Vì sao Dược phẩm Sanofi không được chấp thuận ưu đãi đầu tư?

Công ty Dược phẩm Sanofi (Pháp) đang vướng ưu đãi đầu tư tại dự án lớn nhất tại Việt Nam. Dự án này đang được xây dựng tại Khu công nghệ cao TP. HCM.
Vì sao Dược phẩm Sanofi không được chấp thuận ưu đãi đầu tư?

Dự án này có vốn đầu tư 75 triệu USD, sản xuất các loại dược phẩm, sản phẩm chăm sóc cá nhân chất lượng cao, thuốc thú y…Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay.

Để thực hiện Dự án, Sanofi đã đề nghị được miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, vật tư trong nước chưa sản xuất được được nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án đầu tư. Tuy nhiên, đề xuất này không được chấp nhận.

Vướng mắc nằm ở chỗ, đúng là dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất thuốc chữa bệnh cho người đạt tiêu chuẩn GMP quốc tế thuộc lĩnh vực được ưu đãi về thuế nhập khẩu, nhưng khi đăng ký đầu tư, Sanofi lại đăng ký nhiều nội dung khác nhau, như xây dựng trung tâm R&D để nghiên cứu và phát triển các sản phẩm dược phẩm, mỹ phẩm...; xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và thực phẩm chức năng chất lượng cao hiện đại theo tiêu chuẩn GMP...

Dự án của Công ty có nhiều mục tiêu, trong đó chỉ có mục tiêu sản xuất dược phẩm theo tiêu chuẩn GMP thuộc lĩnh vực được ưu đãi về thuế nhập khẩu, mà pháp luật về thuế xuất nhập khẩu hiện hành chưa có quy định việc miễn thuế đối với dự án phức hợp, bao gồm nhiều mục tiêu, trong đó chỉ có một phần thuộc lĩnh vực được ưu đãi về thuế nhập khẩu.

Lúng túng trong xử lý thuế đối với hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định của hạng mục xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm thuộc dự án đầu tư của Sanofi Việt Nam, Cục Hải quan TP.HCM đã phải “cầu viện” Tổng cục Hải quan.

Và câu trả lời của Tổng cục Hải quan là chỉ có hạng mục xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm hiện đại theo tiêu chuẩn GMP thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư, vì vậy cũng chỉ có hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định riêng cho hạng mục xây dựng nhà máy dược phẩm (không dùng chung với các hạng mục khác) mới được miễn thuế nhập khẩu.

Như vậy, Sanofi muốn được hưởng ưu đãi đầu tư sẽ phải phối hợp với các sở, ngành kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ dự án đầu tư, luận chứng kinh tế - kỹ thuật, bản giải trình chi tiết về việc phân bổ vốn đầu tư tạo tài sản cố định cho từng hạng mục (dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng) và các tài liệu liên quan để xác định cụ thể danh mục hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định được miễn thuế và chỉ sử dụng riêng cho hạng mục xây dựng nhà máy dược phẩm. Một công việc cũng không hề đơn giản!

Đề xuất hướng xử lý như vậy, Tổng cục Hải quan mới đây đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Khoa học và Công nghệ có ý kiến về vấn đề này.

Nhà máy mới của Sanofi có công suất 90 triệu hộp/năm, dự kiến có thể tăng lên 150 triệu hộp/năm này được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân Việt Nam và phục vụ xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Sanofi còn thành lập tại đây trung tâm nghiên cứu đầu tiên của khu vực Đông Nam Á để nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới có chất lượng cao cho thị trường các nước trong khu vực.

Sanofi đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1960, hiện có hai nhà máy sản xuất đặt tại TP.HCM, đạt tiêu chuẩn WHO-GMP.

Tin bài liên quan