“Gài bài”, cản trở thầu… là những vi phạm nổi cộm trong hoạt động đấu thầu bảo hiểm. Ảnh: Dũng Minh

“Gài bài”, cản trở thầu… là những vi phạm nổi cộm trong hoạt động đấu thầu bảo hiểm. Ảnh: Dũng Minh

Vi phạm đấu thầu bảo hiểm quay trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thời gian gần đây, hoạt động đấu thầu bảo hiểm liên tiếp ghi nhận phản ánh về dấu hiệu vi phạm trong đấu thầu các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc như đầu tư xây dựng, cháy nổ, xe cơ giới…

Từ việc hủy kết quả đấu thầu tại Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả

Kết quả lựa chọn nhà thầu, gói thầu mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc năm 2022 của Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả vào cuối năm 2021 đã gây bức xúc đối với bên không trúng thầu và nhóm này đã gửi kiến nghị lên Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, khiến cơ quan này phải tổ chức họp Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) đã cử cán bộ tham gia Hội đồng tư vấn. Bên mời thầu là Công ty cổ phần Nhiệt điện Cẩm Phả (thành viên của Tổng công ty Điện lực - TKV).

Cụ thể, theo biên bản mở thầu lúc 15h05 ngày 29/12/2021, có 2 nhà thầu tham gia gồm Liên danh Bảo hiểm Bưu điện (PTI) - Bảo hiểm Hàng không (VNI) - Bảo hiểm Sài Gòn Hà Nội (BSH) - Bảo hiểm Bảo Long (viết tắt là Liên danh PTI - VNI - BSH - Bảo Long) và Liên danh Bảo hiểm PVI (PVI) - Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) - Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) - Bảo hiểm BIDV (BIC) - Bảo hiểm Quân đội (MIC) - Bảo hiểm Bảo Việt (viết tắt là Liên danh PVI - PJICO - MBI - BIC - MIC - Bảo Việt).

Giá dự thầu của Liên danh PTI - VNI - BSH - Bảo Long là hơn 3,563 tỷ đồng, còn của Liên danh PVI - PJICO - MBI - BIC- MIC - Bảo Việt là hơn 3,744 đồng. Kết quả là Liên danh PTI - VNI - BSH - Bảo Long đã trúng thầu.

Không đồng tình về thang điểm đánh giá vì cho rằng nội dung báo cáo đánh giá của bên mời thầu còn sơ sài, không tuân thủ quy định, bên không trúng thầu là Công ty Bảo Việt Quảng Ninh (đại diện nhà thầu Liên danh PVI - PJICO - MBI - BIC- MIC - Bảo Việt) đã gửi đơn kiến nghị lên Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Quảng Ninh ngày 20/4/2022.

Theo đại diện nhà thầu này, căn cứ vào hồ sơ mời thầu thì không được xếp hạng tín nhiệm quốc tế sẽ đạt 0 điểm (không được điểm nào). Như vậy, bên mời thầu đã xếp hạng nhà thầu trước khi đánh giá xác định điểm các tiêu chí kỹ thuật.

“Điều này là phi logic và không tuân thủ quy trình được quy định tại Điều 8 - Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT và Chương II - Thông tư 05/2018/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Chúng tôi muốn biết nhà thầu đứng đầu liên danh PTI được mấy điểm và nhà thầu đứng đầu liên danh chúng tôi là PVI có đúng không được điểm nào hay không?”, đại diện Công ty Bảo Việt Quảng Ninh nêu vấn đề, đồng thời khẳng định nội dung báo cáo đánh giá của tổ chuyên gia bên mời thầu còn sơ sài, không tuân thủ theo quy định đánh giá tổng số điểm về kỹ thuật của một số tiêu chuẩn tổng quát, không áp dụng mẫu báo cáo đánh giá E-HSDT (khi lựa chọn nhà thầu qua mạng) quy định tại Điều 3 - Thông tư 05/2018…, dẫn đến việc để lọt nhà thầu không đạt điểm tối thiểu vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật, chuyển sang bước đánh giá về tài chính.

Theo công văn ngày 14/7/2022 trả lời nhà thầu do ông Nguyễn Hữu Đuyến, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh kiêm Chủ tịch Hội đồng tư vấn đầu thầu ký duyệt, căn cứ vào hồ sơ mời thầu, giải trình của bên mời thầu, Hội đồng tư vấn nhận thấy bên mời thầu chưa thực hiện đúng quy định tại Khoản 1, Điều 16 - Nghị định số 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, khi đã vội vàng đánh điểm đối với nhà thầu đứng đầu liên danh (nhà thầu trúng thầu) ở mức 2 điểm mà chưa yêu cầu bên dự thầu cung cấp tài liệu làm rõ để có thể đánh giá nhà thầu được xếp hạng dưới mức B++ của AM.Best (bởi Tổ chuyên gia cho rằng, xếp hạng 1A theo Thông tư 195/2014/TT-BTC là tương đương đạt dưới mức B++ của AM.Best).

“Việc chưa yêu cầu cung cấp tài liệu làm rõ xếp hạng uy tín dẫn đến không đủ cơ sở xác định nhà thầu trúng thầu đạt mức 2 điểm và tiêu chí đánh giá của Tổ chuyên gia (mức 1A) không đúng với tiêu chí yêu cầu của E.HSMT (mức B++)”, công văn nêu rõ.

Đối với nội dung xếp hạng nhà thầu, nhà thầu xếp thứ 2 không được đánh giá điểm về năng lực kinh nghiệm tại tiêu chí của Chương III - E.HSMT, Hội đồng tư vấn cho rằng, chủ đầu tư/bên mời thầu đã thực hiện theo quy định của Thông tư 04/2017 và Thông tư 05/2018.

Theo đó, Hội đồng tư vấn đề nghị Tổng công ty Điện lực- TKV xem xét lựa chọn áp dụng hủy/không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu này, đồng thời xem xét kiểm điểm những hạn chế, thiếu sót đối với tổ chức, cá nhân trong việc lập, đánh giá hồ sơ dự thầu và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu nêu trên. Trường hợp có phát hiện gian lận trong đấu thầu theo Khoản 4, Điều 89 - Luật Đấu thầu, cần báo cáo Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) áp dụng biện pháp cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với tổ chức, cá nhân liên quan theo Điều 122 - Nghị định 63/2014.

Đối với nhà thầu có kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu, nếu không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị, nhà thầu có quyền khởi kiện ra tòa án theo quy định tại Điều 91 - Luật Đấu thầu. Sau khi có báo cáo kết quả xử lý các nội dung trên, Giám đốc Sở Kế hoạc và Đầu tư giao Thanh tra xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư theo Nghị định 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ.

Hiện tại, theo thông tin từ nhà thầu, bên mời thầu đã hủy bỏ kết quả cũ và đang xây dựng hồ sơ mời thầu mới, chờ bỏ thầu lại. Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ thông tin khi có diễn biến mới.

Nhìn sang Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4

Dựa trên những phản ánh ghi nhận trong nhiều năm qua, vi phạm nổi cộm trong hoạt động đấu thầu bảo hiểm được chỉ ra đó là tình trạng “gài bài”, cản trở thầu…, dẫn đến việc nhà thầu phải gửi công văn đề nghị chủ đầu tư cũng như các cơ quan chức năng như Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Hội đồng tư vấn đấu thầu, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Cục Quản lý - Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính)… làm rõ các nghi vấn. Hệ quả là bên chủ đầu tư phải hủy bỏ một số tiêu chí trong hồ sơ mời thầu và thay thế bằng tiêu chí mới.

Tại gói thầu bảo hiểm rủi ro trong quá trình xây dựng, lắp đặt, chạy thử và nghiệm thu dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 mới đây cũng xảy ra tình trạng tương tự, doanh nghiệp tham gia thầu “kêu” bị loại từ trước khi bước vào vòng bỏ thầu. Lý do bởi căn cứ vào bộ tiêu chí trong hồ sơ mời thầu, nhà thầu phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như có vốn điều lệ từ 800 tỷ đồng trở lên tính đến ngày 31/12/2020 theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán; quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tại thời điểm 31/12/2020 phải trên 2.500 tỷ đồng; phải có xếp hạng tín nhiệm tài chính được đánh giá bởi các tổ chức xếp hạng quốc tế (rating) như A.M. Best, Standard & Poor’s, Moody’s hay Fitch tại năm tài chính gần nhất…

Trong khi đó, theo kết quả công bố ngày 17/5/2022, Bảo hiểm Bảo Long (BLI) và Bảo hiểm VietinBank (VBI) đều bị loại do không đảm bảo năng lực, kinh nghiệm khi chưa bước vào đánh giá kỹ thuật. Tính đến 31/12/2020, BLI có vốn điều lệ 600 tỷ đồng, VBI có vốn điều lệ 666,5 tỷ đồng và đều chưa có rating (xếp hạng tín nhiệm).

Còn Liên danh PVI - PJICO trúng thầu với giá 115,176 tỷ đồng. Gói thầu bảo hiểm rủi ro trong quá trình xây dựng, lắp đặt, chạy thử và nghiệm thu dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 có giá trị hơn 133 tỷ đồng.

Phía VBI và BLI cho rằng, hồ sơ mời thầu đã làm khó nhiều nhà thầu đủ năng lực tài chính lẫn kinh nghiệm khi yêu cầu phải có rating, trong khi hiện nay chỉ 6 công ty bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam có thể đạt yêu cầu này, chưa kể rating không phải là điều kiện tiên quyết để lựa chọn nhà bảo hiểm có khả năng tài chính tốt, đặc biệt với các gói thầu trong nước.

Còn bên mời thầu (Ban quản lý Dự án điện, thuộc Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam) lập luận, cả 2 dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 đều là dự án quan trọng của quốc gia, đòi hỏi nhà thầu bảo hiểm phải đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các gói thầu cũng như giải quyết các tổn thất phát sinh nhanh nhất.

Hiện tại, hầu hết nội dung trong hồ sơ mời thầu chưa được điều chỉnh, cho dù phía nhà thầu VBI, BLI đã đưa ra nhiều kiến nghị.

Tin bài liên quan