Kinh Đô bán lại 80% cổ phần của mảng kinh doanh bánh kẹo cho Mondelèz International - Ảnh: Lê Toàn

Kinh Đô bán lại 80% cổ phần của mảng kinh doanh bánh kẹo cho Mondelèz International - Ảnh: Lê Toàn

Vì sao đại gia Việt bán đi tâm huyết của mình?

(ĐTCK) Sau thương vụ Kinh Đô bán mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelez International, thị trường tuần qua chứng kiến doanh nghiệp sữa phía Bắc, CTCP Sữa Quốc tế (IDP) bán 70% cổ phần cho VinaCapital và Daiwa (Nhật Bản).

Trên thị trường còn nhiều cuộc đàm phán giữa doanh nghiệp Việt và nhà đầu tư nước ngoài khác đang diễn ra. Tất cả đều có một điểm chung: phía nước ngoài sẽ mua cổ phần với tỷ lệ chi phối.

Với trường hợp của Kinh Đô, thương hiệu bánh kẹo được họ xây dựng trong suốt 20 năm, trở thành một tên tuổi lớn, đem lại sự nổi tiếng, thành công cũng như tiền bạc cho gia đình ông Trần Kim Thành. Dù ban lãnh đạo Kinh Đô đưa ra nhiều lý do để giải thích cho quyết định này nhưng được giá có lẽ là lý do thị trường dễ nhìn thấy nhất vì sao Kinh Đô lại chia tay với mảng bánh kẹo.

Tổng giám đốc một quỹ nước ngoài đang đầu tư lớn tại Việt Nam nhận xét rằng, có thể coi động thái của Kinh Đô như một chiêu lách quy định về giới hạn room 49% đối với các DN đang niêm yết. Mảng bánh kẹo là hoạt động lõi của Kinh Đô, không thể bán tỷ lệ lớn công ty mẹ cho nước ngoài, doanh nghiệp đã chọn cách đi vòng: đó là bán lượng cổ phần lớn ở công ty con, đơn vị nắm ngành hoạt động chính.

Thương vụ này chẳng khác nào Kinh Đô bán đi phần lõi của chính mình. Những nhà đầu tư từng gắn bó với Kinh Đô có thể tiếc nuối vì họ có tiền và đang muốn đầu tư vào lĩnh vực bánh kẹo, chứ không phải mì gói hay một loại thức ăn nhanh nào khác. Trong thương vụ này, tất cả các cổ đông của Kinh Đô đều có lợi? Câu trả lời là chưa hẳn.

Với IDP, doanh nghiệp từng là tâm huyết của cha con ông Nguyễn Tuấn Khải, Chủ tịch Công ty. Vốn là chủ một doanh nghiệp phía Bắc, khá thủ cựu trong phong cách kinh doanh, lại từng chịu cú ngã đau từ vụ sữa nhiễm melamine ở Hanoimilk (ông Khải là thành viên sáng lập của Hanoimilk), song ông Khải đã chịu chi để cầu hiền Trần Bảo Minh, doanh nhân đình đám với các đại gia sữa như Vinamilk, Nutifood, TH Truemilk… 

Có người tài nhưng cái túi chật hẹp về tài chính đã khiến Trần Bảo Minh không thể vẫy vùng, sau vài năm đầu quân cho IDP, gần đây đảm nhận luôn chức Tổng giám đốc điều hành, ông Minh vẫn chưa thể xoay chuyển tình thế, IDP vẫn chỉ nổi tiếng với thương hiệu sữa Ba Vì cũ kỹ ở miền Bắc. Thị trường phía Nam, doanh nghiệp chưa thể công phá bất kỳ dòng sản phẩm nào.

Một nguồn tin thân cận với gia đình ông Khải nói rằng, gia đình ông đang đầu tư 2 dự án quy mô lớn khác ngoài lĩnh vực sữa. Khi cổ phần được giá, cộng thêm viễn cảnh doanh nghiệp có nhiều cơ hội bứt phá khi có thêm nguồn lực mạnh mẽ từ nước ngoài, ông chủ IDP đã bị thuyết phục.

Những sự kiện trên, cùng với nhiều thương vụ lớn có sự xuất hiện của  các đại gia Thái Lan, Indonesia… trước đây cho thấy, bằng con đường M&A, các nhà đầu tư nước ngoài có thể thâu tóm doanh nghiệp Việt, chiếm lĩnh thị trường Việt Nam dễ dàng. Thiếu vốn, công nghệ, trình độ quản lý, tâm lý… vẫn là những rào cản khiến nhiều doanh nhân Việt khó có thể dấn thân và cống hiến để tạo ra những “đế chế” của người Việt.

Tin bài liên quan