VI NA TA BA (VTJ): “Tỉnh" giấc mơ chuyển sàn vì thua lỗ

VI NA TA BA (VTJ): “Tỉnh" giấc mơ chuyển sàn vì thua lỗ

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư VI NA TA BA (VTJ) dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông lùi kế hoạch chuyển sàn giao dịch từ HNX sang HOSE sang năm 2021 trong bối cảnh chưa đáp ứng được tiêu chí vốn góp và hoạt động kinh doanh thua lỗ chưa tìm được lối thoát.

Không đáp ứng điều kiện về vốn điều lệ

Theo Nghị định 58/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, có hiệu lực từ ngày 15/9/2012, để được niêm yết trên HOSE, doanh nghiệp cần đạt được các tiêu chuẩn cao hơn về vốn điều lệ, thời gian và hiệu quả hoạt động, công bố thông tin và cổ đông. Theo đó, vốn điều lệ của doanh nghiệp trên HOSE phải đạt tối thiểu 120 tỷ đồng so với điều kiện 30 tỷ đồng trên HNX.

Trong khi đó, tính đến thời điểm hiện tại, vốn điều lệ đăng ký của VTJ là 115 tỷ đồng, vốn điều lệ thực góp là 114 tỷ đồng.

Do Công ty chưa đủ điều kiện niêm yết trên HOSE trong năm nay nên Hội đồng quản trị đề xuất trình Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 20/11/2020 thực hiện thay đổi niêm yết cổ phiếu sang sàn HOSE trong năm 2021, sau khi đủ điều kiện chuyển sàn.

Điều kiện niêm yết trên HOSE và HNX.

Điều kiện niêm yết trên HOSE và HNX.

Trước đó, theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông tháng 8/2019, VTJ đã tiến hành phát hành riêng lẻ tối đa 6,6 triệu cổ phần phổ thông để tăng vốn điều lệ.

Tuy nhiên, việc phát hành không thành công do đại dịch Covid-19 nửa đầu năm 2020 không chỉ làm suy giảm kết quả sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng tới tiềm lực của các nhà đầu tư.

Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty vẫn chưa tìm được nhà đầu tư có năng lực tài chính phù hợp để thực hiện chào bán riêng lẻ số cổ phần trên. Do vậy, trong năm 2020, Công ty khó có thể hoàn tất việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Hội đồng quản trị VTJ trình Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2020 thông qua đề xuất tiếp tục tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng để chào bán tối đa 6,6 triệu cổ phần, tăng vốn điều lệ trong năm 2021.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020, VTJ lỗ 69 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 582 triệu đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Công ty âm 364 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 12,9 tỷ đồng.

Kể từ quý III/2019 đến nay, Công ty không ghi nhận doanh thu từ hoạt động cốt lõi, chỉ ghi nhận doanh thu tài chính và các hoạt động tài chính cũng không còn hiệu quả như trước.

Giải trình nguyên nhân thua lỗ, VTJ cho biết, từ quý III/2019 cho tới nay, Công ty ngừng hoạt động kinh doanh thuốc lá vì không có nguồn hàng phù hợp và hoạt động không hiệu quả. Hiện tại, Công ty đang tập trung tái cấu trúc, tìm kiếm chiến lược kinh doanh mới.

Theo giấy đăng ký kinh doanh, ngành nghề chính của VTJ là mua bán thuốc lá; mua bán nguyên phụ liệu, máy móc ngành thuốc lá, ngành in; kinh doanh vận chuyển hàng hoá, kinh doanh bất động sản, tư vấn quản lý, lập dự án đầu tư…

Năm 2019, VTJ Công ty ghi nhận 16,65 tỷ đồng doanh thu, giảm 14,8% so với năm 2018; lợi nhuận sau thuế đạt 11,2 tỷ đồng so với mức lỗ 10,13 tỷ đồng năm 2018. Nguyên nhân doanh thu giảm là bởi từ quý III/2019 Công ty ngừng hoạt động kinh doanh thuốc lá, trong khi lợi nhuận đảo chiều đột ngột nhờ một số khoản đầu tư tài chính mang lại hiệu quả cao hơn.

Cụ thể, lãi đầu tư cổ phiếu, trái phiếu mang lại doanh thu 10,23 tỷ đồng cho VTJ trong năm 2019, so với mức 2,23 tỷ đồng năm 2018; lãi tiền gửi, tiền cho vay đạt 2,15 tỷ đồng, tăng so với mức 1,87 tỷ đồng năm 2018. Tổng doanh thu hoạt động tài chính năm 2019 là 12,38 tỷ đồng, gấp 2,8 lần mức 4,4 tỷ đồng năm 2018.

Năm 2020, tính đến hết quý III, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của VTJ gồm 12 tỷ đồng đầu tư trái phiếu HTL; đầu tư tài chính dài hạn vào 4 doanh nghiệp: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ VTJ (công ty con), Công ty cổ phần Sản xuất Ứng dụng Công nghệ Cao Thái Sơn, Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Long An, Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt.

Bác cả 3 yêu cầu của nhóm cổ đông

Hội đồng quản trị VTJ cũng trình Đại hội đồng cổ đông bất thường xem xét các kiến nghị của nhóm cổ đông sở hữu 11,52% tổng số cổ phần. Theo đó, nhóm cổ đông này có 3 yêu cầu.

Thứ nhất, huỷ bỏ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 27/5/2020 và tiến hành thảo luận, thông qua lại các nội dung đã biểu quyết.

Thứ hai, đề nghị Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội thu hồi giấy phép Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ VTJ và giao Hội đồng quản trị thực hiện thành lập công ty này theo đúng Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 20/8/2019.

Thứ ba, yêu cầu Hội đồng quản trị Công ty thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người quản lý Công ty theo quy định tại Điều 60, Luật Doanh nghiệp; thực hiện trích lục, sao chép danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông cho nhóm cổ đông theo đúng quy định tại Khoản 3, Điều 137, Luật Doanh nghiệp.

Phản hồi các yêu cầu trên, Hội đồng quản trị VTJ cho biết, quyết định hủy bỏ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thuộc thẩm quyền của tòa án hoặc trọng tài theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và điều lệ Công ty, không thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Vì vậy, Hội đồng quản trị không đưa vào chương trình đại hội.

Về kiến nghị thứ hai, đây là quyền của cổ đông, nhưng Hội đồng quản trị nhận thấy việc thay đổi này không phù hợp với thực tiễn.

Cụ thể, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 20/08/2019 nêu rõ việc thành lập công ty con với địa chỉ dự kiến tại số 8, đường Hoàng Hoa Thám, Phường 7, Quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Tuy nhiên, trong quá trình điều hành và quản trị doanh nghiệp, với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động, phù hợp với định hướng chiến lược dài hạn của VTJ, Hội đồng quản trị quyết định đặt trụ sở công ty con tại Hà Nội, cùng địa chỉ trụ sở chính của Công ty mẹ để thuận tiện cho hoạt động đầu tư và kiểm soát.

Như vậy, Hội đồng quản trị đang thực hiện đúng nghĩa vụ và không vượt quá thẩm quyền được Đại hội đồng cổ đông giao phó.

Về kiến nghị thứ ba, theo Hội đồng quản trị VTJ, Công ty đang áp dụng Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13, Điều lệ mẫu của Thông tư số 95/2017/TT-BTC và Điều lệ của Công ty ban hành ngày 20/8/2019.

Do đó, cổ đông chỉ có quyền hạn và nghĩa vụ tương ứng với số cổ phần đang nắm giữ về việc xem xét, tra cứu và trích lục các thông tin liên quan của cổ đông đó trong danh sách cổ đông có quyền biểu quyết và yêu cầu sửa đổi các thông tin không chính xác.

Công ty sẽ cung cấp cho cổ đông trong trường hợp cổ đông có đầy đủ chứng từ hợp lệ xác minh số lượng cổ phần và có yêu cầu cung cấp.

Một số tổ chức đầu tư thua lỗ với thương vụ VTJ

Một trong những thương vụ khiến giới đầu tư nhớ tới mã cổ phiếu VTJ trên thị trường là việc Công ty cổ phần Invest Tây Đại Dương “lướt sóng” cổ phiếu này nhưng lỗ 855 triệu đồng sau chưa đầy 1 tháng nắm giữ.

VTJ hiện có giá 3.800 đồng/cổ phiếu, giảm 44,1% trong 1 năm qua và đang ở vùng đáy 5 năm.

Cụ thể, ngày 1/9/2020, Invest Tây Đại Dương báo cáo bán ra toàn bộ cổ phiếu VTJ nắm giữ, sau khi mua vào đúng một tháng trước đó. Theo thống kê giá vào ngày công bố giao dịch, Invest Tây Đại Dương đã mua cổ phiếu VTJ ngày 1/8/2020 với giá 4.100 đồng/cổ phiếu và bán ra với giá 3.600 đồng/cổ phiếu.

Cũng trong tháng 9, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Việt Cát thông báo không còn là cổ đông lớn của VTJ sau khi bán ra toàn bộ 1.710.000 cổ phiếu (tỷ lệ sở hữu 15%).

Cổ phiếu VTJ giao dịch trên sàn UPCoM từ cuối năm 2014 và chuyển sang niêm yết trên HNX từ tháng 4/2017. Cuối tuần qua, cổ phiếu này có giá 3.800 đồng/cổ phiếu, giảm 44,1% trong 1 năm qua và là vùng đáy 5 năm, với khối lượng giao dịch bình quân 3.800 đơn vị/phiên.

Tin bài liên quan