Vì sao gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng chưa đi vào cuộc sống?

0:00 / 0:00
0:00
Chính sách chưa có tiền lệ, thời gian gấp, nên chưa đánh giá tác động đầy đủ,... là một số nguyên nhân được nhìn nhận khi chính sách hỗ trợ Covid-19 được đánh giá là chậm, chưa hiệu quả.
Doanh nghiệp đang có đơn hàng sản xuất, kinh doanh tốt, có đóng góp trong phát triển kinh tế nên được ưu tiên hỗ trợ. Ảnh: Đức Thanh

Doanh nghiệp đang có đơn hàng sản xuất, kinh doanh tốt, có đóng góp trong phát triển kinh tế nên được ưu tiên hỗ trợ. Ảnh: Đức Thanh

Đề xuất vội vàng, “làm khó” người thụ hưởng

Vào Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 20/7 tới, những đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 sẽ được gửi đến từng vị đại biểu Quốc hội.

Để hoàn thiện báo cáo này, cũng là để có cơ sở ban hành chính sách mới, các cơ quan chức năng của Quốc hội đã tập hợp thông tin và đưa ra đánh giá bước đầu, Chủ tịch Quốc hội đích thân làm việc với các cơ quan liên quan, trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 57 vào giữa tháng 6.

Hơn một năm trước, khi Covid-19 gây xáo trộn toàn thế giới và Việt Nam không phải ngoại lệ, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, ngày 8/4/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã triệu tập phiên họp bất thường để xem xét thông qua đề xuất về chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP để triển khai và nguồn lực ban đầu khoảng 61.580 tỷ đồng.

Vào kỳ họp tháng 10/2020 của Quốc hội khóa XIV, đã có những ý kiến nhận xét rằng, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng nói trên khó đi vào cuộc sống. Đến nay, kết quả thực hiện dường như đã chứng minh nhận xét trên là đúng.

Các chuyên gia và một số vị đại biểu Quốc hội ở nhiều diễn đàn nêu số liệu chỉ có trên 56.000 người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ với số tiền 80,6 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,23% tổng kinh phí dự kiến thực hiện.

Và cũng chỉ có 37.000 hộ kinh doanh được hỗ trợ số tiền 38 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,11% tổng kinh phí dự kiến. Hơn 173.000 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ với số tiền 177,6 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,5% tổng kinh phí dự kiến.

Đáng chú ý là, chỉ có trên 1 triệu người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ với số tiền 1.001,7 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,79% tổng kinh phí dự kiến thực hiện.

Được nhắc đến nhiều lần như một minh chứng cho sự chưa hiệu quả của thực thi chính sách là kết quả gói hỗ trợ thông qua các chính sách gián tiếp.

Cụ thể, hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc thông qua chính sách cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội với quy mô 16.000 tỷ đồng chỉ giải ngân được 0,26%.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, gói này chưa đi vào cuộc sống trước hết có lý do khách quan là, lúc đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chưa đánh giá hết thực tế nền kinh tế có cần đến như vậy không. Thứ hai là, chưa đánh giá được mức độ tác động của chính sách này đối với các doanh nghiệp và ngoài ra còn có yếu tố tâm lý của chính doanh nghiệp nữa.

“Nhu cầu đặt ra có thể rất cần, nhưng kiểu vay đó có thể người ta không hứng thú. Chính vì thế, nên khi xây dựng cơ chế mới, cần đánh gia sâu hơn”, một vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận.

Tổng hợp từ các địa phương, các bộ, ngành chức năng và cơ quan của Quốc hội cho thấy, việc tham mưu, đề xuất ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP có phần vội vàng, công tác dự báo chưa tốt, tính thực tiễn, tính khả thi của chính sách còn yếu, chưa dự báo được những khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện; nhất là đối với các chính sách, chế độ cụ thể và thủ tục, điều kiện để được nhận hỗ trợ.

Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định, các cơ quan chưa đạt được sự thống nhất cao trong hướng dẫn về điều kiện hỗ trợ, nên dẫn đến “làm khó” cho đối tượng thụ hưởng và thậm chí không thật sự phù hợp với thực tế biến động liên tục do tác động mạnh mẽ của dịch bệnh Covid-19. Việc hướng dẫn cụ thể thực hiện chính sách còn lúng túng, hạn chế, thậm chí dẫn đến khó khăn cho địa phương và người dân, doanh nghiệp, không đáp ứng được kỳ vọng của đối tượng thụ hưởng.

Chẳng hạn, để được tiếp cận nguồn vốn vay để trả lương cho người lao động của Ngân hàng Chính sách xã hội, doanh nghiệp cần phải đáp ứng nhiều điều kiện (doanh nghiệp phải trả 50% lương ngừng việc cho người lao động; không có nợ xấu ở các ngân hàng; phải sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương; phải có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên). Mỗi điều kiện lại phải thông qua các cấp, nhiều người phê duyệt, dẫn đến kéo dài thời gian và không thực thi được.

Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp đang có đơn hàng

Thảo luận tại phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng là nội dung đặc biệt quan trọng, nguồn lực cũng rất lớn.

“Tuy nhiên, theo các báo cáo, thì cơ bản chưa đạt được mục tiêu, có nội dung chỉ đạt 0,26% quy mô hỗ trợ. Vấn đề này cần phải làm rõ hơn, đánh giá kỹ thêm nguyên nhân, kể cả khách quan, chủ quan, kế hoạch tiếp theo sẽ như thế nào”, ông Tỵ nêu quan điểm.

Đồng tình với quan điểm này, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, cần tiến hành tổng kết, đánh giá cụ thể các gói hỗ trợ đã thực hiện trong năm qua để rút ra những gì cần điều chỉnh trong thời gian tới, đồng thời xem xét hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Vì, như báo chí đã công khai, có trên 98% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 đang gặp khó khăn, đứng trước nguy cơ phá sản, chỉ có 2% doanh nghiệp được hưởng chính sách này và còn rất nhiều vấn đề khác cần xem xét, đánh giá một cách thấu đáo.

“Không như kỳ vọng” là khái quát của bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội - cơ quan được giao xây dựng báo cáo gửi đến Quốc hội.

Bà Thúy Anh cho biết, nhóm đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không bảo đảm mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 gần như không tiếp cận được chính sách hỗ trợ trực tiếp và chỉ có 3,6% gói hỗ trợ được giải ngân cho nhóm đối tượng này.

Vì vậy, theo bà Thúy Anh, khi xây dựng chính sách hỗ trợ mới, cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có chọn lọc, phân loại ngành, nghề để hỗ trợ có điều kiện, tiêu chí cụ thể, bảo đảm doanh nghiệp có thể tiếp cận thuận lợi. Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp đang có đơn hàng sản xuất, kinh doanh tốt, có đóng góp trong phát triển kinh tế, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh không thể tiếp tục thực hiện duy trì sản xuất, phát triển kinh tế doanh nghiệp theo kế hoạch.

Đối với hỗ trợ người dân, cần phải đảm bảo nguyên tắc: hỗ trợ các đối tượng thực sự bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

“Quá trình thực thi các chính sách hỗ trợ cần phải rõ ràng và minh bạch về thủ tục cũng như đối tượng được hưởng các gói chính sách, giảm thiểu phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ. Trong bối cảnh nguồn ngân sách còn hạn hẹp, thì có thể cân nhắc tạm thời chưa triển khai các chính sách hỗ trợ thêm đối với những người đang hưởng các chế độ trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước”, bà Thúy Anh nêu quan điểm.

Phải báo cáo trước khi có chính sách mới

“Chính phủ phải báo cáo kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trước khi có chính sách mới”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tình hình kinh tế, xã hội.

Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề: nhiều chính sách rất tốt như miễn, giảm, giãn, hoãn thuế đi vào cuộc sống rất nhanh, rất tốt, nhưng nhiều chính sách không tiếp cận được như gói 16.000 tỷ đồng cho vay để trả lương, thì do thể chế hay do tổ chức thực hiện? Theo đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, trước khi đề xuất chính sách mới, phải tổng kết cái cũ, chính sách có trúng đối tượng không và tổ chức thực hiện thế nào…

Tin bài liên quan