Hiện nay, giới phân tích được cho là có kiến thức sâu và theo dõi thị trường hàng ngày là phòng đầu tư, phân tích thị trường của các công ty chứng khoán, nhất là những công ty có mảng tự doanh cổ phiếu. Theo nhận xét chung của các nhà đầu tư thì hầu hết những bài phân tích đều khá giống nhau, có phần nặng về lý thuyết và chưa chạm được vào cốt lõi của thị trường. Có thể, do các nhân viên phân tích mới vào cuộc nên thiếu kinh nghiệm, chưa chuyển hóa kiến thức vào thực tế. Dù việc tiếp nhận kiến thức chứng khoán từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng qua một số bài phân tích, người ta không nhìn thấy sự khác biệt nhiều giữa các công ty chứng khoán, nhất là những dự đoán các biến động sắp tới của chỉ số VN-Index và HASTC - Index.
Theo kinh nghiệm, từ khi TTCK mở ra đến nay, nếu áp dụng phương pháp phân tích kỹ thuật gần nhất với các đường chỉ số như: MADC, MFI, RSI, ADX… thì xác suất của các dự đoán rất thấp. Vì lý thuyết phân tích này được phát triển lên dựa trên thực tiễn của những thị trường ở các nước phát triển, có thâm niên hoạt động hàng thế kỷ và hiện nay số lượng các quỹ, các tổ chức đầu tư đã chiếm tới 70 - 80% lượng giao dịch cổ phiếu trên thị trường. Nếu xét trên 2 yếu tố tạo nên những biến động trên thị trường là “tiền và tâm lý”, thì tâm lý đầu tư của nhà đầu tư Việt Nam không giống với tâm lý nhà đầu tư ở các nước có TTCK phát triển. Vì vậy, những dự đoán dựa theo lý thuyết phân tích kỹ thuật này thường không chuẩn xác.
Có một phương pháp có thể sử dụng được là Lý thuyết Dow và Jone - ra đời từ những năm 1900, sau này thành Dow và Keynes là người tổng kết và nâng nó lên về mặt lý luận. Theo thuyết này, nhà đầu tư dự báo giá cổ phiếu trong tương lai bằng việc theo dõi đồ thị trong quá khứ. Cung - cầu đóng vai trò chính, còn kết quả hoạt động doanh nghiệp và thông tin… chỉ là phụ trợ. Đây là cơ sở phân tích kỹ thuật đầu tiên, ra đời khá lâu nên tâm lý đầu tư có phần khá giống với các nhà đầu tư Việt
Thực tế, để định dạng một mô hình đã hình thành trên đồ thị là việc đã khó, nhưng khi xác định được rồi, việc dự đoán diễn biến sắp tới còn khó hơn nhiều. Trong thời gian qua, có khá nhiều mô hình được hình thành trong các thời điểm thay chiều đổi hướng xu thế như: hình tam giác vuông, hình lá cờ bay… Đã có nhóm phân tích kỹ thuật định dạng được mô hình này trên đồ thị, nhưng khi dự đoán những chuyển động tiếp theo thì lại không chuẩn xác. Nếu không xác định được các mô hình trên đồ thị thì không thể dự đoán được sự kết thúc hay khởi đầu cho một xu thế mới. Những tín hiệu này, đôi khi thể hiện rất rõ qua đồ thị kỹ thuật, nhưng có lúc lại là những tín hiệu giả, gây nhầm lẫn cho người phân tích. Do đó, phải luôn chống rủi ro trong mọi thời điểm quyết định mua, bán cổ phiếu là vậy.
Dù sao khi áp dụng trường phái phân tích này, xác xuất của các dự đoán chính xác vẫn cao hơn nhiều so với lý thuyết phân tích mới hiện nay. Theo dõi các mô hình đồ thị qua các thời điểm đổi chiều xu thế thì có đến 80% là chuyển động theo đúng quy luật và 20% chuyển động ngược với quy luật, nhất là ở các mức ngưỡng kháng cự và hỗ trợ. Nhận ra được một xu thế còn tiếp tục hay đã dừng là một vấn đề, nhưng việc áp dụng nó vào thực tế lại là việc khác. Nhà đầu tư phải tự xác định được các điểm mua bán cổ phiếu hợp lý để tạo được lợi nhuận cho mình. Tiếp nhận kiến thức có thể giống nhau, nhưng việc áp dụng lại đòi hỏi năng lực của mỗi người.
Trong thời gian qua, có khá nhiều chuyên gia đã đưa ra những dự đoán khá cụ thể về đỉnh và đáy của chỉ số VN-Index, nhưng thực tế đều sai, dù họ có hàng chục cơ sở để chứng minh cho những dự đoán của mình. Nếu thị trường mà dễ đoán như vậy thì đâu cần kinh nghiệm, đâu cần những bài học chống rủi ro. Nếu một nhà phân tích mà chỉ ra được thời điểm mua cổ phiếu này, bán cổ phiếu kia một cách chính xác thì anh ta là một nhà “phù thủy” hoặc chưa hiểu gì về thị trường. Các chuyên gia phân tích chỉ có thể đưa ra những cơ sở để dự báo một xu hướng. Nó đã dừng lại, hay vẫn tiếp tục, những thời điểm khả năng thị trường sẽ có những biến động lớn… Còn quyền quyết định mua, bán cổ phiếu là của nhà đầu tư. Chính vì vậy, để có thể tìm kiếm được lợi nhuận trên thị trường, nhà đầu tư phải tự trang bị cho mình một số kiến thức nhất định và kinh nghiệm mua bán trên thị trường. Những phân tích, dự đoán chỉ là tư liệu tham khảo. Xác suất đúng sai của những dự đoán đó sẽ là cơ sở cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán về mặt tư vấn đầu tư và thương hiệu của các chuyên gia phân tích.