Vì sao doanh nghiệp không thích tiết lộ các thông tin rủi ro?

(ĐTCK) Sắp bước sang một thập niên Cuộc Bình chọn báo cáo thường niên (BCTN), công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết trong thời gian này cho thấy có nhiều tiến bộ, từ các nội dung công bố thông tin cho đến hình thức.
GS.TS Trần Ngọc Thơ

GS.TS Trần Ngọc Thơ

Những câu hỏi về sự cần thiết của thông tin rủi ro trên BCTN

Nhiều doanh nghiệp chú trọng đầu tư vào hình thức trình bày BCTN bài bản nhiều năm liền và họ rất xứng đáng nhận được những lời khen từ sự đầu tư công phu này. Cũng không ít doanh nghiệp do nguồn lực có hạn nên chủ yếu tập trung vào nội dung và chất lượng của các thông tin công bố hơn là chú trọng hình thức.

Nhìn lại chặng đường dài 8 năm trước khi khởi động cuộc bình chọn này, thật không thể tưởng tượng cuộc bình chọn đã mang lại những kết quả đáng khích lệ ngày hôm nay. Thậm chí, lúc ấy có những doanh nghiệp niêm yết còn không biết BCTN là gì, thế mà bây giờ có những doanh nghiệp ở tận vùng Tây Nguyên xa xôi cũng đã biết cách thực hiện một BCTN khá tốt và cũng có một số thông tin đáng xem trong đó.

Những đơn vị khởi xướng ra cuộc thi, Sở GDCK TP. HCM, Báo Đầu tư Chứng khoán và Dragon Capital, rất xứng đáng nhận được lời khen tặng vì đã góp phần không nhỏ vào thành quả chung này, bất chấp kinh tế nước nhà vẫn còn khó khăn từ đó đến giờ.

Gần một thập niên trôi qua, cũng đã đến lúc chúng ta cần tự đặt ra câu hỏi, liệu phần lớn các doanh nghiệp niêm yết có thật sự xem BCTN như là một cơ hội công bố thông tin mang lại lợi ích cho chính mình?

Người sử dụng BCTN là các cổ đông và những người có liên quan như các chủ nợ, nhà cung cấp và chính quyền có thật sự tìm đọc BCTN để tiếp nhận thông tin?

Hãy thử đặt giả thuyết, nếu như không có công bố thông tin mang tính bắt buộc, sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp tự nguyện và thích thú làm điều này?

Đúng là thật dễ để mọi người nói với nhau minh bạch thông tin, nhất là những thông tin về rủi ro, luôn đem lại nhiều lợi ích. Điều này chưa chắc đúng nếu đi vào từng trường hợp cụ thể.

Câu hỏi này không những khiến cho các cổ đông, nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách quan tâm, mà còn thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu hàn lâm. 

Vì sao doanh nghiệp không thích tiết lộ thông tin rủi ro?

Có một số nghiên cứu của các nhà kinh tế đề cập đến vấn đề này, một trong số những lý thuyết phổ biến được giới hàn lâm chỉ ra là lý thuyết chi phí sở hữu (Proprietary Costs Theory).

Lý thuyết chi phí sở hữu giải thích vì sao các chuẩn mực công bố thông tin tiết lộ rủi ro hiện đang áp dụng ở hầu hết các nước lại ít hữu dụng đối với những người có nhu cầu sử dụng các thông tin tài chính. Lý thuyết chi phí sở hữu hàm ý đến các lợi ích và chi phí công bố thông tin.

Các nhà quản lý công ty thường trong tình trạng hoài nghi liệu thông tin nào phù hợp nhất để họ tiết lộ ra bên ngoài về những rủi ro, chẳng hạn, trong khi hầu hết các công ty đều mong muốn thiết lập một hệ thống quản trị rủi ro thật chi tiết để có thể nắm bắt và đương đầu với chúng, thì họ lại rất miễn cưỡng để công bố những thông tin nhạy cảm về thương mại hoặc chính trị.

Lý do: các đối tác bên ngoài, như các đối thủ cạnh tranh, các nhóm lợi ích, có thể tận dụng những thông tin này để gây hại cho công ty.

Vì vậy, luôn có những sai lệch giữa các thông tin rủi ro trong nội bộ và các thông tin rủi ro công bố chính thức ra công chúng. Các nhà quản lý công ty thường đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan: số lượng và những loại thông tin nào cần được công bố và cần phải che dấu?

Nếu công ty quá bí mật, các thông tin rủi ro của họ sẽ hầu như không hề tồn tại trên thực tế, tuy điều này gây khó khăn cho những nhà đầu tư nhưng lại là một chiến lược an toàn.

Ngược lại, nếu quá minh bạch đến mức công bố cả nội dung của các rủi ro và cả cách thức sử dụng những công cụ nào để kiểm soát các rủi ro này, công ty có khả năng phải gánh chịu chi phí sở hữu. Điều này làm cho các nhà quản lý công ty luôn cân nhắc chiến lược công bố thông tin sao cho đạt được sự đánh đổi tối ưu giữa lợi ích nhận được và cái giá phải trả vì chấp nhận tiết lộ thông tin.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã tìm thấy những bằng chứng thực nghiệm về chi phí sở hữu như là một trong những nhân tố quan trọng nhất khi công ty công bố các thông tin rủi ro trên báo cáo tài chính.

Gần đây, một số nhà kinh tế mở rộng thêm lý thuyết chi phí sở hữu thông tin. Theo đó, quyết định công bố thông tin còn được xem như là một hàm số của các chi phí hệ lụy (Consequential Costs).

Trước hết, công ty sẽ gánh chịu chi phí do dòng tiền tương lai sụt giảm từ việc công bố một thông tin cụ thể nào đó, nhưng sau đó có khả năng gia tăng trở lại theo nhiều cách khác nhau.

Công bố một thông tin xấu nào đó, trước hết, là cái giá mà công ty phải gánh trả vì có khả năng làm sụt giảm số lượng các nhà đầu tư tiềm năng vào công ty. Nhưng công bố các thông tin xấu lại là cách thức làm nản lòng các công ty mới nào muốn tham gia thị trường, hoặc buộc các công ty địch thủ phải giảm quy mô hoạt động, hoặc rất cân nhắc khi mở rộng hoạt động hoặc thị phần.

Một loạt cái giá phải trả và lợi ích nhận được như thế có khả năng làm cho lợi ích nhận được lấn át và làm cho dòng tiền tương lai của công ty công bố thông tin xấu gia tăng trở lại sau đó.

Trong các báo cáo thường niên năm nay, có một vài công ty dường như rất có chủ đích khi công bố thông tin “bad news” rất rõ ràng và chi tiết.

Có một công ty cho rằng, ngành nghề sản xuất đá ốp lát của mình đang bị sụt giảm mạnh do niềm tin tiêu dùng trong nước suy giảm, ngoài ra công ty đang phải chịu cạnh tranh gay gắt từ các loại sản phẩm nhập ngoại từ Mỹ, Úc, châu Âu và Trung Quốc với chất lượng tốt và giá rẻ cũng như hàng loạt những khó khăn khác mà công ty phải đối mặt.

Thành công trong chiến lược công bố thông tin của một số ít các công ty này như thế nào sẽ được thị trường và các nhà đầu tư đánh giá trong một vài năm tới, nhưng điều rõ ràng là các công ty này bước đầu phần nào khẳng định được độ trung thực số liệu đã công bố, chắc chắn đây sẽ là phần thưởng dài hạn mà thị trường sẽ tưởng thưởng cho họ sau này.

Điều ngược lại là, nếu như chỉ toàn công bố các thông tin tốt không thôi, dòng tiền tương lai của công ty có thể tăng lên, nhưng thông tin tốt có mặt trái là tín hiệu khuyến khích thêm nhiều công ty hơn nữa tham gia cạnh tranh vào thị trường. Kết quả là dòng tiền của công ty có khả năng sụt giảm trở lại sau đó.

Trên thực tế, thông tin kiểu “bad news” như công ty sản xuất đá ốp lát nọ chỉ là dạng hiếm, thì thông tin kiểu “favourable news” lại xuất hiện dày đặc trong các báo cáo thường niên năm nay và nhiều năm trước.

Chẳng những ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới, điều dễ hiểu khi chúng ta thấy phần lớn việc công bố thông tin trong thực tế là một chiến lược do các nhà quản lý công ty thao túng, với những tính toán sao cho công ty có lợi nhất.

Điều này làm cho các thông tin rủi ro trên báo cáo tài chính ít giúp ích được gì nhiều cho những ai muốn sử dụng chúng.

Điều ngạc nhiên là có những thông tin phổ biến đến độ người dân bình thường cũng nhận biết như việc sáp nhập ngân hàng này với ngân hàng khác, thậm chí họ có thể kể tên vanh vách các đại gia nào ẩn sau các thương vụ đó, song việc đánh giá các thay đổi mang tính bước ngoặt này tác động như thế nào đến hoạt động của các ngân hàng đó trong tương lai thì lại không tìm thấy được dù chỉ một dòng trên BCTN.

Vì sao doanh nghiệp không thích tiết lộ các thông tin rủi ro? ảnh 1

GS.TS Trần Ngọc Thơ, PGS.TS Đặng Văn Thanh cùng các chuyên viên 2 Sở GDCK chấm chất lượng thông tin tài chính trong BCTN của các DN 

Một số nhận xét và hàm ý chính sách

Thực tế cho thấy, hầu hết việc công bố thông tin trên các BCTN ở nước ta cho đến giờ đều có thiên hướng tiết lộ chủ yếu các “favourable news”.

Các chiến lược công bố thông tin kiểu này chẳng những làm tổn hại đến sự phát triển của TTCK, mà còn gây tổn thương đến chính các công ty này. Việc các công ty chỉ toàn đưa ra các thông tin tốt và che dấu các thông tin xấu chỉ là cách nhìn thiển cận và mang tính ngắn hạn.

Xin lấy một trường hợp để minh họa hậu quả của một công ty lấp con sông ở một tỉnh nọ. Nếu ngay từ đầu công ty minh bạch thông tin các đánh giá tác động môi trường trước khi tiến hành san lấp con sông, có khả năng họ sẽ nhận được phản hồi từ những nhà chuyên môn và chính quyền về những lổ hỗng trong đánh giá tác động môi trường để điều chỉnh quy mô dự án cho thích hợp.

Hậu quả là giờ đây, công ty nọ phải tốn kém vô cùng lớn để sửa chữa cho những sai lầm trước đây về việc không minh bạch thông tin.

Hay như trước đây, do chỉ toàn đưa ra những thông tin tốt nên giá cổ phiếu các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính ngân hàng thuộc dạng “gà đẻ trứng vàng”. Không có điều gì xấu sẽ được che giấu mãi mãi.

Giờ đây khi hàng loạt thông tin xấu trong quá khứ của những doanh nghiệp này được phơi bày thành các khoản nợ xấu và sở hữu chéo phức tạp, thì chặng đường sắp tới sẽ là một khoảng thời gian dài để đưa ra những chỉnh sửa, mới có thể lấy lại được niềm tin nơi công chúng và thị trường.

Đâu chỉ có các doanh nghiệp không minh bạch mới bị ảnh hưởng mà cả thị trường bị tác động của tình trạng che giấu các rủi ro trong báo cáo tài chính.

Đến bao giờ các cơ quan quản lý vẫn chưa tìm ra được biện pháp mạnh để các công ty minh bạch thông tin, thì khó nói đến sự phát triển lành mạnh của TTCK. Nhưng hãy nhớ, người sử dụng báo cáo tài chính giờ đây cũng rất thông minh.

Đọc báo cáo tài chính của một công ty nào đó, họ luôn đặt giả thuyết chẳng lẽ trong 360 ngày qua (nhìn về quá khứ) và triển vọng tương lai mà công ty không bị tác động bởi một sự kiện xấu? Thật vô lý phải không?

Chính việc đánh mất niềm tin của thị trường mới là điều cảnh báo để các công ty quan tâm hướng đến minh bạch thông tin hơn là những biện pháp mang tính hành chính của cơ quan quản lý thị trường.

Nhìn từ cuộc bình chọn BCTN gần một thập niên qua và những bài học từ thực tiễn, hy vọng sẽ là lời cảnh tỉnh để tất cả cùng hướng đến sự minh bạch mang tính tự nguyện.

Tin bài liên quan