Hiện nay, SVIC vẫn chưa quyết ngày tổ chức đại hội lần 2, nhưng trao đổi với ĐTCK, Chủ tịch Công ty cho biết, SVIC đang nỗ lực làm rõ các yêu cầu của cổ đông lớn đưa ra trong đại hội lần 1. Năm 2011, SVIC có kết quả hoạt động khả quan với lợi nhuận 31 tỷ đồng, chia cổ tức bằng tiền mặt 10%, đứng thứ 14/29 DN phi nhân thọ về thị phần, tỷ lệ bồi thường trên doanh thu bảo hiểm thấp, đứng thứ 4 thị trường.
Tại Đại hội, chỉ có 2/9 nội dung được nhất trí thông qua, đó là việc từ nhiệm của Trưởng ban Kiểm soát, bầu bổ sung thành viên Ban Kiểm soát và thông qua việc ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT quyết định lựa chọn công ty kiểm toán độc lập để thực hiện việc kiểm toán báo cáo tài chính năm 2012. Nội dung ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT dù đã được thông qua, nhưng cũng có tới 18,57% tổng số cổ phần biểu quyết không tán thành.
Trong khi đó, một loạt nội dung chính, cần thiết cho hoạt động của DN đều không được thông qua như: báo cáo kết quả kinh doanh năm 2011/kế hoạch năm 2012, báo cáo của HĐQT về thực trạng quản lý kinh doanh năm 2011, báo cáo của Ban KIiểm soát, phương án phân phối lợi nhuận, báo cáo thù lao và các chi phí khác cho HĐQT và Ban Kiểm soát. Đáng ngạc nhiên là, các cổ đông cũng không thông qua cả báo cáo tài chính năm 2011 (đã được kiểm toán bởi Công ty Kiểm toán Ernst & Young), cũng như không thông qua việc ủy quyền cho HĐQT quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2012 phù hợp với tình hình thực tế.
Số phiếu không tán thành chiếm tỷ lệ chi phối, với khoảng 60% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Số phiếu chống này chủ yếu đến từ các cổ đông lớn của SVIC, trong đó có Tập đoàn T&T, Ngân hàng SHB, Công ty Chứng khoán SHS… Các cổ đông này đều có “chân” trong HĐQT của SVIC.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, nguyên nhân dẫn đến việc phủ quyết các tờ trình của nhiều cổ đông lớn là do nhóm cổ đông này đề nghị làm rõ các khoản đã đầu tư, do hoạt động đầu tư năm 2011 của Công ty còn chưa rõ ràng, chưa có báo cáo đánh giá kết quả đầu tư năm 2011. Chưa kể, danh mục đầu tư của SVIC được đánh giá là có nhiều khoản rủi ro cao như đầu tư vào trái phiếu không có bảo lãnh, hoặc có bảo lãnh, nhưng của các công ty tài chính hoạt động kém hiệu quả như: Công ty Tài chính cổ phần Điện lực, CTCP Sông Đà Thăng Long, Công ty Tài chính cổ phần Sông Đà, Công ty Tân Hoàng Minh, CTCP Tập đoàn Phú Thái. Ngoài ra, SVIC chưa thực hiện theo quy chế đầu tư tài chính, phân cấp đầu tư của HĐQT.
Trao đổi với ĐTCK, ông Bùi Thế Bình, Chủ tịch HĐQT SVIC, kiêm Kế toán trưởng Vinacomin cho biết, vài ngày tới, Ban điều hành sẽ tiến hành làm rõ các yêu cầu trên, thậm chí, nếu cần thiết, có thể mời cơ quan pháp luật vào tìm hiểu. Tuy nhiên, trước mắt, vì quyền lợi của hàng ngàn cổ đông nhỏ, dù Đại hội vẫn chưa nhất trí thông qua kế hoạch phân phối lợi nhuận, nhưng HĐQT sẽ họp bàn để tạm ứng cổ tức năm 2011 cho cổ đông.