Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từ lâu đã bảo vệ mạnh mẽ quan điểm cho rằng, thắt chặt chi tiêu công là lối thoát khả thi nhất khỏi khủng hoảng tài chính, và hàng năm, quỹ này vẫn trừng phạt cả tá quốc gia vì vi phạm kỷ luật tài khóa.
Củng cố tài khóa - cụm từ tao nhã chỉ việc cắt giảm chi tiêu chính phủ - là một trong những điều kiện chính của các chương trình giải cứu của IMF. Một năm trước, quỹ này cho rằng, Mỹ có một lỗ hổng tài khóa to bằng 10% GDP.
Tất cả những điều này khiến cho báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới được xuất bản gần đây của IMF trở thành một tài liệu đặc biệt khác thường nhưng quan trọng. Trong ấn bản uy tín nhất của mình, Quỹ ủng hộ về cơ bản việc tăng chi tiêu công cho kết cấu hạ tầng, không chỉ ở Mỹ mà với nhiều quốc gia khác.
IMF khẳng định, khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, giống như đang diễn ra tại nhiều nước công nghiệp phát triển, tác dụng kích thích sẽ lớn hơn nếu đầu tư công được thực hiện bằng tiền đi vay, thay vì cắt giảm các khoản chi khác cũng như tăng thuế.
Đáng chú ý nhất, IMF quả quyết rằng, việc đầu tư cho kết cấu hạ tầng, nếu được thiết kế hợp lý, sẽ giúp giảm chứ không phải tăng gánh nợ chính phủ. Các dự án đầu tư hạ tầng có thể tự trang trải cho chính chúng.
Tại sao IMF đưa ra những kết luận như vậy? Hãy xem xét một dự án đầu tư giả định vào một tuyến đường cao tốc mới mà nguồn vốn hoàn toàn từ đi vay. Giả sử - một cách không thực tế và dè dặt - rằng, quá trình xây dựng tuyến cao tốc đó không mang lại lợi ích kích thích.
Giả sử thêm rằng, dự án đó chỉ thu về 6% lợi nhuận thực, cũng là một giả định hết sức dè dặt so với những ước tính được thừa nhận rộng rãi về lợi nhuận của các dự án đầu tư công. Khi đó, nguồn thu thuế hàng năm, được điều chỉnh theo lạm phát, sẽ tăng thêm một khoản bằng 1,5% giá trị đầu tư, do chính phủ thu 25% từ lợi nhuận của dự án.
Trong khi đó, chi phí lãi suất thực - trừ lạm phát - là dưới 1% ở Mỹ và nhiều nước công nghiệp khác trong gần 30 năm qua. Do đó, đầu tư kết cấu hạ tầng thực sự có tác dụng giảm gánh nặng cho các thế hệ tương lai.
Trên thực tế, tính toán này đã giảm bớt tác động tích cực với ngân sách của một dự án đầu tư hạ tầng được thiết kế tốt, như IMF thừa nhận. Nó bỏ qua nguồn thu thuế đến từ lợi ích kích thích của dự án: tạo công ăn việc làm cũng như những lợi ích lâu dài của việc chống được suy thoái.
Tính toán này không tính đến thực tế là việc trì hoãn xây dựng các kết cấu hạ tầng mới cũng đặt một gánh nặng lên thế hệ tương lai không kém gì so với khi chính phủ đi vay.
Ngoài ra, tính toán cũng bỏ qua một thực tế nữa là, bằng cách tăng cường năng lực của nền kinh tế, đầu tư kết cấu hạ tầng giúp tăng khả năng giải quyết bất kỳ khoản nợ đã có nào.
Và quan trọng hơn, tính toán này không bao hàm thực tế rằng, trong nhiều trường hợp, chính phủ có thể thúc đẩy một đồng đầu tư kết cấu hạ tầng với chi phí ít hơn nhiều so với tài trợ vốn, hỗ trợ thuế hay bảo lãnh vay.
Khi tính đến cả những nhân tố kể trên, IMF nhận thấy rằng, một đồng đầu tư có thể tạo ra gần 3 đồng sản lượng.
Bài toán ngân sách gắn với đầu tư kết cấu hạ tầng là đặc biệt hấp dẫn ở những thời điểm mà chính phủ có các nguồn lực chưa dùng đến đủ để không cần cắt bỏ các khoản chi khác.
Với một nền kinh tế công nghiệp phát triển bắt đầu bước vào giai đoạn đình đốn, các nguồn lực chưa dùng đến thường khá sẵn.
Mặc dù cách đầu tư này có thể áp dụng ở hầu như mọi nước, nhưng chiến lược cụ thể thích hợp là khác nhau.
Mỹ cần một ngân sách dài hạn cho kết cấu hạ tầng với sự xác định rõ lợi ích cũng như chi phí. Các dự án nên được triển khai với tốc độ phù hợp. Chính phủ có thể tham gia bằng cách hỗ trợ đầu tư tư nhân trong những lĩnh vực như viễn thông và năng lượng.
Châu Âu cần những cơ chế để thực hiện các dự án hạ tầng tự tài trợ, do nơi đây vẫn còn những vấn đề về ngân sách đang tồn tại. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc mở rộng hoạt động của Ngân hàng Đầu tư châu Âu.
Còn các thị trường mới nổi cần đảm bảo rằng, các dự án được lựa chọn theo một cách thức hợp lý dựa trên lợi ích kinh tế.
Điều quan trọng với tất cả là, trong bối cảnh kinh tế suy giảm và đầu tư công còn thiếu, có một “bữa trưa miễn phí” - một cách để các chính phủ tăng cường cho cả nền kinh tế và tình trạng tài chính của mình.
IMF, một thành trì của chính sách thắt lưng buộc bụng, cũng đã nhận ra sự thật này. Chỉ cần vận dụng một cách sáng suốt, các nước sử dụng chiến lược này nhất định sẽ được lợi.