3 trong số 10 công ty có giá trị vốn hóa thị trường hàng đầu đều là các công ty công nghệ của Mỹ, đó là Apple, Microsoft và Google. Trong khi đó, ở châu Âu, không có công ty nào nằm trong top 10.
Phát biểu tại Hội nghị Kỹ thuật số và thiết kế tại Munich (Đức) mới đây, Giáo sư truyền thông Mỹ, Margrethe Vestager đã lên tiếng cảnh báo: “Đã đến lúc châu Âu cần bắt đầu thảo luận về những lo ngại trong lĩnh vực công nghệ hơn là cơ hội”.
Bản thân Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã nhìn ra vấn đề và có những động thái khi công bố “kế hoạch hành động 2020”, trong đó khẳng định, châu Âu cần một sự thay đổi văn hóa thông suốt và toàn diện để cạnh tranh với Mỹ trong việc tạo dựng và khuyến khích phát triển các công ty.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, vấn đề lớn nhất là các nền kinh tế châu Âu thiếu các công ty lớn. Sự thiếu hụt của “lục địa già” không phải ở điểm khởi đầu mà là quy mô. Châu Âu có rất nhiều nhóm doanh nghiệp, song quá ít trong số đó đủ tầm để phát triển trở thành một Facebook kế tiếp, như những gì Mark Zuckerberg từng làm được vào năm 2004.
Bởi thế, tin tốt là để giải quyết vấn đề này, không cần các quốc gia châu Âu phải cải cách văn hóa của mình, mà hơn hết phải là tình hình tài chính và thông lệ kinh doanh. Có thể, người Mỹ phần nào giàu tham vọng hơn người châu Âu, song rào cản đáng kể kìm hãm tiềm năng của những “Zuckerberg châu Âu” chính là cấu trúc và khả năng hòa nhập. Ngoài ra, vốn đầu tư kinh doanh thấp và luật lao động cứng nhắc đã hạn chế sự phát triển và đổi mới công nghệ tại châu Âu.
Sự thất bại trong kinh doanh và đổi mới sáng tạo là điều hết sức bình thường, song tại châu Âu, thất bại mang ý nghĩa “như một sự sỉ nhục” lớn hơn rất nhiều so với ở Mỹ, nơi coi đó chỉ đơn giản là một con đường để nhiều doanh nghiệp đi đến thành công.
Người châu Âu cũng rất ít tiếp thu các sản phẩm mang tính đột phá thực sự như Google hay Facebook. Đơn cử như là Uber, loại hình dịch vụ taxi đã được châu Âu đón nhận như sự xuất hiện của một loại virus. Trong khi đó, Mỹ có xu hướng hành động một cách hợp lý hơn và ít cảm xúc về các loại hàng hoá và dịch vụ mà họ tiêu thụ, bởi vì nó không gắn liền với bản sắc dân tộc và khu vực của họ.
Không phải châu Âu không tự hào về văn hóa doanh nghiệp của mình. Người Ý, Đức hay Anh cũng có những bản sắc kinh doanh riêng. Tuy nhiên, hầu hết các công ty vẫn là những doanh nghiệp nhỏ. Những người muốn an toàn thì gửi tiền tiết kiệm trong các ngân hàng, còn những người tham vọng thì tìm kiếm đầu tư ở nước ngoài.
Tăng trưởng tới một quy mô nhất định, sau đó phát triển chậm dần, được quản lý dưới hình thức gia đình hơn là đón nhận nguồn vốn bên ngoài để mở rộng nhanh chóng, vẫn là những điều mà nhiều công ty tại Ý và Đức cảm thấy hài lòng. Tuy nhiên, điều này hiện không hề phù hợp trong môi trường công nghệ năng động hiện nay, dưới sự thống trị của những “người khổng lồ” đến từ Mỹ.
Một “thung lũng Silicon”, tập trung nhóm các doanh nghiệp công nghệ tiềm năng và chung chí hướng là những điều mà châu Âu mong muốn sở hữu. Cuộc “đuổi bắt” thực sự bắt đầu khi các nước châu Âu đã nỗ lực tạo ra một nơi như “thung lũng Silicon” khổng lồ của Mỹ với các trung tâm công nghệ như Công viên Khoa học Oxford ở Anh, “Silicon Allee" ở Berlin và Isar Valley ở Munich (Đức), hay "Docks Silicon" ở Dublin (Ireland). Tuy nhiên, để bắt kịp Mỹ, chặng đường để châu Âu phải vượt qua vẫn còn xa.