Ngày 10/1/2024 đánh dấu một cột mốc lịch sử đối với bitcoin. Sau một quá trình dài đấu tranh với SEC cùng nhiều tổ chức khác tại Hoa Kỳ, cơ quan quản lý tài chính này cuối cùng đã phê duyệt niêm yết 11 quỹ ETF Bitcoin giao ngay. Đây là một bước đột phá đối với thị trường tiền điện tử, mở ra một kỷ nguyên mới.
Với sự dẫn đầu của những ông lớn tài chính như Grayscale, BlackRock và Vanguard, việc niêm yết quỹ ETF tiền điện tử đã thổi luồng gió mới đối với những người nắm giữ tiền điện tử. Việc ra mắt các quỹ ETF Bitcoin đã thu hẹp khoảng cách giữa đầu tư “truyền thống” và tài sản kỹ thuật số, đồng thời chứng minh rằng tiền điện tử thực sự là một phần của tài chính chính thống.
Phần lớn sức hút của bitcoin đến từ tiềm năng đặc biệt của đồng tiền số này trong việc định nghĩa lại khái niệm tiền tệ trên toàn cầu. Mặc dù có mức biến động cao, nhưng với đặc tính tăng trưởng nội tại, bitcoin ngày càng nhạy cảm hơn trước các biến động kinh tế và là một trong những đồng tiền điện tử được chấp nhận rộng rãi nhất hiện nay.
Giá trị của bitcoin đến từ nhiều yếu tố khác nhau. Bitcoin có thể được giao dịch ngang hàng một cách liền mạch giữa các khu vực pháp lý, mở ra tiềm năng lớn cho internet vạn vật và chuỗi giá trị tiền điện tử. Điều này giúp việc luân chuyển tài sản kỹ thuật số trở nên mượt mà với chi phí thấp và gần như theo thời gian thực.
Điều này giúp bitcoin trở nên dễ tiếp cận với tất cả mọi người ở mọi nơi trên thế giới, cho phép nhiều người hơn tham gia vào hệ thống tài chính toàn cầu. Hơn nữa, với bản chất phi tập trung, Bitcoin không chịu sự chi phối trực tiếp từ các chính sách tiền tệ, mà chỉ bị ảnh hưởng gián tiếp thông qua mối tương quan với cổ phiếu công nghệ và USD. Thêm vào đó, bitcoin có nguồn cung cố định ở mức 21 triệu đơn vị trong mã nguồn, đây chính là nền tảng tạo nên giá trị của bitcoin.
Trật tự thế giới mới và làn sóng đổ xô vào bitcoin
Một số nhà phân tích ví bitcoin như vàng kỹ thuật số và gần đây bitcoin đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông với những biến động giá mạnh mẽ. Việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào đầu năm nay đã làm chấn động thế giới với những biện pháp chưa từng có tiền lệ.
Từ các mức thuế quan cao đối với Canada, Mexico, Trung Quốc và Liên minh châu Âu, cho đến các biện pháp gỡ bỏ quy định nhằm thúc đẩy thị trường tiền điện tử, những chính sách của ông, được gói gọn trong khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” – đã đẩy giá bitcoin vượt mốc 100.000 USD, một cột mốc mà chưa đồng tiền điện tử nào từng chạm đến.
Những người tin tưởng giá tiền điện tử sẽ tăng nhanh chóng tận dụng cơ hội này, đổ xô mua vào nhiều hơn, với lời hứa của ông Trump về việc tạo ra một quỹ dự trữ tiền điện tử. Theo một báo cáo được yêu cầu bởi “Sa hoàng” phụ trách mảng tiền điện tử và trí tuệ nhân tạo do Nhà Trắng bổ nhiệm, ông David Sacks, quỹ dự trữ tài sản kỹ thuật số này hiện đang nắm giữ riêng lượng bitcoin trị giá 200.000 bitcoin.
Tuy điều này có thể mang lại tín hiệu tích cực đối với những người nắm giữ bitcoin, nhưng nó cần được đặt trong bức tranh rộng lớn hơn. Giờ đây, khi lập trường của ông Trump về thuế quan và xung đột Nga - Ukraine đã trở nên rõ ràng hơn, các thị trường đang chuẩn bị tinh thần cho một trật tự thế giới mới, cùng với những biện pháp kinh tế thắt chặt hơn trong thời gian tới.
Khi lạm phát tại Hoa Kỳ vẫn dao động trên mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cùng với những dư chấn từ việc giải quyết khoản nợ của Mt. Gox khiến bitcoin trị giá hàng chục nghìn USD được tung ra thị trường, giá bitcoin đã lao dốc xuống dưới 80.000 USD chỉ sau một đêm, từ ngày 10 sang 11 tháng 3, giữa làn sóng bán tháo ồ ạt.
Tính đến giữa tháng 4, Bitcoin hồi phục nhẹ lên vùng 84.000 - 85.000 USD, trong bối cảnh lạm phát tại Hoa Kỳ tiếp tục hạ nhiệt. Theo số liệu vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,1% so với tháng trước, phản ánh đà suy yếu rõ rệt của áp lực giá cả. Cụ thể, CPI toàn phần tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái - thấp hơn mức 2,8% của tháng 2, trong khi CPI lõi giảm còn 2,8% từ mức 3,1%. Đây đều là các mức thấp nhất trong gần 4 năm, làm gia tăng kỳ vọng về khả năng Fed sẽ sớm chuyển hướng chính sách tiền tệ.
Thị trường tiền điện tử phản ứng tích cực với diễn biến trên, khi dòng tiền đầu cơ bắt đầu quay trở lại. Cùng lúc, các tín hiệu hạ nhiệt từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, bao gồm việc Mỹ miễn áp thuế đối với nhiều mặt hàng công nghệ, cũng góp phần cải thiện tâm lý nhà đầu tư. Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo, thị trường vẫn còn đối mặt với nhiều biến số, từ rủi ro địa chính trị đến khả năng lạm phát quay trở lại trong các quý tới. Liệu đây có thể là khởi đầu cho một đợt tăng giá mới? Thực tế có lẽ vẫn phức tạp hơn nhiều.
Điều gì đang chờ đợi Bitcoin trong thời gian tới?
Bất chấp tâm lý lạc quan ngắn hạn trên thị trường tiền điện tử nhờ các tín hiệu hạ nhiệt của lạm phát và khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ, giới đầu tư vẫn được khuyến nghị nên thận trọng. Các nhà phân tích cho rằng, đà phục hồi gần đây của Bitcoin – dao động quanh ngưỡng 84.000 - 85.000 USD vào giữa tháng 4 – cũng như mức tăng trong nhóm altcoin (XRP tăng 6%, Dogecoin tăng 4% và Cardano tăng 2% vào giữa tháng 3) có thể sẽ không bền vững nếu các yếu tố bất định tiếp tục kéo dài.
Một mặt, sự lưỡng lự và thay đổi liên tục trong chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump, đặc biệt là chính sách thuế quan, đang tạo thêm áp lực tâm lý đối với các thị trường tài chính. Việc hoãn áp dụng thuế quan đối ứng 90 ngày (ngoại trừ Trung Quốc) và miễn thuế một số mặt hàng công nghệ trong ngắn hạn tuy đã giúp ổn định thị trường tạm thời, song khả năng áp thuế trở lại vẫn là rủi ro hiện hữu. Điều này khiến kỳ vọng lạm phát trong tương lai trở nên khó đoán định, trong khi người tiêu dùng Mỹ phải đối mặt với nguy cơ giá hàng hóa nhập khẩu leo thang.
Mặt khác, trong cuộc phỏng vấn gần đây với Fox News, Tổng thống Trump từ chối bác bỏ nguy cơ suy thoái kinh tế đang đến gần - một động thái khiến nhà đầu tư thêm phần lo ngại. Cùng lúc, các chính sách về tiền điện tử cũng trở thành điểm nóng. Thay vì phát đi tín hiệu hỗ trợ thị trường, Chính phủ Mỹ lại tuyên bố sẽ sử dụng lượng tiền điện tử hiện có - chủ yếu thu được từ các vụ tịch thu tài sản - để tăng cường kho dự trữ quốc gia. Quyết định này ngay lập tức gây ra phản ứng trái chiều và làm suy giảm kỳ vọng về các biện pháp hỗ trợ mới cho lĩnh vực tài sản số.
Trong bối cảnh đó, không ít chuyên gia cho rằng, thị trường có thể sẽ phải trải qua thêm những biến động tiêu cực trước khi có chuyển biến tích cực. Dù vậy, không phải mọi tín hiệu đều tiêu cực. Lịch sử cho thấy thị trường tiền điện tử thường biến động mạnh trong các giai đoạn chuyển giao chính sách. Đặc biệt, mối tương quan giữa Bitcoin và chỉ số công nghệ NASDAQ vẫn đang dao động – phản ánh vai trò kép của bitcoin vừa như một tài sản rủi ro, vừa như một kênh phòng ngừa lạm phát.
Với những biến số ngày càng khó lường - từ chính sách tiền tệ, thương mại, đến định hướng quản lý tài sản số - các nhà đầu tư được khuyên nên bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô và hành động một cách tỉnh táo. Nếu đang cân nhắc đầu tư vào bitcoin trong giai đoạn này, việc theo dõi sát sao các động thái chính sách và tâm lý thị trường nói chung là điều không thể bỏ qua.