Vì sao chọn tháng 3 để tăng giá điện?

Vì sao chọn tháng 3 để tăng giá điện?

Trước thực tế hoá đơn tiền điện trong tháng 4 có sự tăng mạnh, đã không ít người cho rằng việc lựa chọn thời điểm tăng giá điện là chưa phù hợp. Trong báo cáo vừa gửi tới các Đại biểu Quốc hội, Chính phủ giải trình việc lựa chọn thời điểm tăng giá điện vào ngày 20/3/2019.

Thời điểm tăng giá điện đã được cân nhắc

Theo đó, việc cân nhắc lựa chọn thời điểm tăng giá (từ ngày 15 đến ngày 30/3) là theo đề xuất của liên Bộ và Tổng cục Thống kê. Theo quy luật, chỉ số CPI thường tăng cao vào tháng 2 (dịp nghỉ tết Âm lịch) và sẽ giảm mạnh trong tháng 3, nên sẽ không tác động nhiều đến chỉ số CPI bình quân cả năm và kiềm chế được lạm phát kỳ vọng. Theo đánh giá của liên Bộ Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Thống kê, dự kiến điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân tăng bình quân 8,36% vào ngày 20 tháng 3 năm 2019 sẽ làm CPI cả năm tăng 0,3%.

Mặt khác, việc cân nhắc thời điểm điều chỉnh giá điện vào ngày 20/3/1019, đã được Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá tính toán tổng thể để đồng bộ với các điều chỉnh về giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế, học phí, dự kiến CPI của tháng 3 năm 2019 và cả năm 2019 nhằm đảm bảo CPI của cả năm nằm trong khoảng từ 3,3 – 3,9%, thấp hơn 4% mức CPI chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua.

Theo giải trình của Chính phủ, lần gần đây nhất giá điện được điều chỉnh theo Quyết định số 4495/QĐ-BCT ngày 30/11/2017. Trong năm 2018 mặc dù giá nhiên liệu thế giới liên tục tăng nhưng Chính phủ đã chỉ đạo không điều chỉnh giá bán lẻ điện. Chính phủ cũng đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều hành tối ưu hệ thống, khai thác tối đa nguồn thủy điện theo tình hình thủy văn, giảm tổn thất, tiết kiệm chi phí 7,5% và thực hiện đông bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động.

Tổng các khoản tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, doanh thu hoạt động tài chính năm 2017 khoảng 2.228 tỷ đồng; năm 2018 khoảng 2.326 tỷ đồng làm giảm giá thành tương ứng khoảng 11-12 đồng/kWh, tương đương khoảng 0,68%-0,69% so với giá bán lẻ điện bình quân năm tính toán.

Với thực tế tháng 4/2019, nhiệt độ trung bình toàn quốc tháng 4/2019 tăng 16% so với tháng 3 năm  dẫn đến nhu cầu phụ tải điện toàn quốc và ở cả 3 miền trong tháng 4/2019 tăng cao hơn so với tháng 3/2019 và cùng kỳ 2018. Theo báo cáo của EVN, trong tháng 4/2019 tổng điện năng thương phẩm tăng 10,26% so với cùng kỳ năm 2018 và 14,23% so với tháng 3/ 2019. Trong đó phụ tải quản lý, tiêu dùng (bao gồm sinh hoạt) tăng 14,15% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 21,03% so với tháng 3/ 2019.

Theo số liệu từ phần mềm Hệ thống thông tin quản lý khách hàng (CMIS) của EVN, so sánh riêng số liệu thống kê của tháng 4/ 2019 so với bình quân năm 2018 cho thấy số lượng khách hàng sử dụng điện dưới 200 kWh/tháng  giảm trong khi số lượng khách hàng dùng trên 200 kWh/tháng tăng.

Tuy nhiên phần lớn khách hàng sinh hoạt trên cả nước ngay trong tháng 4 nắng nóng cũng chỉ sử dụng điện dưới 200 kWh/tháng. Cụ thể tháng 4/2019 số lượng khách hàng sinh hoạt dưới 200 kWh/tháng chiếm tỷ lệ 68,15%, trong đó với mức sử dụng điện dưới 100 kWh/tháng chiếm tỷ lệ 31,6%. Trong khi đó số lượng khách hàng sử dụng điện trên 200 kWh/tháng chỉ chiếm tỷ lệ 31,85%.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy, hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng sinh hoạt trong tháng 4 năm 2019 tăng là do 3 nguyên nhân: sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao; tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36%; kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 4 là 31 ngày, dài hơn 3 ngày so với kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 3/2019. 

Có hay không chi phí đầu tư ngoài ngành trong giá điện

Theo qui định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg (ngày 30/6/2017), chỉ có chi phí sản xuất kinh doanh của các hoạt động trong lĩnh vực điện được phép đưa vào trong giá thành sản xuất kinh doanh điện và đưa vào tính toán điều chỉnh giá điện. Các chi phí đầu tư ngoài ngành không được phép đưa vào trong giá thành sản xuất kinh doanh điện cũng như trong tính toán điều chỉnh giá điện.

Theo qui định trên, hàng năm, căn cứ vào số liệu chi phí đã được kiểm toán độc lập xác nhận, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tiến hành kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN. Chi phí sản xuất kinh doanh điện được tách bạch theo chi phí các khâu, như phát điện, truyền tải, phân phối, phụ trợ và quản lý ngành.  

Vì sao chọn tháng 3 để tăng giá điện? ảnh 1

Theo báo cáo của EVN tại Văn bản 2586/EVN-TCKT (tháng 5/2019), thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 852/2017/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án tổng thể sắp sếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN, các khoản đầu tư ngoài ngành cơ bản đã được EVN thoái hết vốn nên không có các khoản lỗ đầu tư ngoài ngành.

Cụ thể, EVN đã thực hiện thoái toàn bộ vốn đầu tư ngoài ngành sản xuất kinh doanh điện với tổng giá trị vốn thoái vốn thành công theo mệnh giá thực hiện là 2.214 tỷ đồng, tổng giá trị vốn thu về 2.341 tỷ đồng, thặng dư vốn 127 tỷ đồng. Riêng khoản vốn đầu tư còn lại 7,5% vốn điều lệ tương ứng 187,5 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Tài chính Điện lực đang kinh doanh có lợi nhuận và trả cổ tức hàng năm sẽ được EVN thực hiện thoái vốn trong năm 2019.

Các khoản chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán và không bao gồm các khoản chi phí đầu tư ra ngoài nghành của EVN. Việc tính toán phương án giá bán lẻ điện bình quân đã được EVN, Bộ Công Thương thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc xác định mức giá bán lẻ điện bình quân.

Tiền vênh sau khi tăng giá điện đi đâu?

Trước đó tại cuộc họp báo liên quan đến tăng giá điện, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN đã cho hay, số tiền vênh ra sau lần tăng giá điện ngày 20/3/2019 được EVN chi trả hết cho các bên liên quan. 

Cũng tại giải trình của Chính phủ lần này đã liệt kê chi tiết các yếu tố đầu vào chính làm tăng chi phí mua điện năm 2019 khoảng 20.000 tỷ đồng như bảng dưới.

TT

Yếu tố tăng

Tỷ lệ tăng (%)

Chi phí mua điện dự kiến tăng (tỷ đồng)

1

Điều chỉnh giá than đợt 1

2,61% - 7,67%

3.182,67

2

Điều chỉnh giá than trộn (gồm nội địa và nhập khẩu)

1.920,66

3

Điều chỉnh giá than đợt 2

3,77% đối với than của TKV

5% đối với than của Đông Bắc

2.230,05

4

Giá dầu thế giới (dầu HSFO) để tính giá khí thị trường

2,78%

946,50

5

Giá khí trong bao tiêu tăng theo giá thị trường từ ngày 20 tháng 3 năm 2019, thực hiện theo Nghị quyết 57/2013/QH13 ngày 12/11/2013 của Quốc hội.

44,03%

5.852,41

6

Giá khí trên bao tiêu theo giá thị trường

0,23%

589,55

7

Giá điện cho các nhà máy thủy điện nhỏ áp dụng cho năm 2019 (Biểu giá chi phí tránh được)

1,83%

267,40

8

Tỷ giá USD

1,367%

1.218,30

9

Chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện

3.824,87

Tổng

20.032,41

Với các thông số đầu vào chính nêu trên và tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu cho sản xuất kinh doanh điện của EVN chỉ ở mức 3%, giá điện bình quân năm 2019 là 1.864,44 đồng/kWh (các chi phí trong tính toán giá điện chỉ bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh của các hoạt động trong lĩnh vực điện, không bao gồm lĩnh vực khác và đầu tư ngoài ngành), tương ứng tỷ lệ tăng giá so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 8,36%.

Phương án giá bán lẻ điện bình quân đã thực hiện chưa bao gồm khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện dự kiến năm 2018 của các nhà máy điện (khoảng 3.266 tỷ đồng) vào năm 2019, nếu bổ sung thêm chi phí này, tổng chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện là 7.090,8 tỷ đồng, khi đó giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 sẽ là khoảng 1.879,90 đồng/kWh, tương ứng tỷ lệ tăng giá so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 9,26%. Để tránh tác động lớn đến chỉ số CPI và để ổn định kinh tế vĩ mô, Thường trực Chính phủ đã lựa chọn phương án tăng 8,36%.

Tin bài liên quan