Vì sao cổ phiếu Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh (QNC) bất ngờ nổi sóng lớn?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từ mức thị giá chỉ tương đương một cốc trà đá, cổ phiểu Công ty cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh (QNC - HNX) tăng dựng đứng gấp gần 3 lần sau 12 phiên tăng trần liên tiếp.
Vì sao cổ phiếu Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh (QNC) bất ngờ nổi sóng lớn?

Diễn biến tăng trần bất ngờ của QNC gây chú ý với giới đầu tư, bởi trước đó trong một khoảng thời gian dài, cổ phiếu này luôn nằm trong Top cổ phiếu có thanh khoản èo uột nhất trên HNX khi thanh khoản trung bình chỉ khoảng 1.000 cổ phiếu mỗi phiên, đồng thời mức giá gần như không thay đổi, chỉ quanh quẩn mức giá tương được cốc trà đá/cổ phiếu.

Cổ phiếu QNC chỉ bắt đầu tạo sóng từ khi bắt đầu vào tháng 8 (từ phiên ngày 3/8/2020). Thanh khoản dù vẫn thấp hơn nhiều các mã khác trên HNX, nhưng cũng tăng vọt gấp hàng chục lần so với mức trung bình của mã này trong các phiên trước đó. Việc cổ phiếu QNC nổi sóng có thể bắt nguồn từ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm được công bố khả qua.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2020, QNC đạt 720,3 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng khoảng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ hưởng lợi từ việc giá điện hỗ trợ dịch Covid-19 và lãi suất ngân hàng giảm, đồng thời cắt giảm chi phí, lợi nhuận sau thuế của QNC đạt hơn 61,3 tỷ đồng, tăng hơn 49,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, và được xem là giai đoạn có sự tăng trưởng tốt nhất trong nhiều năm trở lại đây của QNC, và cũng được Ban lãnh đạo QNC kỳ vọng cho khởi đầu của quá trình tái cấu trúc.

Tuy nhiên, lưu ý rằng, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 tích cực, nhưng mới chỉ bù đắp được một phần nhỏ khoản lỗ lũy kế từ nhiều năm về trước tích lũy lại.

Cụ thể, tính đến hết ngày 30/6/2020,lỗ lũy kế của QNC vẫn còn lên tới hơn 202,4 tỷ đồng, bằng 52,2% vốn chủ sở hữu là 387,2 tỷ đồng. Ngoài ra, nợ phải trả của QNC lên tới hơn 1.326,7 tỷ đồng, gấp hơn 3,42 lần vốn chủ sở hữu của công ty.

Vì sao cổ phiếu Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh (QNC) bất ngờ nổi sóng lớn? ảnh 1

Từ ngày 3/8/2020, cổ phiếu QNC liên tục có 12 phiên tăng trần liên tiếp với thanh khoản tăng vọt

Mặt khác, tính tới cuối tháng 6/2020, riêng vay và nợ thuê tài chính (gồm cả ngắn hạn và dài hạn) là 642,8 tỷ đồng, gấp 1,66 lần vốn chủ sở hữu.

Theo Ban lãnh đạo QNC, tỷ lệ này rất cao, từ đó khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh liên tục của Công ty gặp nhiều khó khăn, vì vậy, việc tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh trong giai đoạn tới của QNC là vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh tích cực nửa đầu năm chưa thể đảm bảo cho Công ty có kết quả như mong muốn trong năm nay, bởi đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới ngành xi măng.

Không chỉ làm gián đoạn tới các hoạt động của ngành, dịch bệnh còn tác động trực tiếp đến quá trình thoái trào về nhu cầu tiêu thụ xi măng. Điều này đồng nghĩa với việc, tiêu thụ xi măng trên các thị trường hiện tại có thể giảm sâu trong năm 2020, đặt áp lực lên khả năng cạnh tranh và duy trì hoạt động của các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Bộ Xây dựng đã dự báo, tiêu thụ xi măng nội địa năm 2020 đạt 68-69 triệu tấn, chỉ tương đương mức tiêu thụ năm 2019. Trong khi đó, ngành xi măng Việt Nam tiếp tục đối mặt tình trạng dư cung khi nguồn cung năm 2020 dự kiến khoảng 110 triệu tấn, tăng 6,3 triệu tấn so với năm 2019. 

Hoạt động xây dựng nhà không để ở (nhà máy, khu công nghiệp...), vốn là phân khúc đóng góp mức tăng trưởng cao trong giai đoạn vừa qua, đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tác động của Covid-19. Bên cạnh đó, các phân khúc xây dựng quan trọng như bất động sản nhà ở hay kết cấu hạ tầng cũng chưa có thêm động lực hỗ trợ đáng kể nào, nhu cầu xây mới dự báo tiếp tục có mức tăng trưởng thấp trong nửa cuối năm 2020.

Công ty Chứng khoán FPTS dự báo, tồn kho xi măng trong năm 2020 có thể lên tới 8 triệu tấn, trong khi giá bán xi măng tại 3 miền Bắc, Trung, Nam đều giảm lần lượt là 3,3%, 4,1% và 1,5% so với cùng kỳ 2019.

Trở lại với QNC, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 diễn ra hồi cuối tháng 5/2020, QNC đã  miễn nhiệm toàn bộ thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2015 – 2020 và bầu mới lại HĐQT, Ban nhiệm kỳ Công ty nhiệm kỳ 2020 - 2025.

HĐQT mới chỉ còn duy nhất ông Đỗ Hoàng Phúc ở vị trí Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Văn Kiên thành viên HĐQT là người của nhiệm kỳ cũ, còn lại là bầu mới gồm ông Tô Ngọc Hoàng, ông Nguyễn Đình Tâm và ông Guillaume Jean Francois. Trong đó, ông Tô Ngọc Hoàng kiêm nhiệm chức Tổng giám đốc Công ty.

Đối với Ban kiểm soát mới, QNC cũng được kiện toàn lại với việc giữ ông Trần Quang Tịnh, bầu bổ sung mới bà Phạm Thúy Hằng và bà Phạm Thị Dịu.

Đáng chú ý, Đại hội cũng thông qua phương án phát hành riêng lẻ 11.278.091 cổ phiếu chào bán cho ông Tô Ngọc Hoàng với giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó, ông Hoàng cũng đã nắm giữ hơn 1.540.800 cổ phiếu, tương đương với gần 3,98% vốn điều lệ của QNC. Với việc phát hành thêm hơn 11,2 triệu cổ phiếu, nếu thành công, sau khi phát hành thêm, ông Hoàng sẽ nắm giữ tỷ lệ 25,62% vốn điều lệ của QNC.

Liên quan đến ông Tô Ngọc Hoàng, đây không phải cái tên xa lạ với QNC khi ông cùng vợ đã từng là cổ đông lớn của QNC (gồm cả trực tiếp và gián tiếp qua Công ty TNHH Tô Tây) trong giai đoạn 2016 - 2017.

Bản thân ông Hoàng cũng từng giai đoạn ngắn giữ vai trò Chủ tịch HĐQT của Công ty này thời điểm nắm giữ nhưng sau đó thoái toàn bộ vốn khỏi QNC và cũng thoái lui khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT. Năm 2018, ông Hoàng lại quay trở lại làm Tổng giám đốc QNC cho tới nay.

Ngoài ông Hoàng, hồi cuối 2019, QNC cũng đã xuất hiện thêm 2 cổ đông mới là Công ty TNHH Cemtech và Công ty TNHH HungKing Việt Nam. Cụ thể, Công ty TNHH Cemtech Việt Nam đã mua vào hơn 6 triệu cổ phiếu của QNC, qua đó nắm giữ hơn 15,52% vốn điều lệ của QNC, còn Công ty TNHH HungKing Việt Nam cũng mua vào hơn 7,51 triệu cổ phiếu, tương ứng với nắm giữ 19,43% vốn điều lệ của QNC.

QNC tiền thân là Xí nghiệp Than Uông Bí, được cổ phần hóa từ năm 2005. Ngành nghề chính của Công ty là sản xuất xi măng, sản xuất đá xây dựng. Những năm mới cổ phần hóa, QNC báo lãi khá tích cực: Năm 2009 đạt 66,7 tỷ đồng, năm 2010 đạt 55,4 tỷ đồng… Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2012, hiệu quả kinh doanh của Công ty đi xuống mạnh.

Tới năm 2015, SCIC đã thoái toàn bộ vốn của doanh nghiệp này, để nhường chỗ cho các cổ đông mới từ bên ngoài tham gia vào. Tuy nhiên, hiệu quả doanh nghiệp dường như không cải thiện nhiều, cũng như cũng thường xuyên bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cảnh cáo và nhắc nhở vi phạm công bố thông tin.

Chẳng hạn, hồi tháng 9/2019, QNC bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định xử phạt 60 triệu đồng về hành vi công bố thông tin không đúng thời hạn hàng loạt báo cáo tài chính từ kỳ báo cáo quý II/2017 tới kỳ báo cáo bán niên năm 2018. Công ty cũng bị phạt 85 triệu đồng vì báo cáo tình hình sử dụng vốn ngày 3/10/2018 có nội dung không chính xác.

Tin bài liên quan