Tại Luật doanh nghiệp, hàng loạt quy định về quyền, nghĩa vụ của cổ đông, HĐQT, thành viên HĐQT, ban kiểm soát, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc… đã được đưa ra. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều quy định đang bị vi phạm và cổ đông vẫn khó để tìm ra cách thức hữu hiệu buộc công ty phải tuân thủ luật.
Chẳng hạn, Điểm đ Khoản 1 Điều 114 Luật Doanh nghiệp quy định: Cổ đông có quyền xem xét, tra cứu và trích lục các thông tin trong Danh sách cổ đông có quyền biểu quyết và yêu cầu sửa đổi các thông tin không chính xác. Trên thực tế, nhiều trường hợp, cổ đông đề nghị công ty cung cấp danh sách cổ đông nhưng đều không nhận được.
Công ty không hẳn từ chối “thẳng thừng” yêu cầu này, nhưng rất “sáng tạo” trong việc nghĩ ra lý do để khất lần. Sau vài lần đi lại, cổ đông đành bỏ qua dù rất bức xúc. Thiếu đi bản danh sách này, các cổ đông nhỏ sẽ khó liên kết, tập hợp với nhau đủ tỷ lệ 1%, 5%, 10% để có thể yêu cầu nhiều quyền hơn theo quy định của luật pháp.
Thực tế, Luật Doanh nghiệp đã quy định rõ một số trường hợp cổ đông có thể khởi kiện ra tòa án gồm khởi kiện hủy bỏ Nghị quyết ĐHCĐ; khởi kiện đối với thành viên HĐQT, tổng giám đốc… Theo đó, Điều 161 quy định cụ thể 6 trường hợp cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ liên tục trong 6 tháng có quyền tự mình hoặc nhân danh khởi kiện trách nhiệm cá nhân tổng giám đốc, thành viên HĐQT.
Đáng chú ý là khi cổ đông nhân danh công ty khởi kiện và được Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện, chi phí khởi kiện sẽ được tính vào chi phí của công ty. Quy định này tạo thuận lợi cho các cổ đông nhỏ vốn thường e ngại không có đủ chi phí để theo đuổi vụ kiện.
Dù vậy, vẫn có băn khoăn về việc chứng minh thiệt hại gây ra từ hành vi của tổng giám đốc, thành viên HĐQT. Với cổ đông không tham gia điều hành công ty, việc này không dễ dàng.
Quyền khởi kiện, khó vẫn phải khai thác triệt để
Nhằm tìm hiểu rõ hơn các khó khăn và giải pháp khi cổ đông thực hiện quyền khởi kiện, ĐTCK đã có trao đổi với luật sư Hồ Anh Khoa (Công ty Luật BASICO).
Luật Doanh nghiệp 2005 trước đây và hiện nay là Luật Doanh nghiệp 2014 có quy định về quyền khởi kiện của cổ đông đối với cá nhân thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc công ty cổ phần hay không? Tác dụng của quy định này như thế nào?
Với loại hình CTCP, Luật Doanh nghiệp năm 2005 không quy định về quyền khởi kiện của cổ đông đối với thành viên HĐQT, giám đốc, tổng Giám đốc công ty. Nhưng Nghị định số 102/2010/NĐ-CP về hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp lại quy định về quyền này của cổ đông tại Điều 25 về “Quyền khởi kiện đối với thành viên HĐQT, giám đốc (tổng giám đốc)”.
Đến Luật Doanh nghiệp năm 2014, quyền này của cổ đông đã được ghi nhận rõ ràng tại Điều 161 về “Quyền khởi kiện đối với thành viên HĐQT, giám đốc, tổng giám đốc”.
Cụ thể, cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT, giám đốc hoặc tổng giám đốc trong một số trường hợp pháp luật, điều lệ công ty quy định.
Quy định này ra đời đã tạo cơ sở pháp lý, công cụ pháp lý rõ ràng cho cổ đông để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông trước những sai phạm của các nhân sự quản trị, điều hành công ty. Cổ đông có thể trực tiếp khởi kiện ngay, không cần qua ban kiểm soát như trước nữa.
Trên thực tế vẫn rất ít trường hợp khởi kiện trách nhiệm cá nhân của thành viên HĐQT, giám đốc, tổng giám đốc. Vì sao thưa ông?
Luật Doanh nghiệp năm 2014 mới có hiệu lực hơn 6 tháng (từ 1/7/2015), nên việc chưa hoặc ít ghi nhận trường hợp khởi kiện áp dụng quy định mới này của Luật trên thực tế cũng dễ hiểu.
Tuy không có con số thống kê chính thức, nhưng trước đây, khi áp dụng quy định tại Nghị định số 102/2010/NĐ-CP, việc cổ động khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc hoặc tổng giám đốc cũng không dễ dàng. Theo đó, có thể kể đến 2 vấn đề như sau:
Thứ nhất, trong trường hợp công ty có ban kiểm soát, cổ đông bắt buộc phải yêu cầu ban kiểm soát thực hiện khởi kiện trước. Nếu hết thời hạn theo quy định mà ban kiểm soát không khởi kiện thì cổ đông mới có quyền trực tiếp khởi kiện. Vậy cổ đông dựa vào đâu để xác định ban kiểm soát không khởi kiện? Do luật không chốt thời hạn bằng một “kết quả” cụ thể nên thời hạn này rất dễ bị kéo dài “một cách thuyết phục”, khiến quyền trực tiếp khởi kiện của cổ đông bị ảnh hưởng.
Thêm nữa, cơ chế pháp lý để ban kiểm soát khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc hoặc tổng giám đốc không rõ ràng. Việc khởi kiện trách nhiệm dân sự phải thực hiện theo thủ tục tố tụng dân sự. Khó để xác định quyền khởi kiện của ban kiểm soát trong trường hợp này.
Thứ hai, cổ đông có thể sẽ gặp khó trong việc xác định nội dung yêu cầu khởi kiện, vì nguyên tắc, toà án sẽ chỉ thụ lý các vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền của toà án theo quy định của pháp luật Tố tụng dân sự.
Thêm nữa, cũng thuộc về nguyên tắc tố tụng, khi gửi đơn khởi kiện cho Toà án, người khởi kiện phải gửi kèm theo tài liệu, chứng cứ để chứng minh họ là người có quyền khởi kiện và những yêu cầu của họ là có căn cứ và hợp pháp. Giả dụ với yêu cầu bồi thường thiệt hại thì đương nhiên cổ đông phải chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm từ sai phạm của các nhân sự quản trị, điều hành công ty. Bên cạnh đó là việc phải chứng minh được thiệt hại.
Đương nhiên, ngay cả với quy định mới tại Điều 161 về “Quyền khởi kiện đối với thành viên HĐQT, giám đốc, tổng giám đốc”, Luật Doanh nghiệp năm 2014, cổ đông vẫn có thể sẽ gặp phải khó khăn này khi tiến hành khởi kiện.
Gần đây dấy lên tranh chấp giữa Red River Holdings và Ban lãnh đạo Everpia. Xin hỏi nếu cổ đông gặp tình huống tương tự thì có thể khởi kiện không? Nếu khởi kiện, đơn khởi kiện cần có điều kiện gì để được thụ lý?
Tôi không có thông tin chính thức về trường hợp này. Nhưng nếu cổ đông, nhóm cổ đông đáp ứng điều kiện thì hoàn toàn có thể khởi kiện Điều 161 về “Quyền khởi kiện đối với thành viên HĐQT, giám đốc, tổng giám đốc”, Luật Doanh nghiệp năm 2014. Đương nhiên, toà án sẽ xem xét đơn khởi kiện, hồ sơ, tài liệu khởi kiện để quyết định có đủ điều kiện thụ lý vụ án hay không.
Đơn khởi kiện cần đáp ứng đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật (Điều 164 về “Hình thức, nội dung đơn khởi kiện”, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, được sửa đổi, bổ sung năm 2011). Trong hồ sơ khởi kiện, cần đặc biệt lưu ý chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp.
Có e ngại rằng rất khó để chứng minh thiệt hại mà cá nhân Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị gây ra. Ông nghĩ sao? Liệu có lời khuyên nào dành cho cổ đông, thưa ông?
Như tôi đã nói, việc chứng minh, thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu khởi kiện phụ thuộc vào việc cổ đông, nhóm cổ đông khởi kiện về “cái gì”. Nếu yêu cầu bồi thường thiệt hại thì đương nhiên sẽ phải chứng minh về thiệt hại do sai phạm của thành viên HĐQT, giám đốc, tổng giám đốc công ty. Không phải tất cả, nhưng theo tôi, đây là việc không dễ thực hiện đối với các cổ đông.
Dù khó, nhưng khi cần, các cổ đông, nhóm cổ đông buộc phải triệt để khai thác các quyền pháp lý của mình theo quy định của pháp luật, quy định tại Điều lệ công ty để thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh thiệt hại.