Theo kế hoạch, cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra vào ngày 23/6 và một số start-up công nghệ châu Âu có văn phòng và hoạt động tại Anh đang tỏ ra lo ngại sâu sắc về những bất định từ kết quả cuộc trưng cầu này.
Một trong những nỗi lo lớn nhất, ám ảnh giám đốc điều hành các start-up châu Âu, đó là liệu “Brexit”sẽ tác động như thế nào tới khả năng tái dịch chuyển đội ngũ nhân viên và liệu Anh có còn là “bàn đạp” để các doanh nghiệp châu Âu tiến vào Mỹ hay không?
Dan Rogers, nhà đồng sáng lập nền tảng tư vấn phân tích Peakon, có trụ sở tại Copenhagen (Đan Mạch) và văn phòng hoạt động tại London cho biết, ông rất lo ngại về khả năng kịch bản “Brexit” nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng xấu tới sự dịch chuyển tự do của thị trường lao động.
“Hoạt động kinh doanh của chúng tôi coi trọng khả năng hòa hợp và nhất thể trong Liên minh châu Âu (EU) để có thể dễ dàng tái dịch chuyển tới Anh (và ngược lại). Vì thế, rõ ràng có những rủi ro rất lớn nếu Anh ra khỏi EU. Nhiều start-up tại London sở hữu lực lượng lao động lớn đến từ các nước thành viên EU, trong khi số lao động mang quốc tịch Anh chỉ chiếm ít dưới 50%”, ông Rogers nói.
Hiện quy định nền tảng của EU là cho phép sự dịch chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ và con người trong 28 quốc gia thành viên. Tuy nhiên, chưa rõ liệu Anh sẽ quyết định thay đổi hay duy trì quy định này nếu “đảo quốc sương mù” lựa chọn “chia tay” EU.
“Brexit” không chỉ khiến các doanh nghiệp tại Anh khó khăn hơn trong việc thuê tuyển lao động nước ngoài, mà nó còn tạo ra những rào cản mới để công dân Anh tìm kiếm cơ hội làm việc ở châu Âu, Patrik Arnesson, Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập ứng dụng phát triển bóng đá Football Addicts nhận định.
“Tôi đã nghe nói rất nhiều về việc những nhà vận động và ủng hộ ‘Brexit’ muốn bảo vệ việc làm cho người lao động Anh trước sự cạnh tranh gay gắt từ những lao động nước ngoài có mức lương thấp, song rõ ràng điều này có tác động hai mặt. ‘Brexit’ có thể hạn chế cơ hội việc làm của những người Anh tài năng, muốn tìm kiếm cơ hội cống hiến tại những công ty có trụ sở bên ngoài nước Anh”, ông Arnesson nói thêm.
Cùng chung quan điểm, Charlotte Morris, Giám đốc khu vực Bắc Âu của một start-up phát triển ứng dụng ngôn ngữ, có trụ sở tại Đức chia sẻ: “Để hoạt động thành công, chúng tôi cần những tài năng người Anh. Vì thế, sự giới hạn tự do dịch chuyển dòng lao động sẽ phá hủy những cơ hội của lao động người Anh muốn thử sức tại nước ngoài. Trong trường hợp ‘Brexit’ xảy ra, tôi chưa rõ chuyện gì sẽ đến với các nhân viên người Anh của chúng tôi tại Đức, đặc biệt trên khía cạnh pháp lý và quyền lợi lao động của họ”.
Với một số start-up khác, nước Anh được coi là “bàn đạp” để tiến vào thị trường Mỹ. Chẳng hạn, start-up phát triển ứng dụng phân phối nội dung số Acast đến từ Thụy Điển lần đầu đặt chân tới Anh năm 2014 và sau đó tiến vào thị trường Mỹ cuối năm 2015.
“Sự mở rộng tới thị trường quốc tế của chúng tôi sẽ không thể thành công nếu không có điểm tựa từ vương quốc Anh. Do đó, ‘Brexit’ có thể tạo ra những hiệu ứng tiêu cực, hạn chế cơ hội để các start-up có trụ sở từ EU mong muốn theo đuổi mô hình coi Anh là ‘bàn đạp’ để tiến ra thị trường quốc tế này. Trong khi đó, các công ty có trụ sở tại Anh có thể cân nhắc thu hẹp quy mô hoạt động”, bà Morris lo ngại.
“Chúng tôi chắc chắn vẫn sẽ có trụ sở văn phòng tại Anh ngay cả khi ‘Brexit’ xảy ra. Tuy nhiên, quy mô của nó có thể giảm bớt nếu việc phân bổ lao động nước ngoài tới đây trở nên khó khăn hơn”, Dan Rogers, nhà đồng sáng lập nền tảng tư vấn phân tích Peakon khẳng định.