vọng các biện pháp hạn chế này chỉ là tạm thời và các sự kiện ngoài trời sẽ sớm được cho phép trở lại vào cuối mùa hè.
Điện Kremlin phủ nhận việc người dân Nga bị buộc phải tiêm vaccine. Những hạn chế mới mà Moscow đưa ra được công bố khi Tổng thống Putin tới Thụy Sỹ để gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi giữa tháng này. Chính Tổng thống Nga cũng đã tuyên bố rằng việc tiêm vaccine vẫn là một lựa chọn của cá nhân.
Đã có nhiều đoạn video cho thấy hình ảnh các bệnh viện địa phương quá tải vì bệnh nhân Covid-19, hay các hàng dài xe cứu thương đã trở lại sau nhiều tháng Nga kiểm soát được đại dịch.
“Nhìn chung, tiêm chủng vẫn là sự tự nguyện”, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: “Nếu một người dân Moscow làm việc trong ngành công nghiệp dịch vụ, họ nên tiêm vaccine. Nếu họ quyết định không tiêm vaccine, họ nên nghỉ làm trong ngành dịch vụ”.
Các bác sỹ tại Nga nhận định, những tuần sắp tới là thời điểm quan trọng để chứng minh chiến dịch tiêm chủng không hề lộn xộn mà được tiến hành một cách hiệu quả và chuyên nghiệp.
“Đây là một cơ hội lớn. Chúng tôi hiểu rằng, họ có thể thực sự muốn tiêm chủng hoặc chỉ là tìm cách tránh bị áp hạn chế, vì thế ưu tiên của chúng tôi là tiêm chủng cho càng nhiều người càng tốt”, một bác sỹ tại Bệnh viện 62 ở Moscow nói, nơi đã ghi nhận sự gia tăng đột biến những người đến đăng ký tiêm chủng trong tuần qua.
Lý do nhiều người chần chừ tiêm vaccine
Hầu hết những người mà Guardian khảo sát tại các điểm tiêm chủng nói rằng họ từng không có ý định tiêm vaccine vì cho rằng mối đe dọa từ dịch bệnh ở Moscow đã giảm đi nhiều.
Một cuộc khảo sát của Trung tâm Levada hồi tháng 5 vừa qua cho thấy 62% người dân Nga nói rằng họ không sẵn sàng tiêm vaccine. Trong khi đó, các nhóm bài vaccine ở Nga đã công khai phản đối mọi loại vaccine, cho rằng đại dịch là một thuyết âm mưu.
Nhiều người Nga cũng nhận định các loại vaccine đã được đưa vào thị trường quá sớm hoặc đại dịch đã bị thổi phồng. Cũng trong cuộc khảo sát của Levada, 55% người dân Nga nói rằng họ không đặc biệt lo ngại về việc sẽ mắc Covid-19.
Những người khác không muốn tiêm vaccine cho biết họ đang chờ xem những tác dụng phụ kéo về lâu dài của vaccine sẽ như thế nào.
Một trong những lý do khác nhiều người trì hoãn tiêm vaccine là họ muốn “đợi vaccine Chumakov”, loại vaccine mới do phòng thí nghiệm được đặt theo tên của một bác sỹ nổi tiếng thời Liên Xô đã từng giúp phát triển vaccine ngừa bại liệt dạng uống vào những năm 1950.