Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay được VIB đặt ra là 655 tỷ đồng, chỉ cao hơn 7 tỷ đồng so với mức thực hiện của năm 2014. Sở dĩ nhà băng này đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận thấp là do lo ngại khoản dự phòng nợ xấu sẽ gia tăng. Năm 2014, lợi nhuận (trước dự phòng rủi ro) của VIB là 1.836 tỷ đồng, nhưng để đưa nợ xấu về ngưỡng an toàn (nợ xấu VIB cuối năm 2014 là 2,51% - PV), nhà băng này phải dành khoản dự phòng lớn lên đến 1.188 tỷ đồng khiến lợi nhuận giảm mạnh.
Với SaigonBank, dù lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt kế hoạch 230 tỷ đồng, nhưng Ngân hàng chỉ đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2015 ở mức 50 tỷ đồng trước thuế, giảm tới gần 80%. Theo bà Trần Thị Việt Ánh, Tổng giám đốc Saigonbank, mục tiêu của Ngân hàng trong năm nay là duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn, khống chế tỷ lệ nợ xấu trong giới hạn quy định, nhằm bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả. Mặt khác, chỉ tiêu nợ xấu Saigonbank phải bán choVAMC trong năm nay lên đến 500 tỷ đồng nên dự phòng sẽ lớn.
Với tỷ lệ nợ xấu ở mức cao (gần 5%) tính đến cuối năm 2014, Saigonbank sẽ không tránh được vòng xoáy M&A. Thông tin Saigonbank sẽ sáp nhập vào Vietcomank đã được hé lộ từ đầu năm nay.
Còn với Viet Capital Bank, năm 2014, Ngân hàng đạt gần 207 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế so với mức thực hiện của năm 2013 là 103 tỷ đồng. Nợ xấu được nhà băng kiểm soát tốt thông qua việc kết hợp các giải pháp chủ động thu hồi nợ, sử dụng dự phòng rủi ro và bán nợ cho VAMC. Thế nhưng, khi được hỏi về chỉ tiêu lợi nhuận của 2015, lãnh đạo VietCapitalBank cũng cho biết, chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 20 - 25%, do tình hình tín dụng vẫn khó khăn, chỉ tiêu nợ xấu bán cho VAMC lớn.
Dù lấy lại đà tăng trưởng sau giai đoạn khủng hoảng, nhưng năm nay, ACB chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế khoảng 1.314 tỷ đồng, so với mức lợi nhuận đạt được năm vừa qua là 1.215 tỷ đồng.
HĐQT Sacombank cho biết, năm 2014, Sacombank đạt 2.851 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, nhưng nếu loại trừ các yếu tố bất thường do ảnh hưởng từ các khoản nợ bán cho VAMC thì lợi nhuận trước thuế là 3.445 tỷ đồng. Trong tài liệu họp ĐHCĐ vừa được công bố, năm nay, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 3.000 tỷ đồng, cao hơn 5,2% so với thực hiện năm 2014. Nhưng tùy tình hình kinh tế vĩ mô, chỉ tiêu này có thể điều chỉnh tăng/giảm 10%.
Mặc dù nợ xấu của Sacombank đến cuối năm 2014 được kiểm soát ở mức 1,2%, nhưng để có được tỷ lệ nợ xấu này, Sacombank đã bán một lượng nợ xấu không nhỏ cho VAMC (khoảng 1.000 tỷ đồng) kéo dự phòng rủi ro tăng mạnh. Với mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu năm 2015 ở mức không quá 2,5% thì khả năng khoản dự phòng rủi ro phải trích cho năm nay cũng không nhỏ. Đó cũng chính là lý do khiến nhà băng này dè chừng với chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra.
Năm 2014 cũng là năm mà SCB tiếp tục ưu tiên cho trích lập dự phòng để nâng cao năng lực tài chính theo chủ trương của NHNN. Kết thúc năm tài chính 2014, SCB đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 120 tỷ đồng. Thế nhưng, theo ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB, do SCB đang trong quá trình tái cơ cấu, mục tiêu của Ngân hàng là tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn đột phá tiếp theo, nên lợi nhuận trong năm nay không phải là ưu tiên hàng đầu của Ngân hàng.
Đến thời điểm này, có thể nói, BIDV và LienvietpostBank là hai nhà băng có kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong ngành. Năm 2014, BIDV đạt trên 6.065 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 20% so với năm 2013, ROE đạt 14,4%, đảm bảo tỷ lệ chi trả cổ tức không thấp hơn 9% như đã cam kết với cổ đông. Năm nay, Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%; lợi nhuận trước thuế 7.500 tỷ đồng, tăng trưởng trên 20% so với năm 2014; nợ xấu được kiểm soát dưới 3%, phấn đấu nhỏ hơn 2,5%.
Trong khi đó, với LienvietpostBank, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đưa ra cho năm nay ở mức 936 tỷ đồng, tăng trưởng trên 70% so với năm 2014 (535 tỷ đồng). Theo lý giải của HĐQT nhà băng này tại ĐHCĐ thường niên diễn ra mới đây tại TP. HCM, lợi nhuận năm 2014 giảm là do trích lập dự phòng rủi ro tăng để đưa nợ xấu 1,1% trong năm 2014.