Vì sao ca sĩ Tùng Dương từ chối các cơ hội Nam tiến?

Vì sao ca sĩ Tùng Dương từ chối các cơ hội Nam tiến?

(ĐTCK) Không chỉ là rời xa những vật dụng, cảnh trí quen thuộc, chuyển nhà là một việc khó quên trong cuộc đời bất cứ ai, bởi biết bao thói quen cũng sẽ bị “bứng” ra khỏi tiềm thức khi di dời đến nơi ở mới. Và sự hào hứng hay nuối tiếc phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thích nghi của mỗi người.

1. Đừng nhắc tới những cuộc chuyển nhà trọ, dù cho cơ bản không khác nhau về việc di dời từ nơi ở này sang nơi ở khác. Vì nhà trọ được mang tâm lý không phải nhà của mình, chỉ là chỗ trú tạm bợ, không ổn định, nên không quá dài đủ cho những thói quen đã ăn vào máu thịt.

Mỗi khi đi phỏng vấn nhân vật, tôi thường hỏi họ kỷ niệm về những căn nhà cũ, về bậu cửa, về khoảnh sân nào đó đã từng sống. Có người rất ngạc nhiên và trả lời rằng, không có lưu giữ điều này trong trí nhớ. Nhưng cũng có người trả lời vô cùng tỉ mỉ như trường hợp của ca sĩ Tùng Dương.

Trong cuộc trò chuyện, cậu đã kể rất chi tiết cho tôi nghe về căn hộ nhỏ nằm ngay trong khu phố cổ của Hà Nội. Nơi đó, người hàng xóm sát vách kế bên đã quá quen thuộc với giọng luyện thanh của chàng ca sĩ ngay ngoài ban công mỗi sáng. Tùng Dương cho biết, mọi thứ trở nên thân thuộc tới mức, cậu chẳng muốn đi đâu xa khỏi nơi đó, nơi mà “chị có tin được không, Dương vẫn giúp bố mẹ rửa bát, dọn dẹp và nấu ăn hàng ngày!”.

Cũng bởi không muốn rời xa căn nhà thân thuộc, mà Tùng Dương từ chối các cơ hội Nam tiến. Mảnh đất Sài Gòn hào hoa và là “miền đất hứa” của nhiều ca sĩ, nhưng chưa có cơ hội để thu nạp thêm chàng ca sĩ Dương “quái”. Hẳn thói quen được đứng ngoài ban công để luyện thanh, trong khung cảnh đậm chất “nhà mình” ấy, đã níu chân Tùng Dương ở lại Hà thành. Để mỗi sáng, cậu hoàn thành công việc luyện tập ấy xong, là ung dung xách túi xuống phố. Cho dù có bữa tạnh ráo, có bữa mưa phùn, có bữa nóng như thiêu, mà cũng có ngày lạnh tê má.

2. Tôi rất tin vào trực giác của mình mỗi khi đi gặp và nói chuyện với ai đó. Thường là dựa vào ánh mắt và cái bắt tay. Nếu ánh mắt người đối diện không nhìn thẳng, mà cứ láo liên đi đâu đó, sẽ là kiểu lành ít dữ nhiều. Nếu bàn tay người vừa gặp mà ấm và cái bắt tay thiệt chặt, là vui vô cùng, vì biết gặp được tuýp người nhiệt tình và tốt bụng. Sự hốt hoảng trong tôi có khi trở thành bấn loạn trong tâm thức nếu như được bắt đôi bàn tay lạnh ngắt và nhão nhoẹt.

Khi gặp diễn viên Lương Mạnh Hải, thấy cách Hải nhìn trực diện với tia mắt lóe sáng rất thông minh, tôi biết cậu là người rất tinh tế và nhạy cảm. Có lần, tôi hỏi Hải có ký ức gì về các đồ vật trong căn nhà của mình không, cậu kể say sưa về một chậu cây sống đời bé tí teo được mua về từ siêu thị. Khi cây gần héo, Lương Mạnh Hải đã mang ra để ngoài cửa sổ. Hàng ngày, chị giúp việc rất chăm chỉ tưới nước. Trong nhiều chậu cây có cùng chu kỳ sống như thế, chỉ có 1 cây duy nhất là tồn tại. Và chủ nhân căn hộ bắt đầu hồi hộp theo dõi chậu cây ấy lớn lên hàng ngày như thế nào. “Giờ thì các cành sống đời đã vươn lên khỏe mạnh, nhưng không thấy ra hoa như lúc mới mua về!”, Hải kể lại.

Có khi thói quen bé tí teo, nhưng dễ thương ấy đã khiến người ta gắn bó với nơi mình ở một cách vô thức, như kiểu mưa dầm thấm đất, từng chút, từng chút một. Đến khi phải rời khỏi chỗ đó, nỗi nhớ mới bùng lên quay quắt.

3. Thời điểm này, những căn nhà, căn hộ cho thuê một cách chuyên nghiệp, thường đã có sẵn tất cả các vật dụng thiết yếu trong gia đình. Người đi thuê chỉ cần mang đồ dùng cá nhân tới, là đã có thể sẵn sàng bắt đầu cho một cuộc sống mới, nơi ở mới.

Vậy thì bạn đã để lại gì ở nơi cũ? Có phải toàn bộ đồ đạc của mình và biết bao thói quen ăn mòn trong trí nhớ, phải không? Đến mức nếu điện có cúp tối om, thì vẫn có thể lấy được những món đồ để ở chỗ cố định, phải không?

Dù cho sự dịch chuyển đến nơi nào mới, đều được ghi nhận, vì nó đã tạo ra sự thay đổi trong đời sống con người. Nếu chúng ta cứ thủ cựu mãi, thì biết bao giờ mới thỏa mãn những khát vọng lớn hơn. Nhưng đôi khi, sự tiếc nuối cũng tạo thành kỷ niệm đẹp, ở nơi mà bạn hoặc tôi đã từng sống và gắn bó.

Tin bài liên quan