Vì sao các ngân hàng Anh trụ vững trước khủng hoảng?

Vì sao các ngân hàng Anh trụ vững trước khủng hoảng?

(ĐTCK) Nhờ các cải cách mạnh mẽ, dù phải đối mặt với các rủi ro tiềm tàng liên quan đến các vấn đề tài chính tại khu vực châu Âu nhưng hệ thống ngân hàng Anh đã duy trì được sự ổn định.

Trung tâm tài chính thế giới

Nếu Hy Lạp và La Mã là nơi sinh ra hoạt động ngân hàng thì nước Anh là nơi phát triển hoạt động ngân hàng. Về cơ bản, những nền tảng và nguyên tắc hoạt động ngân hàng hiện đại được thiết lập từng bước qua thực tế phát triển của hệ thống ngân hàng Anh.

Hệ thống ngân hàng có vị trí quan trọng đặc biệt trong nền kinh tế Anh với tỷ lệ tài sản ngân hàng trên GDP hơn 500%. Năm 2007, hệ thống ngân hàng tạo ra khoảng 4,7% GDP Anh, chiếm hơn một nửa con số 8,3% GDP của toàn bộ khu vực tài chính. Lực lượng lao động trong hệ thống ngân hàng chiếm tới 45% lượng lao động khu vực dịch vụ tài chính. Xuất khẩu ròng của hệ thống ngân hàng Anh tăng dần qua các năm, từ khoảng 7 tỷ bảng Anh vào năm 2000 lên 31,1 tỷ bảng Anh trong năm 2008.

Anh hiện là trung tâm tài chính của thế giới với sự ra đời và phát triển các ngân hàng đa năng từ cuối thập niên 50 của thế kỷ trước đến nay. Một trong những nhân tố đóng góp cho sự phát triển nở rộ của hệ thống ngân hàng Anh chính là những cải cách quy định minh bạch, kịp thời và có tầm nhìn chiến lược liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Đầu tiên, cần nhắc đến Luật Cạnh tranh và Kiểm soát tín dụng năm 1971 được Ngân hàng Anh ban hành nhằm thúc đẩy cạnh tranh giữa các ngân hàng và giữa khu vực ngân hàng với khu vực tài chính phi ngân hàng. Tại thời điểm đó, các ngân hàng thanh toán bù trừ là các nhà cung cấp chính cho dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Anh, nhưng đã bắt đầu phải đối mặt với cạnh tranh gia tăng từ khu vực trung gian phi ngân hàng. Riêng trong khu vực ngân hàng, cạnh tranh chỉ giới hạn trong việc xác lập lãi suất tiền gửi và các khoản phí khác mà khách hàng phải trả; nghĩa là các ngân hàng chủ yếu cạnh tranh bằng uy tín.

Cải cách năm 1971 đã chấm dứt tình trạng thông đồng về lãi suất và bắt đầu giai đoạn mở rộng phạm vi hoạt động của các ngân hàng, phá bỏ rào cản giữa các loại hình trung gian. Các ngân hàng nhận tiền gửi giờ đây được tự do tham gia thị trường bán buôn mà không cần thông qua các chi nhánh tài chính của họ như trước. Các yêu cầu về thanh khoản cũng được nới lỏng. Nếu như trước năm 1971, tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng Anh là 28% tổng tiền gửi thì từ năm 1971, tỷ lệ này chỉ còn 12,5%.

Những thay đổi trên đã thúc đẩy hoạt động sáp nhập mạnh mẽ trong khu vực ngân hàng Anh và các ngân hàng lớn của Anh đã chuyển thành các ngân hàng đa năng và phát triển thành ngân hàng toàn cầu. Các ngân hàng này bên cạnh các hoạt động ngân hàng truyền thống, còn tham gia cả các hoạt động bảo lãnh phát hành và kinh doanh chứng khoán, quản lý quỹ, giao dịch công cụ phái sinh và bảo hiểm… 3 ngân hàng lớn của Anh (HSBC, Barclays, Royal Bank of Scotland) nằm trong Top 10 ngân hàng toàn cầu lớn nhất trên một số thị trường, bao gồm dịch vụ bảo lãnh phát hành trái phiếu, kinh doanh ngoại hối và giao dịch hoán đổi lãi suất.

Ngoài ra, việc dỡ bỏ quy định kiểm soát ngoại tệ đã xóa bỏ sự khác biệt giữa lãi suất đồng bảng Anh và đồng tiền các nước châu Âu, tạo điều kiện thuận lợi cho các luồng vốn nước ngoài vào - ra. Trong thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước, các ngân hàng nước ngoài bắt đầu mở rộng hoạt động tại Anh và khối lượng tài sản định giá bằng ngoại tệ của cả các ngân hàng trong nước và ngân hàng sở hữu nước ngoài tăng mạnh. Đến năm 1979, hơn 50% tổng tài sản của các định chế tài chính và tiền tệ ở Anh là tài sản ngoại tệ. Khối lượng tài sản của các ngân hàng Anh ở nước ngoài cũng tăng nhanh và chiếm tỷ trọng hơn 50% tổng tài sản của hệ thống ngân hàng Anh trong hơn 1 thập kỷ qua.

Ứng phó với khủng hoảng

Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 nổ ra, ở vị trí trung tâm tài chính thế giới nên hệ thống ngân hàng Anh đã phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực. Ngay từ tháng 9/2007, Ngân hàng Northern Rock của Anh phải đối mặt với tình trạng rút tiền gửi ồ ạt và hậu quả là ngân hàng này phải chịu quốc hữu hóa. Tình trạng rút tiền gửi ồ ạt còn gây khó khăn cho rất nhiều các ngân hàng khác của Anh. Trước tình hình này, Chính phủ Anh đã công bố một gói giải pháp trị giá 50 tỷ bảng (tương đương 88 tỷ USD) nhằm bổ sung vốn cho 8 ngân hàng và một số đơn vị kinh doanh bất động sản. Để tham gia chương trình này, các ngân hàng phải ký thỏa thuận với cơ quan chức năng và chịu ràng buộc về thu nhập của ban điều hành cũng như cổ tức trả cho cổ đông.

Bên cạnh giải pháp hỗ trợ vốn cho ngân hàng, Chính phủ Anh đã tiến hành cải tổ mạnh mẽ các quy định điều tiết hoạt động ngân hàng, trong đó, nổi bật là công tác cải cách hệ thống cơ quan quản lý giám sát khu vực tài chính. Theo đó, Cơ quan giám sát tài chính (FSA) sẽ bị giải thể; các chức năng của FSA sẽ được chuyển giao cho 3 cơ quan khác nhau là: Ủy ban Chính sách tài chính (FSC) thuộc Ngân hàng Trung ương Anh thực hiện chức năng giám sát an toàn vĩ mô, giám sát và xử lý rủi ro hệ thống; Cơ quan Quản lý an toàn (PRA) trực thuộc Ngân hàng Trung ương Anh, thực hiện chức năng ban hành các quy định về an toàn; Cơ quan Hoạt động tài chính (FCA), có trách nhiệm bảo đảm các dịch vụ tài chính và hoạt động của thị trường tài chính, được thực hiện theo cách thức có lợi cho người sử dụng dịch vụ tài chính và thành viên tham gia thị trường tài chính, bao gồm cả việc khuyến khích môi trường cạnh tranh.

Sự phối hợp hoạt động giữa 3 cơ quan này được kỳ vọng sẽ phản ứng tốt hơn với các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai. Đồng thời, NHTW Anh được trao nhiều quyền hạn hơn. Ngoài nhiệm vụ giám sát sự lành mạnh của toàn bộ nền kinh tế như trước đây, NHTW Anh được giao nhiệm vụ giám sát các thể chế cho vay, công ty bảo hiểm và ngân hàng đầu tư, nhằm tránh lặp lại cuộc khủng hoảng tín dụng vừa qua.