Nền tảng kinh tế vững chắc
Tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng 6,7% trong năm 2017 tiếp tục gia tăng lên 7,4% trong quý I/2018 và được ghi nhận trên cả ba lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
Tốc độ tăng trưởng của ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp, xây dựng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái lên lần lượt 4,1% và 9,7%, trong khi khu vực dịch vụ duy trì mức tăng trưởng cao 6,7%.
Ông Barry Weisblatt
Sản xuất đã trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ. Trong 4 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2017 tăng 6,6%). Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt 52,7 điểm trong tháng 4, tháng thứ 29 liên tiếp trên 50 điểm (mức tăng trưởng).
Phần lớn tăng trưởng sản xuất đến từ các công ty xuất khẩu. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu tăng 19% so với cùng kỳ. Xuất khẩu điện thoại di động và linh kiện tăng 36,8%, cho thấy các doanh nghiệp FDI như Samsung và LG, tiếp tục dẫn đầu trong lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, một điều rất quan trọng là đang có sự tăng trưởng xuất khẩu từ các doanh nghiệp trong nước. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước tăng 17,3% trong năm 2017 và tăng 24% trong những tháng đầu năm 2018.
Tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu đã mang lại lợi ích đáng kể cho người lao động Việt Nam. Mỗi năm, dân số đô thị của Việt Nam tăng gần 1 triệu người khi các trung tâm sản xuất như Bắc Ninh và Thái Nguyên ở miền Bắc và Bình Dương và Đồng Nai ở miền Nam phát triển mạnh. Chính điều này đã giữ tỷ lệ thất nghiệp dưới 2,5% kể từ năm 2013 và mức lương tối thiểu vùng gia tăng ổn định.
Du lịch cũng góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Khách quốc tế đến Việt Nam tăng 29% trong năm 2017 lên 12,9 triệu lượt và xu hướng tăng cao tiếp tục diễn ra trong 4 tháng đầu năm 2018, đạt mức tăng 29,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ việc áp dụng visa điện tử và chính sách nới lỏng visa cho một số quốc gia châu Âu, phát triển các khu nghỉ dưỡng mới, cải thiện các hoạt động du lịch và được hỗ trợ bởi sự phát triển các dự án cơ sở hạ tầng như sân bay, đường cao tốc. Cũng giống như ngành sản xuất, tăng trưởng về du lịch đã có tác động tạo việc làm và tăng lương.
Tác động của việc tạo việc làm và tăng lương có thể thấy rõ trong số liệu tiêu thụ của Việt Nam. Người tiêu dùng Việt Nam tự tin và chi tiêu. Doanh thu bán lẻ liên tục tăng trưởng trên 10%. Ngay cả khi loại trừ yếu tố giá, tăng trưởng doanh thu bán lẻ 4 tháng đầu năm 2018 vẫn đạt 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số niềm tin tiêu dùng của Việt Nam đạt mức cao ấn tượng 115 điểm trong quý IV/2017, một trong những mức cao nhất trên toàn cầu.
Hơn nữa, GDP bình quân đầu người đạt 2.500 USD và cao hơn nhiều ở các thành phố lớn. Ở cấp độ này, ngày càng nhiều người Việt Nam có đủ thu nhập để mua sắm tại các cửa hàng bán lẻ hiện đại. Họ có đủ tài sản để mở tài khoản ngân hàng, sử dụng thẻ tín dụng và ra ở riêng.
Những kết quả ấn tượng này sẽ không khả thi nếu Chính phủ không tập trung ổn định kinh tế, đặc biệt là giữ vững lạm phát thấp và tiền tệ ổn định. Mức lạm phát cao cản trở sự phát triển của đất nước như năm 2011 đã không còn.
Trong năm 2017, Việt Nam ghi nhận lạm phát ở mức 2,6% do giá nhóm lương thực, thực phẩm (nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ CPI) giảm. Năm 2018, mặc dù chi phí nhiên liệu cao hơn, chúng tôi vẫn kỳ vọng Việt Nam có thể kiềm chế lạm phát dưới 4%.
Việt Nam cũng đã giữ tiền đồng ổn định. VND là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực năm 2017. Mặc dù tiền tệ của nhiều thị trường mới nổi như Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan… đang tăng so với USD, nhưng VND chỉ giảm 0,15% từ đầu năm đến nay. Ngân hàng Nhà nước thậm chí đã đưa dự trữ ngoại hối lên 64 tỷ USD. Nếu không có lạm phát thấp và đồng tiền ổn định, người tiêu dùng sẽ không lạc quan và tăng trưởng sẽ trì trệ.
Môi trường kinh tế - sản xuất cho xuất khẩu tạo ra việc làm và tăng lương, dẫn đến gia tăng sức tiêu thụ và cải thiện niềm tin tiêu dùng trong bối cảnh lạm phát thấp và đồng tiền ổn định - điều này không có gì đáng ngạc nhiên.
Nhiều ngành có triển vọng lợi nhuận cao
Chúng tôi hiện duy trì nghiên cứu đầy đủ trong phạm vi 46 công ty blue-chip với tổng vốn hóa thị trường khoảng 100 tỷ USD, trong đó có 23 công ty trong chỉ số VN30. Tổng hợp các công ty cho ra báo cáo tăng trưởng thu nhập 19% trong năm 2017. VCSC dự báo, các doanh nghiệp này sẽ đạt được mức tăng trưởng thu nhập 24% trong năm 2018 và 21% vào năm 2019.
Mặc dù không phải mọi công ty đều hoạt động tốt, nhưng chúng tôi thấy sự tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực. Các nhà sản xuất, chủ đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng, nhà bán lẻ, công ty vận tải đều đang hoạt động trong một môi trường thuận lợi hỗ trợ tăng trưởng thu nhập. Một số ngành có triển vọng thu nhập tốt nhất trong năm nay là ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản.
VCSC đang thực hiện đánh giá lại dự báo năm 2018 cho các cổ phiếu ngành ngân hàng mà Công ty theo dõi. Chúng tôi cho rằng, năm 2018 sẽ là một năm tươi sáng cho lợi nhuận các ngân hàng trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng nhiều khả năng sẽ tương đồng với năm 2017, không còn áp lực lên NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên), thu nhập phí ròng tiếp tục gia tăng, điều kiện thị trường thuận lợi để ghi nhận các khoản lãi trái phiếu nắm giữ và mối quan tâm ngày càng gia tăng của nhà đầu tư nước ngoài trong ngành này sẽ mở đường cho khả năng phát hành cổ phiếu sơ cấp.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng tính từ đầu năm 2018 đến hết tháng 4/2018 đạt 5%, tương ứng với con số năm 2017. Cho vay bán lẻ (cho vay thế chấp) tiếp tục là điểm sáng của năm 2018. Tăng tưởng của cho vay bán lẻ trong phần lớn các ngân hàng cao hơn mức sinh lời từ nắm giữ trái phiếu chính phủ, do đó, hỗ trợ cho NIM trong danh mục các ngân hàng chúng tôi đang theo dõi.
Thu nhập phí được dẫn dắt bởi nhiều yếu tố, nhưng gia tăng phí bán lẻ và hoa hồng bán hàng từ mảng bancassurance (ngân hàng kết hợp bảo hiểm) là điểm bổi bật. Trong quý I/2018, thu nhập phí ròng tăng 27,4% so với cùng kỳ (YoY) theo cơ sở có trọng số trong các ngân hàng chúng tôi theo dõi.
Lợi suất trái phiếu chính phủ vẫn đang ở mức thấp kỷ lục trong đường cong lợi suất và dự báo các ngân hàng sẽ tiếp tục bán ra trái phiếu nhằm chốt lời hoặc thực hiện đánh giá lại nhằm ghi nhận lợi nhuận.
Trong quý I/2018, thu nhập từ giao dịch chứng khoán tăng 186% (YoY) theo tỷ trọng trung bình có trọng số trong danh mục các ngân hàng chúng tôi theo dõi.
Phát hành cổ phiếu sơ cấp sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận các ngân hàng, trong khi giúp loại bỏ các rào cản để tăng trưởng cho vay. Các đợt phát hành tăng vốn vừa qua trong ngành ngân hàng bao gồm 220 triệu USD được huy động bởi VPBank (phát hành sơ cấp), 300 triệu USD huy động bởi HD Bank và 922 triệu USD huy động bởi Techcombank. Ngoài ra, khoản đầu tư 370 triệu USD vào ngành ngân hàng của Warburg Pincus cũng sẽ tạo ra động lực cho ngành năm 2018.
Đối với ngành bảo hiểm, yếu tố dẫn dắt tăng trưởng cốt lõi của ngành bảo hiểm Việt Nam vẫn duy trì sức hấp dẫn với các định chế tài chính, đến từ tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ hiện chỉ đạt 1,3% GDP, dư địa tăng trưởng còn rất lớn, nhất là khi khả năng tài chính của nền kinh tế đang gia tăng. Trong 3 năm qua, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ khai thác mới tăng trưởng ít nhất 30%/năm.
Một trong những doanh nghiệp bảo hiểm đáng quan tâm là Tập đoàn Bảo Việt (BVH). VCSC dự báo, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trong giai đoạn 2017 - 2020 của BVH là 30% nhờ vào việc duy trì khả năng cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.
Trong năm 2017, chúng tôi đã chứng kiến một số lượng lớn các thỏa thuận bancassurance độc quyền được công bố bởi các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài, nhưng các công ty này vẫn có vị thế thấp hơn tại Việt Nam.
Số liệu về thị phần phí bảo hiểm khai thác mới trong 2 tháng đầu năm 2018 cho thấy, BVH duy trì được mức thị phần cuối năm 2017, trong khi công ty xếp thứ hai vào cuối năm 2017 là Prudential đã giảm xuống vị trí thứ tư. Hệ thống đại lý hiệu quả hơn và hệ thống các điểm giao dịch của BVH rộng khắp cả nước vẫn là lợi thế lớn của BVH so với các đối thủ cạnh tranh trong mảng bảo hiểm nhân thọ.
Trong mảng bảo hiểm phi nhân thọ, chúng tôi dự báo, doanh thu phí bảo hiểm của BVH sẽ tăng 15,2%/năm trong giai đoạn 2017 - 2020, đây là dự báo thận trọng khi mảng này của BVH năm 2017 tăng trưởng 22,5%. BVH có lợi thế đặc biệt trong mảng bảo hiểm phi nhân thọ khi các đại lý bảo hiểm nhân thọ có thể bán cả sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ. Chúng tôi dự báo, lợi nhuận sau thuế năm 2018 sau khi trừ lợi ích cổ đông thiểu số của BVH sẽ tăng 29,5%.
Đối với ngành bất động sản, các công ty đầu tư phát triển bất động sản có giá trị vốn hóa lớn nhất đều kỳ vọng kết quả kinh doanh ổn định trong năm 2018 với mức tăng trưởng hai con số, nhờ gia tăng lượng nhà bàn giao và thu nhập bất thường từ chuyển nhượng quỹ đất.
Tận dụng giai đoạn phục hồi của thị trường bất động sản 2014 - 2017, tỷ lệ bán hàng đã nhanh chóng đạt gần 100% trong nhiều dự án, dẫn đến lượng backlog (hợp đồng đã ký và chưa thực hiện) tích cực và hỗ trợ cho kế hoạch bàn giao trong năm nay.
Trong khi đó, các quỹ đất được mua trong chu kỳ đi xuống trước đây của thị trường với chi phí thấp nhiều khả năng sẽ mang lại lợi nhuận cho các công ty bất động sản, khi giá đất hiện tăng phổ biến từ 50 - 150% so với năm 2016, một phần là nhờ cơ sở hạ tầng được cải thiện.
Trong quý I/2018, kết quả lợi nhuận có sự phân hóa lớn trong danh mục các công ty bất động sản mà chúng tôi theo dõi. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh và Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long báo cáo kết quả kinh doanh tích cực với mức tăng lợi nhuận lần lượt là 110% (YoY) và 50% (YoY), trong khi Tập đoàn Vingroup (tăng 3% YoY), Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc NoVa (giảm 69% YoY), Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh Nhà Khang Điền (giảm 4% YoY) đều có sự khởi đầu chậm trong quý đầu năm.
Tuy nhiên, sự chững lại là không quá lo ngại khi có vẻ như diễn biến này đến từ việc trì hoãn thời gian ghi nhận doanh thu, một điều thường thấy trong ngành bất động sản. Chúng tôi kỳ vọng, kế hoạch bàn giao nhà và bán quỹ đất sẽ gia tăng lợi nhuận cho các công ty bất động sản trong các quý tiếp theo của năm 2018.