Vì sao gói hỗ trợ lãi suất 2% giải ngân chậm?

0:00 / 0:00
0:00
Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được Chính phủ ban hành từ tháng 5/2022, song giải ngân rất chậm.
Vì sao gói hỗ trợ lãi suất 2% giải ngân chậm?

Cả hai phía đều e ngại thủ tục hậu kiểm

Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã được Chính phủ ban hành từ tháng 5/2022. Tuy nhiên, thực tế giải ngân của gói hỗ trợ lãi suất này rất chậm. Nhiều chuyên gia đang đặt vấn đề thay đổi tiêu chí tiếp cận hoặc chuyển hướng hỗ trợ để giải tỏa vấn đề nguồn vốn cho doanh nghiệp.

Ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cho rằng, trong suốt thời gian đại dịch COVID-19, ngành du lịch cũng như doanh nghiệp bị ảnh hưởng sớm nhất, nặng nề và thời điểm này vẫn đang trong giai đoạn phục hồi. Ngành du lịch và các doanh nghiệp du lịch đang nỗ lực phục hồi mạnh mẽ nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.

“Vừa qua, chúng ta mới tập trung phục hồi tăng trưởng tốt thị trường khách nội địa, nhưng thị trường khách quốc tế còn chậm. Mục tiêu đón khách quốc tế 5 triệu lượt năm 2022 chỉ đạt khoảng 3,5 triệu lượt, trong khi trước năm 2019 ngành du lịch đón tới hơn 18 triệu lượt. Và năm 2023, chúng ta đưa ra chỉ tiêu đón khoảng 8 triệu lượt khách. Do đó, kế hoạch phục hồi của toàn ngành du lịch phải tới năm 2025 mới về có thể phục hồi như giai đoạn năm 2019 trong điều kiện bình thường, còn nếu tiếp tục suy thoái thì sẽ khó khăn”, ông Tài nhấn mạnh.

Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp cho biết, mặc dù có khả năng trả nợ, song cũng không dám khẳng định “có khả năng phục hồi” để tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2%. Vì hiện nay, các tiêu chí để đánh giá khả năng phục hồi thường là những kết quả định lượng như doanh thu, sản lượng, lợi nhuận kinh doanh phải tăng; hoặc các tiêu chí định tính như diễn biến, chiều hướng, triển vọng kinh doanh của khách hàng…

Trong khi đó, qua khảo sát và báo cáo của các ngân hàng thương mại (NHTM), vướng mắc lớn nhất khiến kết quả giải ngân gói hỗ trợ lãi suất thấp là các doanh nghiệp e ngại khi tham gia chương trình này phải tuân thủ các thủ tục liên quan đến hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán về sau.

Về phía các ngân hàng, lợi ích của việc được hỗ trợ 2% so với chi phí bỏ ra khi phải theo dõi hồ sơ, sổ sách và các quy định liên quan để phục vụ cho công tác kiểm tra, hậu kiểm sau này cũng là vấn đề được đặt lên bàn cân.

Trong trường hợp bị thu hồi khoản hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ rất khó xử lý, bởi việc hạch toán và chia cổ tức một khi đã thực hiện thì sẽ khó thu lại. Bên cạnh đó, theo quy định, để được hưởng hỗ trợ, các doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện có khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi.

Nếu tại thời điểm thanh kiểm toán, doanh nghiệp được đánh giá không có khả năng phục hồi thì có thể bị thu hồi lại phần tiền đã được hỗ trợ hoặc bị quy trục lợi chính sách.

Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng (NHNN), bản thân doanh nghiệp nhận thấy, họ cần vốn nên mong muốn những chính sách hỗ trợ trực tiếp như miễn giảm thuế, hơn là hỗ trợ lãi suất.

Sau khi các văn bản quy phạm pháp luật và giải đáp về chính sách được ban hành, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động rà soát để nắm bắt nhu cầu, thông báo, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục; tích cực truyền thông, thông tin về chính sách bằng nhiều hình thức; thành lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh.

Đến cuối tháng 11/2022, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt hơn 38.000 tỷ đồng đối với trên 1.500 khách hàng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt 28.500 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng đạt hơn 85 tỷ đồng.

Theo bà Giang, thực tế chưa có một chính sách nào mà ngành ngân hàng triển khai đồng bộ với tinh thần quyết liệt và khẩn trương như chính sách hỗ trợ lãi suất này. Tuy nhiên, kết quả hỗ trợ lãi suất còn thấp, chưa như kỳ vọng do nhiều nguyên nhân. Hiện nay, NHNN đã rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi Nghị định 31 và đang lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Đẩy tiến độ giải ngân trong năm 2023

NHNN vừa có Tờ trình số 151 về việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN. Tờ trình nêu rõ, từ khi ban hành chính sách, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ với tinh thần quyết liệt và khẩn trương.

Tuy nhiên kết quả hỗ trợ lãi suất còn thấp, chưa như kỳ vọng là do một số vướng mắc đã được nhận diện trong quá trình NHNN và các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng khảo sát thực tế tại địa phương.

Số liệu tập hợp từ các NHTM cho thấy, trong số khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất và đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất, có khoảng 67% khách hàng phản hồi không có nhu cầu.

Thậm chí, một số khách hàng đã nhận hỗ trợ lãi suất, song chủ động hoàn trả NHTM toàn bộ số tiền lãi được hỗ trợ.

Trong đó, lý do lớn nhất là tâm lý e ngại đối với các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Một trong các vướng mắc lớn nhất liên quan đến quy định “có khả năng phục hồi” tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 31/2022/NĐ-CP.

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, việc gỡ vướng để giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% là rất cần thiết, NHNN sẽ xem xét để mở rộng thêm những đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong năm 2023.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, một số đối tượng đã và đang thuộc danh sách những doanh nghiệp hợp tác xã, hộ gia đình thuộc đối tượng được hưởng 2% lãi suất này. Tuy nhiên, việc tiếp cận cũng như việc mở rộng đang có những hạn chế.

Chính vì thế, việc mở rộng đối tượng, những lĩnh vực mà có thể hỗ trợ được cũng là điều cần thiết, và cũng là vấn đề mà qua khảo sát đánh giá, chúng tôi cũng sẽ phải báo cáo lên cấp có thẩm quyền để có thể xem xét thêm về việc mở rộng đối tượng này.

Hiện tại, NHNN đã rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi Nghị định 31 và đang lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định. Trong đó, NHNN đề xuất cần hướng dẫn quy định “có khả năng phục hồi” nghĩa là “đáp ứng điều kiện cho vay”, thay vì các tiêu chí cụ thể khác.

Như vậy, NHTM và khách hàng không cần xem xét các tiêu chí khác mà chỉ cần đáp ứng các quy định hiện hành về điều kiện cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.

Phản hồi đề nghị của NHNN về việc hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/05/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đồng thời, trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, VCCI cho rằng, minh bạch hoá các quy định, quy chế trong cho vay hỗ trợ lãi suất chính là tạo điều kiện tối đa giúp doanh nghiệp sớm tiếp cận được các khoản vay ưu đãi từ Chính phủ.

Vì thế, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số nội dung như: sớm ban hành quy định về nguyên tắc hoạt động kiểm tra của NHNN và Tổ công tác liên ngành để tránh sự chồng chéo, trùng lặp với các hoạt động thanh tra, kiểm tra khác, hạn chế tối đa chi phí thời gian cho khách hàng.

Cùng với đó, hoạt động kiểm tra của NHNN và tổ công tác được tiến hành chủ yếu tại các NHTM. Chỉ khi nào việc kiểm tra tại các ngân hàng thương mại phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì các cơ quan này mới tiến hành kiểm tra khách hàng và chỉ nhằm bảo đảm việc tuân thủ quy định về hỗ trợ lãi suất, không bao gồm các phạm vi khác.

Tin bài liên quan