Vì sao các nhà đầu tư nên quan tâm đến các phát minh? Những thay đổi công nghệ đang ở đoạn giao nhau của việc làm, tăng trưởng danh nghĩa và rủi ro lạm phát - khu vực tập trung của các nhà tạo lập chính sách toàn cầu. Cách mạng công nghệ sẽ chống lại lạm phát (kìm hãm tiền lương và giá cả), nhưng có thể làm tổn hại tới việc làm (sử dụng ít người hơn để sản xuất).
Những người lạc quan về công nghệ lập luận rằng, chúng ta đang ở thời kỳ phục hưng về năng suất. Trường phái hoài nghi phản biện rằng, năng suất của kỷ nguyên Internet đang lụi dần. Đối với những người lạc quan, sải chân tiếp theo của sự đổi mới còn một khoảng dài để bước: sức mạnh của máy tính tăng theo cấp số mũ, việc học bằng máy móc và khả năng phân tích những kho dữ liệu khổng lồ ủng hộ cho quan điểm này. Nhiều công ty, ngành công nghiệp và nhà đầu tư vẫn chưa chạm tới kho dữ liệu giàu có đó.
Sự khuếch tán nhanh chóng của công nghệ là một lý do vì sao các công ty ngày nay khó duy trì những lợi thế cạnh tranh hơn trước: chỉ 63% trong số các công ty S&P 500 cách đây một thập kỷ là vẫn còn nằm trong rổ chỉ số này, theo thống kê của Thomson Reuters. Do đó, khi đầu tư vào các công ty, khả năng vượt qua những ảnh hưởng lớn của những đổi mới và gặt hái được lợi ích của công ty đó trở thành một yếu tố quan trọng hơn.
Điều đó cũng có nghĩa là dự đoán liệu một công ty có thể tiếp tục phát triển trong một thập kỷ tới hay không trở nên khó khăn hơn trước.
Ở tầm vĩ mô, cách mạng công nghệ có thể làm xói mòn lợi thế cạnh tranh quan trọng của các thị trường mới nổi: lao động giá rẻ. Các doanh nghiệp đang phải đối mặt với việc tiền lương tăng lên có thể tự động hóa hoặc chuyển tới những khu vực có chi phí thấp hơn. Ngay cả các nền kinh tế phát triển cũng có thể hưởng lợi: một số công ty Mỹ đang “hồi hương” một vài quy trình sản xuất, do năng lượng rẻ và lợi ích về địa lý. Cùng lúc đó, tiền lương tại các nhà máy Trung Quốc đã tăng lên 4 lần kể từ năm 2002 và được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng đó. Nhưng những lựa chọn thay thế cho lao động Trung Quốc ngày nay không chỉ là công nhân ở Việt Nam hay Bangladesh; đó là robot. Trung Quốc đã là nhà nhập khẩu robot lớn thứ hai trên thế giới và sẽ nhanh chóng soán ngôi đầu.
Nói ngắn gọn, nếu bạn để mất lợi thế về chi phí lao động, bạn nên có gì đó khác. Chất lượng giáo dục có thể là một yếu tố quyết định thành công trong trường hợp này. Các nền kinh tế châu Á như Trung Quốc hay Hàn Quốc đã vượt xa các khu vực mới nổi khác về mặt này -đặc biệt trong những lĩnh vực quan trọng như khoa học. Các nền kinh tế phát triển ở Bắc Mỹ và châu Âu vẫn được xếp hạng cao trên phương diện này, nhưng đang giảm dần vị thế.
Cách mạng công nghệ là một động lực quan trọng của năng suất - một yếu tố then chốt của tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Nhưng tăng trưởng năng suất đã chậm lại ở Mỹ, Trung Quốc và phần lớn châu Âu, do cơ cấu dân số già đã giảm số thời gian làm việc. Tỷ lệ nợ trên GDP tăng lên ở các nền kinh tế phát triển, đó cũng là một yếu tố có khả năng kéo chậm tăng trưởng, cũng như sự bất bình đẳng về thu nhập đang ngày càng bị khoét sâu.
Tăng trưởng danh nghĩa thấp và lợi suất trái phiếu thấp có nghĩa là các công ty tiếp tục có dòng vốn rẻ, đó là tin tốt cho các cổ đông: thị trường trái phiếu đang tài trợ hiệu quả cho thị trường cổ phiếu bằng cách cho phép các công ty cắt giảm các chi phí nợ và kéo dài thời gian nợ. Cùng lúc đó, cách mạng công nghệ đang hạ chi phí vốn của các công ty. Ngược lại, các công ty ít phải đi vay và phát hành trái phiếu hơn trước kia, điều đó giúp hạ nguồn cung, cộng với nhu cầu tìm kiếm của những nhà đầu tư đang “đói” lợi nhuận, có nghĩa là cuộc săn tìm lợi nhuận nhiều khả năng sẽ tiếp tục khó khăn.