Thao túng giá, mua bán “chui”…
Kết quả xác minh của Cơ quan Công an cho thấy, ông Nguyễn Minh Tuấn (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã thực hiện hành vi thao túng cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư và Tư vấn Hà Long, nay là Công ty cổ phần Halcom Việt Nam (HID), nên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã phạt ông Tuấn 550 triệu đồng.
UBCK cũng áp dụng mức phạt tiền 550 triệu đồng với ông Nguyễn Quang Vịnh (phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội), vì đã sử dụng 12 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu của Công ty cổ phần Vinaconex 21 (V21).
Về hành vi mua bán cổ phiếu của lãnh đạo doanh nghiệp và người có liên quan không tuân thủ quy định, mới đây, UBCK phạt 40 triệu đồng đối với ông Trần Minh Phú, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển xây dựng (DIG) vì mua 60.000 cổ phiếu DIG từ ngày 2/4/2018 đến 5/4/2018 nhưng không báo cáo UBCK và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) về việc dự kiến giao dịch.
Đáng chú ý, UBCK phạt 130 triệu đồng đối với DFJ Vinacapital Venture Investment Ltd (British Virgin Islands) vì không báo cáo về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu YEG của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1.
Ngày 18/5/2018, DFJ Vinacapital Venture Investment Ltd, tổ chức có liên quan với ông Hoàng Đức Trung, Giám đốc DFJ Vinacapital Venture Investment Ltd, đồng thời là Thành viên Hội đồng quản trị YEG, đã chuyển nhượng 7,82 triệu cổ phiếu YEG, nhưng không báo cáo UBCK về dự kiến giao dịch.
Đồng thời, UBCK phạt 65 triệu đồng đối với ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Hội đồng quản trị YEG vì không báo cáo về dự kiến giao dịch (ngày 18/5/2018, ông Tống nhận chuyển nhượng 7,82 triệu cổ phiếu YEG và ngay trong ngày, ông Tống đã chuyển nhượng số cổ phiếu này).
Gần đây, cổ phiếu của một số doanh nghiệp mới gia nhập thị trường chứng khoán có giá cao ngất, trong khi hiệu quả hoạt động không thực sự nổi bật, triển vọng kinh doanh chưa rõ ràng, thậm chí có doanh nghiệp bị điều tiếng là “vẽ” dự án, doanh thu ảo…
Không chỉ bị nghi vấn về chất lượng cổ phiếu, quá trình cổ phiếu “leo” giá bị nghi ngờ là có sự tham gia giao dịch của lãnh đạo doanh nghiệp cũng như những người có liên quan.
Những vụ việc thao túng giá chứng khoán, hoặc mua bán “chui” - hành vi được nhiều nhà đầu tư cho là lãnh đạo doanh nghiệp cũng như người có liên quan tận dụng lợi thế nắm bắt thông tin sớm từ doanh nghiệp để mua bán chứng khoán… có ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ.
“Đừng để niềm tin bị tổn thương”
Nhiều chuyên gia, nhà đầu tư đề xuất, trong lần sửa Luật Chứng khoán này, cần có cơ chế để bảo vệ nhà đầu tư hữu hiệu.
Nhà đầu tư Trần Tiến Dũng (Hà Nội) cho rằng, các hành vi vi phạm trên tạo ra rủi ro cho thị trường và làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư về một môi trường đầu tư công khai, công bằng.
Cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát, xử phạt các hành vi vi phạm, đồng thời khắc phục những điểm hạn chế trong cơ chế bảo vệ nhà đầu tư cá nhân, nhằm cải thiện “chỉ số niềm tin” trên thị trường.
“Cổ đông, dù nắm giữ 1 cổ phiếu cũng là chủ tại doanh nghiệp, nhưng trên thực tế,họ không được đối xử như vậy, mà ngược lại, đang có tình trạng đảo lộn ngôi thứ. Đó là người quản lý doanh nghiệp làm chủ, còn cổ đông bị xem như người… lạ.
Tình trạng này nếu không được khắc phục sẽ không tạo được niềm tin, thu hút người dân đầu tư vốn vào doanh nghiệp thông qua thị trường chứng khoán”, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói.
Cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát, xử phạt các hành vi vi phạm, đồng thời khắc phục những điểm hạn chế trong cơ chế bảo vệ nhà đầu tư.
Theo lãnh đạo một công ty chứng khoán lớn đang niêm yết, cải cách cơ chế để tạo ra bước đột phá trong bảo vệ nhà đầu tư là một nội dung lớn mà các thành viên thị trường đang trông đợi Bộ Tài chính, UBCK thể hiện rõ nét, bài bản trong dự thảo Luật Chứng khoán chuẩn bị công khai lấy ý kiến thị trường.
Để cải thiện khả năng bảo vệ nhà đầu tư, điều quan trọng là phải bắt đầu từ gia tăng sức ép trong buộc doanh nghiệp cải thiện chất lượng quản trị, cũng như minh bạch thông tin, cùng với đó là chế tài xử phạt nghiêm khắc các trường hợp vi phạm, để đảm bảo tính răn đe.
Có ý kiến cho rằng, phạt nặng về tiền thôi là chưa đủ, mà điều quan trọng trong lần sửa Luật Chứng khoán này, Bộ Tài chính, UBCK cần bổ sung các quy định nâng cao chất lượng hàng hóa, đặc biệt là kiểm soát chặt chất lượng cổ phiếu trước khi đưa lên sàn.
Với những cổ phiếu bị nghi vấn thao túng giá, khi cơ quan quản lý phát hiện có sự tiếp tay của lãnh đạo nghiệp cũng như những người có liên quan, thì cần có các chế tài xử phạt bổ sung, chẳng hạn cấm doanh nghiệp được phát hành cổ phiếu tăng vốn trong một thời gian nhất định, cấm những người vi phạm là lãnh đạo doanh nghiệp và người có liên quan được giao dịch cổ phiếu trong một khoảng thời gian…
Đồng thời, tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát cổ phiếu nghi vấn bị thao túng, trên cơ sở đó cơ quan quản lý phát đi những tín hiệu cảnh báo ra thị trường, để bảo vệ nhà đầu tư trước khi bị "úp sọt".