Ông Đinh La Thăng cũng đã dẫn câu chuyện của Bắc Ninh và Thái Nguyên, dù không có khu công nghệ cao nhưng vẫn thu hút được một lượng lớn vốn FDI, đặc biệt là nhiều dự án công nghệ cao để nhấn mạnh rằng “phải xem lại cơ chế thiếu cái gì, chứ như vậy là không được”.
Số liệu được SHTP công bố, đó là thấy tính đến hết năm 2015, đã có 84 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 5,4 tỷ USD đầu tư tại SHTP. Trong đó, có nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, như Intel, Nidec, Samsung, Jabil, Datalogic, Sonion… Và chỉ riêng vốn đầu tư của Samsung tại đây đã lên tới 2 tỷ USD.
Hiện nay, theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý SHTP, đã có 48 dự án đi vào hoạt động. Ngoài ra, SHTP còn thu hút được nhiều dự án nghiên cứu, phát triển của Sanofi (Pháp), Datalogic Scanning (Ý), Sonion (Đan Mạch), Microchip (Mỹ)…, đồng thời thu hút được nhiều doanh nghiệp Việt Nam vào đầu tư...
Đúng là nếu chịu khó đi một vòng quanh SHTP, vẫn còn nhiều khu đất trống và nhìn vào số lượng vốn đầu tư mà khu công nghệ cao này thu hút được, thì thấy, đó là một kết quả khiêm tốn. Và xem ra, ông Đinh La Thăng đã đúng khi “chê” SHTP thu hút đầu tư kém, và khi cho rằng, khoa học - công nghệ chưa thực sự trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội TP.HCM phát triển.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào tình hình thu hút đầu tư của hai khu công nghệ cao cấp quốc gia khác ở Việt Nam, là Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Khu công nghệ cao TP. Đà Nẵng, thì kết quả đó vẫn còn là... tốt chán!
Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội cho biết, năm 2016, Khu công nghệ cao Hòa Lạc không thu hút được bất cứ dự án FDI nào, cho dù kế hoạch thúc đẩy thu hút vào Hòa Lạc đã liên tục được “nhấn ga”. Được Chính phủ ký quyết định triển khai từ năm 1998, nhưng đến nay, giấc mơ Khu công nghệ cao Hòa Lạc vẫn còn dang dở, vẫn chỉ đang loay hoay với việc phát triển hạ tầng hơn là thu hút đầu tư.
Nếu nhìn vào tình hình thu hút đầu tư của hai khu công nghệ cao cấp quốc gia khác ở Việt Nam, là Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Khu công nghệ cao TP. Đà Nẵng, thì kết quả thu hút đầu tư tại TP. HCM vẫn còn là... tốt chán!
Đầu năm ngoái, Thanh tra Chính phủ thậm chí còn chỉ ra nhiều sai phạm tại khu công nghệ cao này. Cuối tháng 6 năm ngoái, sau 17 năm triển khai, Dự án Phát triển hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc mới chính thức được khởi công. Tới Hòa Lạc vào thời điểm này, điểm dễ thấy nhất cũng vẫn là những bãi đất trống, bỏ hoang.
Dù theo báo cáo của Khu công nghệ cao Hòa Lạc vào thời điểm cuối năm ngoái, khu này có 69 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 55.395 tỷ đồng trên tổng diện tích 329 ha, trong đó có 32 dự án đang hoạt động, song trên thực tế, dự án quy mô lớn nhất đang hoạt động vẫn là của FPT, một tập đoàn công nghệ thông tin trong nước. 17 dự án trong số này cũng đã bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư do không có khả năng triển khai.
Và điều dễ thấy, đó là ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc, vẫn thiếu vắng các dự án FDI, đặc biệt là các dự án FDI có ý nghĩa động lực, giống như Intel hay Samsung tại SHTP.
Trong khi đó, tình hình cũng không khá hơn đối với Khu công nghệ cao TP. Đà Nẵng. Sinh sau đẻ muộn nhất trong 3 khu công nghệ cao cấp quốc gia, song vào cuối tháng 5 năm ngoái, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã đón dự án đầu tiên đi vào hoạt động. Đó là dự án 40 triệu USD của Công ty Tokyo Keiki (Nhật Bản) sau hơn 8 tháng xây dựng. Dự án này chuyên sản xuất các loại van chuyển mạch điện từ và bơm cánh quạt áp lực cao.
Tuy nhiên, ngoài dự án này, thì số lượng các dự án khác đăng ký đầu tư vào đây chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chẳng hạn, Dự án Niwa Foundry Việt Nam (Nhật Bản), vốn đầu tư 70 triệu USD. Dự án này cũng đang trong quá trình triển khai.
Mấy năm trước đây, Đà Nẵng đã rất kỳ vọng vào Dự án “Thung lũng Silicon” của Tập đoàn Rocky Lai & Asociates, Inc. (Hoa Kỳ), vốn đầu tư 278 triệu USD, xây dựng ở huyện Hòa Vang, với kỳ vọng dự án này sẽ tạo động lực để thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao khác tới thành phố này. Tuy nhiên, khi Rocky Lai không triển khai dự án, một giấc mơ nữa lại dang dở. Và Khu công nghệ cao Đà Nẵng, cũng giống như hai khu công nghệ cao ở Hòa Lạc và TP.HCM lại tiếp tục vật lộn với việc xúc tiến đầu tư.
Trên thực tế, Việt Nam đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào thu hút đầu tư, đặc biệt là FDI từ mô hình 3 khu công nghệ cao quốc gia. Song những gì diễn ra trong thời gian qua chưa thấy, tất cả đang không được như kỳ vọng.
Cuối năm 2015, lại thêm một lần nữa, cuộc họp giao ban giữa ba khu công nghệ cao này được tổ chức, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy thu hút đầu tư vào đây. Song tình hình chưa biết có dễ được cải thiện hay không...