Mấu chốt thất bại của startup
Theo ước tính của Shark Nguyễn Hòa Bình, mỗi năm thế giới có 50 triệu dự án startup công nghệ ra đời, ở Việt Nam là khoảng 1.000 dự án. Tuy nhiên, trong 3 năm đầu khởi nghiệp, có đến 92% trong số này sẽ thất bại và phải giải thể. Lý do là startup chưa tìm ra được chiến lược phù hợp cho thị trường, cũng như thiếu một hệ sinh thái làm bệ phóng.
Shark Nguyễn Hòa Bình hiện là Chủ tịch Tập đoàn NextTech với hơn 20 năm khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Ông cho rằng, 49% startup làm những thứ mà thị trường không cần; 29% do thiếu vốn; 23% do sử dụng sai người...
Bên cạnh đó, việc thất bại của startup do cô đơn (vì không có người chia sẻ, chỉ bảo, khích lệ hay phản biện) và thiếu thốn (tài chính, cơ sở vật chất, nhân sự…
Do đó, shark Bình cho rằng để né tránh thất bại, điều đầu tiên, startup cần tìm đúng "long mạch". Ngoài ra, dù startup tìm đúng đường nhưng cũng sẽ đứng trước nguy cơ thất bại vì không có hệ sinh thái. Hệ sinh thái sẽ giúp các startup tiết kiệm chi phí với cơ sở hạ tầng sẵn có, vào thị trường nhanh hơn thông qua mạng lưới khách hàng đủ lớn...
Đặc biệt, Shark Bình nhấn mạnh, trong thời gian tới, thời của startup gọi vốn đốt tiền mua KPI, tăng trưởng ảo, thiếu bền vững đã qua và đến thời của những startup biết kiềm tiền.
Yếu tố cạnh tranh của thị trường cũng quyết định sự thành bại của startup. Shark Bình cho biết, để quyết định có nên startup hay không, người sáng lập nên tự đặt cho mình những câu hỏi sau: Startup của mình có phải là tiên phong trong thị trường hay không, nếu không tiên phong thì có khác biệt hay không, nếu vẫn không có nhiều tiền thì phải tìm hiểu xem thị trường có đủ lớn để nhiều người tham gia hay không?
“Nếu câu trả lời đều là không thì startup đó nên dừng lại, vì kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt”, người đứng đầu Nexttech nhấn mạnh.
Shark Bình khẳng định, các startup thường yếu về quản trị tài chính, có những startup hết tiền rồi mới biết mình đã hết tiền từ lâu, đã tiêu cả vào tiền của các nhà cung cấp, đối tác.
Kinh nghiệm né tránh thất bại
Đồng sáng lập Abivin Nguyễn Hoàng Anh (đang cầm mic)
Tương tự Shark Bình, đứng từ góc độ của nhà đầu tư, ông Trí Hoàng, người đã nhiều lần khởi nghiệp tại thung lũng Sillicon (Mỹ), hiện đang điều hành Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp và thúc đẩy kinh doanh Ai20x nhận định, điều đầu tiên startup cần có là định vị giá trị, phải có ý tưởng làm gì và giải quyết vấn đề gì trong xã hội.
Sau đó mới đến bước xây dựng đội ngũ gắn bó và có đủ khả năng thực hiện ý tưởng. Tiếp đến là câu chuyện của thị trường rồi xây dựng mô hình kinh doanh. Thứ tự này, theo ông Trí, cũng là cách mà các doanh nghiệp ở Mỹ đang thực hiện.
Là một doanh nghiệp khởi nghiệp rất thành công về công nghệ tối ưu hóa đường đi lĩnh vực logistics đã dành chiến thắng tại cuộc thi khởi nghiệp thế giới Startup World Cup 2019, đồng sáng lập Abivin Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ, ba yếu tố quan trọng nhất với doanh nghiệp này theo thứ tự là thị trường, con người, sản phẩm rồi mới đến mô hình kinh doanh. Trong đó, con người bao gồm cả đội ngũ sáng lập chính là người đã tạo sản phẩm đủ tốt, đủ giá trị mang lại cho khách hàng.
Theo Hoàng Anh, việc quan trọng với một startup công nghệ như Abivin là phải chứng minh được tiềm năng thị trường đủ lớn giúp mô hình hoạt động tốt và có khả năng tăng trưởng nhanh.
Ông Tài Nguyễn, người có kinh nghiệm nhiều năm trực tiếp triển khai cuộc thi khởi nghiệp Việt toàn cầu (Vietchallenge) chỉ ra một yếu tố cũng không kém quan trọng đang bị bỏ quên là tính thời điểm. Khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009 là cơ hội để Uber hay Airbnb phất lên khi nhiều căn nhà bị bỏ trống mà việc chi tiêu cho du lịch của người dân bị cắt giảm.
“Một số ngành đang sắp không còn là ngành thế mạnh thì cần xem xét có nên đầu tư vào hay không. Với startup, tính thời điểm là rất quan trọng”, ông Tài nhận định.