Vì sao ngân hàng ngoại rút khỏi mảng bán lẻ tại Việt Nam?

0:00 / 0:00
0:00
Citigroup (tập đoàn có quy mô hoạt động lớn thứ 3 ở Mỹ) có kế hoạch dừng mảng ngân hàng bán lẻ tại 13 thị trường, bao gồm Việt Nam để đặt lại trọng tâm vào khách hàng tổ chức.

Ông Kent Wong, Giám đốc Ngân hàng và Thị trường vốn, Công ty Tư vấn luật VCI Legal phân tích lý do tại sao ngân hàng ngoại muốn rút lui và sự cạnh tranh khốc liệt giữa ngân hàng nội và ngoại.

Đến nay, một số ngân hàng quốc tế như Citibank (thuộc Citigroup) và ANZ đã rút khỏi mảng bán lẻ tại Việt Nam và các thị trường khác trong khu vực. Ông có thể phân tích lý do đằng sau những quyết định này?

Ông Kent Wong, Giám đốc Ngân hàng và Thị trường vốn, Công ty Tư vấn luật VCI Legal

Ông Kent Wong, Giám đốc Ngân hàng và Thị trường vốn, Công ty Tư vấn luật VCI Legal

Trong những năm qua, ANZ vừa tiến vừa lùi tại châu Á. Đôi khi ANZ bị quá sức với chiến lược tăng trưởng mạnh mẽ tại châu Á nên phải rút lui nhanh chóng ở những thị trường quen thuộc. Thông báo gần đây về thoát khỏi thị trường bán lẻ và kinh doanh tài sản ở châu Á cũng là một phần của xu hướng trên.

Còn lý do Citibank dừng mảng ngân hàng bán lẻ tại 13 thị trường, bao gồm 10 thị trường châu Á là do vốn đầu tư và nguồn lực có thể được sử dụng tốt hơn, đem lại lợi nhuận cao hơn cho ngân hàng trong lĩnh vực quản lý tài sản và khách hàng tổ chức tại các khu vực khác của châu Á.

Cả Citibank và ANZ đều ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực cốt lõi như năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, thực phẩm và đồ uống, kinh doanh nông nghiệp và quỹ tổ chức. Do đó, quyết định rút lui khỏi những thị trường này của châu Á có phần hơi bất ngờ.

Khả năng kết nối của các ngân hàng thương mại trong khu vực là một lợi thế cạnh tranh cho ANZ. Tuy nhiên, rất tốn kém khi duy trì các văn phòng từ Sydney đến TP.HCM qua Singapore chỉ dành cho mảng khách hàng doanh nghiệp dựa trên cơ sở giao dịch mà không thể cạnh tranh với các ngân hàng lớn trong nước về sản phẩm hàng hóa thông dụng như thanh toán.

Việc ngân hàng quốc tế dừng mảng ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam có tác động như thế nào, thưa ông?

Không có gì ngạc nhiên đối với những công ty cho vay như Citibank khi đã có mặt tại Việt Nam từ trước năm 1975 và quay trở lại vào năm 1993. Rõ ràng, hoạt động kinh doanh cho ngân hàng quốc tế tại châu Á chứa đựng nhiều rủi ro với các khoản nợ xấu, quản lý rủi ro không đồng đều và quản trị doanh nghiệp không rõ ràng. Citibank dường như đang nhường mảng bán lẻ cho ngân hàng trong nước, bỏ qua những ngành kinh doanh nhiều tiềm năng phát triển như lĩnh vực fintech, thanh toán điện tử liên kết với các dịch vụ thanh toán và tài chính, cũng như các điểm bán hàng di động khác (mPOS) và thương mại điện tử.

Việc rút lui đã được thông báo sau khi Citigroup đạt được lợi nhuận hàng quý kỷ lục. Đây không phải là kết quả do tác động tiêu cực đến lợi nhuận của tập đoàn.

Ông đánh giá thế nào về cạnh tranh giữa ngân hàng nước ngoài và ngân hàng trong nước?

Khi đánh giá các sản phẩm ngân hàng, khách hàng bán lẻ thường dựa trên các tiêu chí như tính đơn giản, xử lý giao dịch nhanh, hiệu quả cao hơn, dịch vụ khách hàng tốt và công nghệ hiện đại...

Các ngân hàng thương mại Việt Nam có lợi thế về mạng lưới rộng khắp trên toàn quốc, thuận tiện cho việc phân phối sản phẩm và dịch vụ đến khách hàng, cùng với sự am hiểu về địa phương và môi trường kinh doanh. Mặt khác, với quy mô nhỏ hơn các ngân hàng ngoại, ngân hàng trong nước không có nguồn lợi tài chính hay tài sản chất lượng để dựa vào. Ngân hàng nội cũng có các sản phẩm và dịch vụ chất lượng thấp, cùng với cơ cấu tổ chức kém hiệu quả, được điều hành bởi Ban quản lý không chuyên nghiệp. Về công nghệ, ngân hàng Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng cách so với ngân hàng quốc tế.

Với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam, các giao dịch vốn và rủi ro hệ thống ngân hàng ngày càng gia tăng, trong khi các cơ chế quản lý ngân hàng địa phương thường thiếu hoặc chưa hoàn thiện. Khả năng kiểm soát tiền của các ngân hàng trong nước cũng bị hạn chế. Hơn nữa, vẫn còn thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn về ngân hàng, luật thương mại quốc tế, hay khả năng nghiên cứu và dự báo, đặc biệt là khi ngân hàng đang hướng đến các tiêu chuẩn quốc tế.

Các ngân hàng nước ngoài có một số lợi thế so với các ngân hàng trong nước, bao gồm đội ngũ nhân viên được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế và khả năng phục vụ chuyên nghiệp. Hơn nữa, các ngân hàng nước ngoài hoạt động theo các tiêu chuẩn cao hơn, công bằng mà nói, đây cũng có thể là một điểm yếu vì sự cứng nhắc và thiếu linh hoạt cơ bản. Tuy nhiên, các ngân hàng nước ngoài thường hỗ trợ hiệu quả cho khách hàng nước ngoài, chẳng hạn như hỗ trợ ngoại ngữ. Họ cũng cung cấp các dịch vụ ngân hàng đa dạng hơn, hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Song họ cũng có những điểm yếu, bao gồm các quy trình khá khắt khe nên khó thu hút khách hàng cá nhân và mức lãi suất thấp hơn so với các ngân hàng trong nước. Ngoài ra, phí dịch vụ của các ngân hàng nước ngoài khá đắt so với thị trường trong nước.

Đâu là công thức thành công để các ngân hàng nước ngoài thu hút thêm khách hàng tại Việt Nam?

Hiện nay, các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam có nhiều lợi thế hơn các ngân hàng trong nước về chuyên môn, nhân lực, quy trình hoạt động, cũng như công nghệ. Không có công thức kỳ diệu nào để thành công cho các ngân hàng nước ngoài, nhưng chắc chắn có những yếu tố cần được xem xét để thích ứng với thị trường trong nước.

Thay vì cố gắng thâm nhập liên tục vào các thị trường chưa tiếp cận các dịch vụ ngân hàng tại châu Á, họ có thể xem xét nhắm mục tiêu nhóm khách hàng doanh nghiệp để phát huy lợi thế cạnh tranh, chẳng hạn tài trợ thương mại cho các công ty châu Á giao dịch với Australia và New Zealand. Nếu không có lợi thế cạnh tranh về ngân hàng thương mại, chuyên môn hoặc khả năng tiếp cận mạng lưới, ngân hàng nước ngoài sẽ khó có thể kinh doanh tốt các sản phẩm hàng hóa như ngân hàng bán lẻ.

Trong tương lai, để nắm bắt người tiêu dùng trong nước, các ngân hàng quốc tế có thể thu thập và đánh giá toàn diện thông tin về nhu cầu sản phẩm và dịch vụ, sau đó có thể phát triển và điều chỉnh các sản phẩm và dịch vụ để phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Trong khi nhiều ngân hàng ngoại đã xây dựng được uy tín trên thế giới, nhưng gần như không được công nhận rộng rãi tại Việt Nam. Vì vậy, họ có thể thực hiện chiến lược marketing và các chương trình giảm giá khuyến mại để tăng nhận diện thương hiệu và sự gắn bó của khách hàng trong nước.

Tin bài liên quan