Một nguồn tin thân cận với Tập đoàn cho biết, khuyến nghị này đã được đưa tới những lãnh đạo cấp cao nhất từ 3 năm trước.
Phân phối và bán lẻ đang là “con gà đẻ trứng vàng” của FPT, song cũng là lĩnh vực dễ gây nhẫm lẫn về ngành nghề cốt lõi của Tập đoàn bởi tỷ trọng doanh thu quá lớn trong cơ cấu nguồn thu hàng năm. Thậm chí, thị trường còn có thông tin khá hài hước là Sở GDCK TP. HCM từng phân ngành và xếp FPT vào ngành bán buôn - bán lẻ, chứ không phải công nghệ.
Năm 2015, xét về doanh thu của FPT, mảng phân phối - bán lẻ tiếp tục đứng đầu với 25.212 tỷ đồng; tiếp theo là khối công nghệ (gồm 3 mảng là phát triển phần mềm, tích hợp hệ thống và dịch vụ CNTT) đạt 8.605 tỷ đồng; khối viễn thông (gồm 2 mảng là dịch vụ viễn thông và nội dung số) đứng thứ ba, với 5.484 tỷ đồng. Tuy nhiên, xét về cơ cấu lợi nhuận, mảng phân phối - bán lẻ chỉ đứng thứ ba, với 729 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Điều này cho thấy, dù là mảng có tiềm năng, song biên lợi nhuận từ 2 mảng hoạt động cốt lõi là công nghệ và viễn thông của FPT cao hơn hẳn so với phân phối - bán lẻ. Hơn nữa, trong mảng đầu tiên, FPT không có lợi thế dẫn đầu, trong khi 2 mảng còn lại, FPT đứng đầu ở một số ngành, dư địa để phát triển những lĩnh vực này, theo các hãng nghiên cứu thị trường còn rất lớn.
Trong kế hoạch năm 2016, FPT dự kiến khối công nghệ đạt doanh thu 9.990 tỷ đồng, tăng 16,1%; khối viễn thông đạt 6.550 tỷ đồng, tăng 19,4%; khối phân phối và bán lẻ đạt 28.586 tỷ đồng, tăng 13,4%. Lợi nhuận trước thuế của các khối lần lượt đạt 1.210 tỷ đồng, tăng 30,5%; 1.042 tỷ đồng, giảm 0,2%; 826 tỷ đồng, tăng 13,4%. Tính chung cả năm, FPT dự kiến đạt 45.796 tỷ đồng doanh thu, tăng 14,5% và lợi nhuận trước thuế đạt 3.151 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2015.
Các lĩnh vực dự kiến có mức đầu tư cao nhất tiếp tục là dịch vụ viễn thông, xuất khẩu phần mềm. Trong lĩnh vực dịch vụ viễn thông, FPT dự kiến tăng cường đầu tư cho hạ tầng viễn thông và đẩy mạnh phát triển dịch vụ truyền hình trả tiền. Khối công nghệ và viễn thông có tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, trong khi khối Phân phối và Bán lẻ chỉ được đầu tư 127 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thế Phương, Phó tổng giám đốc FPT cho biết, mục tiêu của việc giảm sở hữu tại mảng phân phối và bán lẻ nhằm giúp FPT tăng cường đầu tư vào mảng cốt lõi là công nghệ thông tin và viễn thông để tận dụng được những cơ hội lớn đang có. Đồng thời, chiến lược này sẽ giúp Tập đoàn có thể tìm kiếm các NĐT có năng lực tài chính, kinh nghiệm kinh doanh và quản trị quốc tế để cùng đẩy mạnh sự phát triển của mảng phân phối và bán lẻ, một mảng kinh doanh gần đây nhận được sự quan tâm lớn, nhất là từ các NĐT nước ngoài.
Hiện FPT sở hữu 85% cổ phần tại FPT Retail và FPT Trading, 15% còn lại thuộc sở hữu của các cán bộ, nhân viên trong Tập đoàn khi FPT cổ phần hóa 2 doanh nghiệp. Theo cam kết bảo mật thông tin, ông Phương không thể chia sẻ thêm thông tin về các đối tác tiềm năng đang mong muốn tham gia thương vụ này và thời điểm sớm nhất để thị trường có thêm thông tin có lẽ cũng phải vài tháng nữa.
Tuy nhiên, với những tiêu chí đã đặt ra, nhiều khả năng NĐT nước ngoài có lợi thế trong cuộc đua. Hơn nữa, nhìn bằng các con số có thể thấy tiềm năng phát triển của FPT Shop là rất lớn, do đó tiềm lực tài chính của bên mua không thể nhỏ.
Trong quý I/2016, FPT Shop ước đạt 2.459 tỷ đồng doanh thu và 43 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 36% về doanh thu và 51% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái. Trong kỳ, FPT Shop đã mở mới 48 cửa hàng, tốc độ mở shop của đơn vị đạt trung bình 2 ngày/shop. Tính đến cuối tháng 3/2016, FPT Shop đã có 300 cửa hàng trên toàn quốc, hoàn thành trước kế hoạch mở rộng vùng phủ cả năm chỉ sau 3 tháng đầu năm.
Trong năm 2015, FPT Shop đặt mục tiêu mở mới 50 cửa hàng, nhưng kết quả đạt được gần gấp đôi so với dự kiến (89 shop). Về kết quả kinh doanh, FPT Shop đạt mức tăng trưởng nhanh nhất so với các đơn vị trong Tập đoàn, với doanh thu tăng 50% so với năm 2014, lợi nhuận trước thuế tăng 335%.
Thoái bớt vốn với giá cao, tạo ra động lực mới để mảng phân phối - bán lẻ tiếp tục phát triển, không còn mang tiếng sa đà vào ngành nghề kinh doanh không cốt lõi, có nguồn lực lớn để tái đầu tư cho các lĩnh vực còn nhiều dư địa phát triển, xem ra thương vụ nêu trên chính là mũi tên trúng nhiều đích của FPT.