Savacap đã có những thông tin quảng bá về SVF1 trên website, nhưng đến thời điểm này, Công ty vẫn chưa nộp hồ sơ thành lập SVF1 lên UBCK

Savacap đã có những thông tin quảng bá về SVF1 trên website, nhưng đến thời điểm này, Công ty vẫn chưa nộp hồ sơ thành lập SVF1 lên UBCK

Vì đâu công ty đầu tư chứng khoán chưa thể ra đời?

(ĐTCK) Cũng giống quỹ đầu tư bất động sản, mặc dù quy định pháp lý cho sự ra đời của công ty đầu tư chứng khoán đã được Bộ Tài chính ban hành cách đây 3 năm, nhưng đến nay, trên thị trường vẫn chưa xuất hiện loại hình công ty này vì nhiều lý do.

“NĐT ít quan tâm…”

Đó là chia sẻ của ông Dương Thế Quang, Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ Sao Vàng (Savacap), đơn vị đang có ý định lập công ty đầu tư chứng khoán, mặc dù Savacap đã cố gắng tiếp cận NĐT thông qua nhiều kênh, đặc biệt là chuỗi hội thảo được tổ chức năm ngoái tại 4 thành phố lớn: Vũng Tàu, Vinh, Hà Nội và TP. HCM, để giới thiệu về cơ hội đầu tư vào Công ty Đầu tư chứng khoán riêng lẻ Sao Vàng (SVF1).

Vì lý do trên mà từ chỗ có tham vọng cho ra mắt công ty đầu tư chứng khoán đầu tiên trong quý I/2015, đến nay, ngay cả việc nộp hồ sơ xin thành lập SVF1 lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Savacap cũng chưa thể hoàn tất.

Savacap tham vọng SVF1 sẽ có quy mô vốn ban đầu khoảng 100 tỷ đồng. Việc thành lập SVF1 chủ yếu để đầu tư mua cổ phần và phần vốn góp của các DNNN dự định thoái vốn trong năm 2015.

“Cùng với cố gắng tăng cường tiếp cận NĐT tiềm năng, để có thể huy động được vốn cho thành lập SVF1, Savacap đang nỗ lực hoàn chỉnh hồ sơ, để có thể nộp lên UBCK trong quý II này”, ông Quang cho biết.

Tuy hồ sơ thành lập SVF1 vẫn chưa được Savacap nộp lên UBCK, nhưng theo ghi nhận của ĐTCK, trong thời gian gần đây (tính đến ngày 3/4/2015), tại vị trí trang chủ trên website của CTCP Tư vấn Đầu tư Sao Vàng (www.saovanggroup.com), đơn vị tham gia góp vốn mua lại Công ty Quản lý quỹ Nhân Việt để đổi tên thành Savacap, đã có những thông tin quảng bá về SVF1 - cơ hội đầu tư DNNN thoái vốn. Câu hỏi đặt ra là, Savacap có vi phạm quy định về hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm SVF1, khi chưa được UBCK cấp phép? Không trả lời thẳng vào câu hỏi này, ông Quang cho biết, Công ty chỉ giới thiệu tạm thời như vậy để NĐT biết. Những ai quan tâm, thì sẽ liên hệ với Công ty để được giải thích cụ thể về sản phẩm sắp được ra mắt… 

NĐT “lạnh nhạt”, do đâu?

Ngoài lý do thành tích hoạt động kém cỏi của các quỹ mở, quỹ hoán đổi danh mục (ETF), câu hỏi mà ĐTCK đặt ra cho ông Quang và lãnh đạo một số công ty quản lý quỹ: Đâu là nguyên nhân khiến NĐT chẳng mấy quan tâm đến công ty đầu tư chứng khoán, cũng như các sản phẩm khác của ngành quản lý quỹ?

Câu trả lời gặp nhau ở một số điểm chính, đó là hiện NĐT có thói quen tự mình đầu tư hơn là ủy thác cho các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp. Điều này có liên quan đến trình độ phát triển của TTCK Việt Nam. Đó là hiện thị trường vẫn còn trong giai đoạn phát triển, với các phương thức và sản phẩm giao dịch đơn giản (đa phần là mua bán cổ phiếu).

Số lượng các mã cổ phiếu chưa phải là quá nhiều đến mức khiến NĐT cá nhân mất nhiều thời gian, cũng như gặp khó khăn trong chọn lựa được cơ hội đầu tư. Bởi vậy, trong ít nhất 3 - 4 năm tới, khi mà TTCK chưa đạt đến trình độ phát triển phức tạp, với nhiều sản phẩm phái sinh, hay các sản phẩm đầu tư khác, thì các quỹ đầu tư sẽ vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong hút tiền của NĐT cá nhân để thành lập quỹ.

Đó là với NĐT trong nước. Với NĐT ngoại, ngoài đối mặt với các rủi ro về biến động tỷ giá, bất ổn vĩ mô, các rào cản về room sở hữu cổ phần đối với NĐT nước ngoài, cũng khiến họ e ngại rót vốn vào các quỹ đầu tư do công ty quản lý quỹ Việt Nam đứng ra thành lập.

Bên cạnh đó, cũng còn một lý do khiến NĐT “lạnh nhạt” với các sản phẩm của ngành quỹ Việt Nam, chứ không riêng với công ty đầu tư chứng khoán. Để khuyến khích các sản phẩm mới phát triển trong thời gian ban đầu, kinh nghiệm từ nhiều thị trường trên thế giới cho thấy, thường nhà quản lý sẽ áp dụng các chính sách khuyến khích, ưu đãi về thuế, phí giao dịch cho NĐT khi giao dịch các sản phẩm mới này. Tuy nhiên, điều này không được áp dụng tại Việt Nam, nên khiến các công ty quản lý quỹ gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn để lập quỹ, cũng như duy trì quỹ.

Trong bối cảnh không mấy lạc quan như vậy, chính những người đang nỗ lực lập công ty đầu tư chứng khoán đầu tiên, cũng không thể đưa ra câu trả lời chính xác thời điểm nào sản phẩm này sẽ được ra mắt thị trường.   

Tin bài liên quan