Vì sao khó thi hành án dân sự, hành chính, kinh tế?

Vì sao khó thi hành án dân sự, hành chính, kinh tế?

(ĐTCK) Báo cáo công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, còn nhiều vướng mắc, khó khăn liên quan đến thi hành các bản án dân sự, hành chính, kinh tế…

Luật có, cổ đông vẫn gặp khó

Sau hơn 3 tháng bản án kinh doanh thương mại có hiệu lực pháp luật,  ngày 20/7/2019, ông Nguyễn Ngọc Long, Thành viên HĐQT CTCP Công trình vận tải cho biết, vẫn chưa nhận được tài liệu của Công ty. Tuy là thành viên HĐQT, nhưng ông không nắm được tình hình hoạt động của Công ty. Đến nay, Công ty không họp HĐQT, chưa họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên dù đã quá hạn theo quy định.

Trước đó, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên buộc CTCP Công trình vận tải phải có nghĩa vụ cung cấp các thông tin, tài liệu về tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh của Công ty và các đơn vị thành viên theo nội dung, trình tự, thủ tục, quy định tại Điều 9 - Quy chế hoạt động của HĐQT Công ty. Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực, ông Long đã yêu cầu, nhưng Công ty không chấp hành.

Trường hợp của ông Nguyễn Ngọc Long không phải là cá biệt. Thực tế xét xử tại các tòa án cho thấy, có không ít vụ kiện đề nghị tòa án tuyên hủy Nghị quyết ĐHCĐ của doanh nghiệp. Khi nghị quyết bị hủy, doanh nghiệp cần tổ chức lại ĐHCĐ theo đúng trình tự, thủ tục.

Theo quy định, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, đương sự - cổ đông cần làm đơn đề nghị thi hành án gửi tới cơ quan thi hành án. Trên cơ sở này, cơ quan thi hành án sẽ ra quyết định thi hành án và gửi tới cơ quan chức năng có liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có trường hợp doanh nghiệp không tổ chức lại ĐHCĐ hoặc không chấp hành pháp luật. Cơ quan thi hành án cũng gặp khó vì pháp luật chưa có quy định nào việc cưỡng chế Chủ tịch HĐQT/Trưởng Ban kiểm soát của doanh nghiệp phải đứng ra triệu tập cuộc họp hoặc xuất trình tài liệu.

Tỷ lệ thi hành án xong giảm

Theo báo cáo công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2019 của Bộ Tư pháp, về kết quả thi hành án dân sự, tổng số việc phải thi hành là 758.323 việc (tăng 4,56% so với cùng kỳ 2018), trong đó, số có điều kiện thi hành là 558.468 việc, đã thi hành xong 336.404 việc, đạt tỷ lệ 60,24% (giảm 0,17%). Tổng số tiền phải thi hành là hơn 231.401 tỷ đồng, trong đó số có điều kiện thi hành là hơn 149.246 tỷ đồng, đã thi hành xong gần 23.900 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 16,01% (giảm 0,57%).

Trong nửa đầu năm, tòa án nhân dân đã chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự 1.057 bản án, quyết định. Trong đó, 196 bản án, quyết định có nội dung theo dõi. Ngoài ra, còn có 217 bản án, quyết định từ kỳ trước chuyển sang có nội dung tiếp tục theo dõi. Các cơ quan thi hành án dân sự đã ra văn bản thông báo tự nguyện thi hành án với 365 việc, đăng tải công khai 101 quyết định buộc thi hành án hành chính của tòa án. Đến nay, đã thi hành xong 103 việc, còn 312 việc đang tiếp tục thi hành.

Bên cạnh đó, vào đầu năm 2018, Bộ Tư pháp đã tiếp 175 lượt công dân, tăng 61 lượt so với cùng kỳ năm 2018; tiếp nhận, xử lý 385 đơn khiếu nại (tăng 110 đơn), 44 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết (tăng 15 đơn). Chiếm gần 85% đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực thi hành án dân sự. Nội dung đơn chủ yếu liên quan đến việc kê biên tài sản thi hành án, việc bảo quản tài sản kê biên, khiếu nại, tố cáo về hoạt động công chứng,luật sư…

Báo cáo của Bộ Tư pháp cũng cho thấy, tỷ lệ thi hành án xong về việc và tiền giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2018. Một số địa phương có kết quả thi hành án đạt thấp. Hiện tại, vẫn còn tình trạng vi phạm, sai sót của chấp hành viên, công chức thi hành án khi thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án.

Ví dụ, chậm xác minh điều kiện thi hành án, cá biệt có trường hợp chậm xác minh, xử lý tài sản, dẫn đến người phải thi hành án tẩu tán hết tài sản, người phải thi hành án khiếu nại kéo dài; vi phạm trong việc thực hiện các trình tự, thủ tục cưỡng chế, xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án, đặc biệt là trong khâu thẩm định giá tài sản, thực hiện các trình tự thủ tục định giá, bán đấu giá tài sản… Qua theo dõi, còn nhiều bản án, quyết định đã có hiệu lực về vụ án hành chính chưa được thi hành xong.

Báo Đầu tư Chứng khoán đã liên hệ với người phát ngôn của Tổng cục Thi hành án dân sự để tìm hiểu thêm về những vướng mắc, khó khăn liên quan đến thi hành các bản án hành chính, dân sự… Tuy nhiên, vị này cho biết đang đi công tác và hẹn sẽ cung cấp thông tin sau.       

Tin bài liên quan