Vì sao 197 dự án đầu tư của TP.HCM “ế hàng”?

0:00 / 0:00
0:00
Năm 2022, TP.HCM phê duyệt Danh mục kêu gọi đầu tư 197 dự án trong nhiều lĩnh vực, song đến hết năm, các dự án này hầu như không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư.
Vì sao 197 dự án đầu tư của TP.HCM “ế hàng”?

Thậm chí, lãnh đạo UBND TP.HCM thừa nhận, các dự án chưa đủ điều kiện kêu gọi đầu tư.

Thông tin dự án quá sơ sài

Chỉ còn nửa tháng nữa là kết thúc năm 2022, song đến thời điểm này, 197 dự án mà TP.HCM kêu gọi đầu tư năm 2022 nhận được rất ít sự quan tâm của nhà đầu tư, cho dù Thành phố đã phát đi các thông báo mời gọi đầu tư rộng rãi.

Trong tổng số 197 dự án kêu gọi đầu tư của TP.HCM với tổng vốn 943.937 tỷ đồng (tương đương 42,8 tỷ USD), thì lĩnh vực hạ tầng đã chiếm hơn một nửa với tổng vốn 533.685 tỷ đồng (tương đương 24,2 tỷ USD).

Các dự án hạ tầng giao thông mà TP.HCM kêu gọi đầu tư chủ yếu là các tuyến metro, một số tuyến đường trên cao. Đây là những dự án có vốn đầu tư rất lớn, như Dự án đường trên cao số 1 (từ nút giao Cộng Hòa, quận Tân Bình đến đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh), dài 9,5 km, tổng vốn đầu tư 17.500 tỷ đồng; Dự án đường trên cao số 5 (từ nút giao trạm 2, TP. Thủ Đức đến nút giao An Sương, quận 12), dài 21,5 km, tổng vốn 15.400 tỷ đồng...

Trên thực tế, trong sách 197 dự án, có rất nhiều dự án đã kêu gọi đầu tư từ nhiều năm trước, như các tuyến metro, đường trên cao. Tuy nhiên, do bị “ế”, không có nhà đầu tư nào quan tâm, nên các dự án này lại được đưa vào danh sách kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021 - 2025.

Điều đáng nói là, trong danh sách các dự án kêu gọi đầu tư, chỉ có vài thông tin cơ bản, như tên dự án, địa điểm, tổng vốn dự kiến, cơ quan liên hệ. Các thông tin quan trọng nhất mà nhà đầu tư cần như hình thức đầu tư, đất đã giải phóng mặt bằng hay chưa, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi gì… thì lại không được cung cấp một cách đầy đủ.

Nói về nguyên nhân 197 dự án của TP.HCM nhận được rất ít sự quan tâm của nhà đầu tư, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM thẳng thắn thừa nhận, trong danh sách 197 dự án, mới chỉ có tên, quy mô, tổng mức đầu tư, vị trí, diện tích..., chứ chưa đủ điều kiện để tổ chức kêu gọi đầu tư.

Theo ông Hoan, trong 197 dự án, có dự án là đầu tư công, có dự án kêu gọi tư nhân, do chưa xác định được rõ loại dự án, nên khó xác định nguồn lực đầu tư. Một nguyên nhân nữa là sự chồng chéo giữa quy hoạch cũ đang vận hành và quy hoạch mới đang xây dựng.

Và vấn đề quan trọng nhất mà nhà đầu tư quan tâm là đất chưa “sạch”. Nhiều dự án chưa hoàn tất việc giải phóng mặt bằng, nên chưa thu hút được nhà đầu tư.

Từ những bất cập nêu trên, ông Võ Văn Hoan cho biết, UBND TP.HCM đã họp bàn và đề ra các giải pháp để cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư. “Giờ nếu không điều chỉnh thì khi kêu gọi nhà đầu tư hỏi gì cũng kẹt, hỏi gì cũng không biết, vậy thì làm sao kêu gọi đầu tư? Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, thì nhà đầu tư cũng chán nản, có kêu gọi thì họ cũng không tới nữa”, ông Hoan nói.

Đối với các dự án kêu gọi tư nhân đầu tư, ông Hoan cho rằng, cần khuyến khích nhà đầu tư đề xuất, thiết kế dự án thế nào cho hợp lý, đạt chuẩn, để nhà đầu tư khai thác hiệu quả, bởi với dự án tư nhân khi đã được duyệt phương án, nhà đầu tư sẽ bơm vốn và thực hiện ngay, không cần xin ý kiến từng khâu như các dự án đầu tư công.

Đầu tư hạ tầng nhiều rủi ro

Phân tích ở góc độ nhà đầu tư, TS. Dương Như Hùng, Trường đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng, 2 tiêu chí quan trọng nhất được nhà đầu tư xét đến khi quyết định đầu tư vào bất kỳ dự án nào là suất sinh lời và rủi ro.

Đối với các dự án hạ tầng tại TP.HCM, phần rủi ro đầu tiên là khâu giải phóng mặt bằng, vì hầu hết các dự án đều vướng mắc khâu này. Giải phóng mặt bằng kéo dài, khiến nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn, dẫn đến thua lỗ. Trong khi đó, việc giải phóng mặt bằng lại liên quan trực tiếp đến Luật Đất đai, nên rất khó điều chỉnh.

Rủi ro tiếp theo, theo ông Hùng, là việc bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư. Luật PPP đã được thông qua, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, khiến nhà đầu tư e dè.

Đó là chưa kể, rất nhiều tiêu cực trong quá trình triển khai các dự án BOT trong quá khứ đã tạo “vết” tiêu cực, khiến nhiều nhà đầu tư e ngại.

Ông Lê Ngọc Ánh Minh, Chủ tịch điều hành Công ty TNHH Pacific Group cho biết, đầu tư hạ tầng thời gian rất dài, 15- 25 năm mới thu hồi được vốn, nên rất nhiều rủi ro có thể xảy ra.

Các nhà đầu tư nước ngoài, khi tìm hiểu đầu tư vào dự án hạ tầng tại TP.HCM, đều mong muốn chính quyền bảo lãnh, cam kết và xử lý ngay vấn đề phát sinh khi xảy ra để dự án không bị đình trệ, vì thực tế cho thấy, các dự án vốn vay nước ngoài trên địa bàn Thành phố đều chậm tiến độ nhiều năm.

“Để thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, Thành phố phải có cơ chế rõ ràng về giải phóng mặt bằng, đốc thúc tiến độ, giải quyết các vướng mắc của nhà đầu tư một cách nhanh chóng”, ông Minh đề xuất.

Trên thực tế, trong sách 197 dự án, có rất nhiều dự án đã kêu gọi đầu tư từ nhiều năm trước, như các tuyến metro, đường trên cao. Tuy nhiên, do bị “ế”, không có nhà đầu tư nào quan tâm, nên các dự án này lại được đưa vào danh sách kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021 - 2025.

Tin bài liên quan