Phối cảnh Dự án cảng hàng không Sapa.
Sức hấp dẫn thấp
Có khá nhiều nội dung cần được bổ sung, làm rõ, nếu UBND tỉnh Lào Cai muốn Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án Đầu tư xây dựng cảng hàng không Sapa (Dự án cảng hàng không Sapa) qua được vòng thẩm định để có thể trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.
Trong Công văn số 5322/BKHĐT-PTHTĐT gửi UBND tỉnh Lào Cai vào đầu tuần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan thường trực của Hội đồng Thẩm định liên ngành đã đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền Dự án cảng hàng không Sapa bổ sung một số căn cứ pháp lý, tài liệu.
Các tài liệu cần bổ sung gồm: báo cáo về tình hình thực hiện Dự án thành phần 1 - giải phóng mặt bằng và tái định cư; báo cáo thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công của tỉnh Lào Cai; các văn bản liên quan kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, khảo sát sự quan tâm của các nhà đầu tư; quá trình lựa chọn nhà đầu tư; điều chỉnh một số tiêu chí trong hồ sơ mời thầu…
Trước đó, đầu tháng 4/2024, UBND tỉnh Lào Cai có Tờ trình số 49/Tr-UBND gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thẩm định thẩm định điều chỉnh Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án cảng hàng không Sapa.
UBND tỉnh Lào Cai đề nghị cấp có thẩm quyền giữ nguyên tổng mức đầu tư của Dự án theo Quyết định số 1773/QĐ-TTg ngày 21/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án là 6.948,845 tỷ đồng, thực hiện điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư.
Cụ thể, tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn I là 4.207,287 tỷ đồng (Dự án thành phần 1 sử dụng vốn ngân sách nhà nước là 555 tỷ đồng; Dự án thành phần 2 - xây dựng cảng hàng không thực hiện theo phương thức đối tác công - tư (PPP) là 3.652,287 tỷ đồng); tổng mức đầu tư giai đoạn II là 2.741,558 tỷ đồng (toàn bộ số vốn này thuộc Dự án thành phần 2 - xây dựng cảng hàng không).
Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn kiến nghị thay đổi cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước tham gia Dự án cảng hàng không Sapa để làm tăng tính hấp dẫn sau 2 lần mời thầu liên tiếp từ tháng 5/2022 đến tháng 9/2022 mà không có bất kỳ nhà đầu tư nào nộp hồ sơ dự thầu. Đây là lý do chính khiến Dự án buộc phải tiến hành các thủ tục xin điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Lào Cai, trong giai đoạn I, vốn do nhà đầu tư huy động (vốn chủ sở hữu, vốn tín dụng) thực hiện Dự án thành phần 2 là 2.104,769 tỷ đồng; vốn nhà nước tham gia là 2.102,518 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu là 600 tỷ đồng; ngân sách địa phương tự cân đối là 1.502,518 tỷ đồng).
Giai đoạn II, vốn do nhà đầu tư huy động (vốn chủ sở hữu, vốn tín dụng) là 1.388 tỷ đồng; vốn nhà nước tham gia Dự án là 1.353,5 tỷ đồng (nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương tự cân đối trong giai đoạn 2026 - 2030 và các nguồn thu hợp pháp khác).
Tính chung, tổng vốn ngân sách nhà nước tham gia Dự án cảng hàng không Sapa theo đề xuất điều chỉnh của UBND tỉnh Lào Cai ở cả 2 giai đoạn là 3.456 tỷ đồng, tăng khoảng 725 tỷ đồng so với con số được phê duyệt tại Quyết định số 1773/QĐ-TTg.
Dự kiến, phần vốn ngân sách nhà nước tăng thêm tại Dự án sẽ do ngân sách tỉnh Lào Cai tự cân đối trong giai đoạn 2024 - 2027.
“Để thu hút được các nhà đầu tư quan tâm tham gia thực hiện Dự án thành phần 2, nhất thiết phải điều chỉnh bổ sung vốn nhà nước tham gia Dự án”, lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai phân tích.
UBND tỉnh Lào Cai cho rằng, nếu đề xuất tăng vốn góp của Nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Dự án sẽ cải thiện được các chỉ tiêu tài chính, qua đó có thể thu hút được nhà đầu tư quan tâm.
“Ngân sách nhà nước dự kiến điều chỉnh chỉ chiếm khoảng 49,74% tổng mức đầu tư của Dự án, vẫn đảm bảo không quá 50% tổng mức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức PPP”, ông Nguyễn Trọng Hài, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết.
Mong manh phương án tài chính
Việc UBND tỉnh Lào Cai không thành công trong việc tìm nhà đầu tư cho Dự án thành phần 2, Cảng hàng không Sapa nhận được sự quan tâm của nhiều thành viên Hội đồng Thẩm định liên ngành, trong đó có Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trong Công văn số 5322, Hội đồng Thẩm định liên ngành đề nghị UBND tỉnh Lào Cai phân tích vì sao khi khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư, có 2 nhà đầu tư quan tâm (Công ty TNHH Dịch vụ du lịch cáp treo Fansipan Sapa thuộc Tập đoàn Sun Group và Công ty cổ phần Tập đoàn T&T), nhưng sau khi phát hành hồ sơ mời thầu, thì lại không có đơn vị nào nộp hồ sơ dự thầu.
Hội đồng Thẩm định liên ngành cũng yêu cầu báo cáo các tiêu chí đã được UBND tỉnh Lào Cai chấp thuận điều chỉnh trong hồ sơ mời thầu để tăng tính cạnh tranh và thu hút nhà đầu tư; qua đó làm rõ mối liên hệ giữa việc không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu với việc điều chỉnh tăng giá trị vốn nhà nước tham gia Dự án.
“UBND tỉnh Lào Cai cần đánh giá khả năng thu hút nhà đầu tư trong trường hợp điều chỉnh tăng phần vốn nhà nước như phương án đề xuất; đồng thời đề nghị làm rõ cơ sở để đề xuất tỷ lệ vốn tham gia của Nhà nước tăng từ 39,29% lên 49,71% tổng mức đầu tư”, Công văn số 5322 nêu rõ.
Bên cạnh đó, Hội đồng Thẩm định liên ngành đề nghị UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo các đơn vị làm rõ các nguyên nhân chính yếu dẫn đến việc chưa lựa chọn được nhà đầu tư, ngoài nguyên nhân tỷ lệ vốn nhà nước tham gia Dự án còn thấp, có thể có một số nguyên nhân khác như dự kiến khung giá, phí; cơ chế đảm bảo đầu tư, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu. Trên cơ sở đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổng hợp nghiên cứu, đề xuất việc điều chỉnh toàn diện các nội dung cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi của Dự án.
Trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh, Hội đồng Thẩm định liên ngành lưu ý UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục tổ chức khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư, bên cho vay theo quy định tại Điều 25, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, chủ động tổ chức khảo sát thị trường, xúc tiến đầu tư để thăm dò tính khả thi về tài chính, khả năng lựa chọn được nhà đầu tư ngay khi chủ trương đầu tư được Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh; cam kết đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư và chịu trách nhiệm về các đề xuất, kiến nghị của mình trước Thủ tướng.
Một điểm cấn cá lớn khác liên quan đến phương án tài chính của Dự án là, theo hồ sơ trình điều chỉnh chủ trương đầu tư, tổng mức đầu tư Dự án không đổi so với chủ trương đầu tư được duyệt, nhưng tăng phần vốn nhà nước hỗ trợ thêm 725 tỷ đồng và lưu lượng khách dự báo tăng lên so với phương án tài chính được duyệt tại Quyết định số 1773/QĐ-TTg.
Tuy nhiên, tại Tờ trình số 49/Tr-UBND của UBND tỉnh Lào Cai, thời gian hoàn vốn Dự án lại tăng từ 46 năm lên 46 năm 5 tháng.
“Phương án tài chính và thời gian thực hiện Dự án nêu trên chưa đảm bảo mục tiêu điều chỉnh chủ trương đầu tư để tăng tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư”, Hội đồng Thẩm định liên ngành nêu vấn đề.
Bên cạnh đó, việc UBND tỉnh Lào Cai đưa ra dự báo có tới 1,5 triệu lượt hành khách đi bằng đường hàng không qua cảng hàng không Sapa kể từ năm 2027 (chiếm khoảng 50% lượng khách đến Lào Cai năm 2023) là chưa có cơ sở thuyết phục, bởi sân bay này chưa thuận tiện khi cách trung tâm thị trấn Sapa tới 80 km, bị phân lưu với đường bộ cao tốc Nội Bài - Lào Cai và đường sắt Hà Nội - Lào Cai.
Cảng hàng không Sapa chắc chắn tiếp tục bị chia sẻ lưu lượng với Cảng hàng không Lai Châu theo quy hoạch được duyệt đến năm 2030 có công suất 0,5 triệu lượt hành khách/năm; đến năm 2050 là 1,5 triệu lượt hành khách/năm.
Theo đại diện Bộ Tài chính, bản thân các chỉ tiêu tài chính điều chỉnh dù đã được cải thiện, nhưng nhìn chung hiệu quả thấp, chưa thực sự bền vững, do tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến phương án tài chính như lãi suất vốn vay, sơ bộ tổng mức đầu tư thay đổi.
Cần phải nói thêm rằng, Dự án cảng hàng không Sapa có nhu cầu vay vốn lớn (khoảng 3.000 tỷ đồng, chiếm 85% nguồn vốn nhà đầu tư), thời gian hoàn vốn rất dài (lên tới 46 năm 5 tháng).
Dự án có mức độ rủi ro cao. Trường hợp sản lượng sụt giảm và chi phí tăng 5%, thì công trình không còn khả thi về tài chính. Trong khi đó, đây là 2 chỉ tiêu thường xảy ra đối với các dự án hạ tầng cảng hàng không.
“Thời gian hoàn vốn quá dài, khó có thể thu hút vốn tín dụng. Để đảm bảo đủ nguồn vốn thực hiện Dự án, UBND tỉnh Lào Cai cần nghiên cứu đa dạng nguồn vốn huy động, giảm sự phụ thuộc vào các tổ chức tín dụng”, đại diện Ngân hàng Nhà nước nêu quan điểm.
Theo một chuyên gia, với sự mong manh về phương án tài chính, việc tìm nhà đầu tư cho Dự án cảng hàng không Sapa trong quý III/2024 thực sự là một thách thức rất lớn đối với UBND tỉnh Lào Cai. Đây cũng sẽ là thách thức chung cho các dự án hạ tầng hàng không dự kiến đầu tư theo phương thức PPP trong thời gian tới, dù khi mới xuất hiện thông tin quy hoạch, các công trình này liên tục nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, nhưng sau đó đều rơi vào cảnh “khởi đầu rầm rộ, kết thúc lặng im”.
“Do Dự án đã phát hành hồ sơ mời thầu 2 lần nhưng đều không có nhà đầu tư tham dự, nên UBND tỉnh Lào Cai cần có phương án xử lý trong trường hợp tiếp tục không chọn được nhà đầu tư, tránh trường hợp Dự án phải điều chỉnh nhiều lần, kéo dài thời gian thực hiện, làm giảm hiệu quả các chi phí rất lớn đã bỏ ra”, một chuyên gia khuyến nghị.
Dự án Đầu tư xây dựng cảng hàng không Sapa
Dự án thành phần 1 - giai đoạn I được phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 4486/QĐ-UBND ngày 6/5/2022; phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 286/QĐ-UBND ngày 6/2/2024.
Đến nay, UBND huyện Bảo Yên đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư cho giai đoạn I của Dự án với tổng kinh phí 420 tỷ đồng (phần kinh phí còn dư là 112,135 tỷ đồng).
Kinh phí dự kiến để thực hiện giải phóng mặt bằng 75,8 ha của giai đoạn II là 135 tỷ đồng. Tổng kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng toàn Dự án khoảng 555 tỷ đồng, giảm so với chủ trương đầu tư được duyệt 137 tỷ đồng.
Dự án thành phần 2 được phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 999/QĐ-UBND ngày 6/5/2022 với quy mô đầu tư đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C, công suất 1,5 triệu hành khách/năm và sân bay quân sự cấp II.