“Khi nói về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng, chỗ nào lượm được cái gì thì người ta cố lượm. Nghe vậy có đau xót không?”, ông Trương Minh Hoàng, Đại biểu Quốc hội Cà Mau đặt vấn đề.
“Thu hồi đất vàng nếu định giá đất sai”
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhiều lần đặt câu hỏi: Có hay không nhóm lợi ích đang đứng sau để tư hữu tài sản Nhà nước với giá rẻ mạt, mà bình thường nếu mua theo giá thị trường họ phải trả giá cao hơn rất nhiều?
Chung nhận định này, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV diễn ra mới đây, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) phát biểu: Thật khó có thể trả lời rằng không có sự thao túng của nhóm lợi ích khi mà ở đâu đó có hiện tượng thâu tóm cổ phần, biến tài sản công thành tài sản tư.
Nhìn vào trường hợp của VFS, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Bộ Tài chính nói rằng, không khó để chứng minh có sai phạm trong định giá đất.
Theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần và Nghị định 01/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai, khi tiến hành cổ phần hóa, doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước.
Phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa là thành phần hồ sơ khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa và được thực hiện công khai theo quy định của pháp luật.
Phương án sử dụng đất được công khai như thế nào? Ông Tiến cho biết, các nghị định trên đã quy định rõ, cơ quan có trách nhiệm xác định giá đất cụ thể để tính giá trị quyền sử dụng đất, tính giá thuê đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đăng công khai giá đất đã xác định trên trang thông tin điện tử của ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Tài chính ít nhất 15 ngày trước khi trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. VFS đã thực hiện thủ tục này chưa? Đó là vấn đề phải làm rõ.
Trong tình huống phát hiện sai phạm, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, UBND TP. Hà Nội kiến nghị, cần thu hồi các khu “đất vàng”, tạo cho doanh nghiệp cơ hội có khu đất mới để xây dựng xưởng phim theo đúng phương án cổ phần hóa mà họ cam kết. Khu đất thu hồi trên phố Thụy Khê có thể đem đấu giá thu tiền về cho Nhà nước một cách minh bạch hoặc sử dụng phục vụ các công trình vì lợi ích chung của người dân Thủ đô.
Mạnh tay chặt “vòi bạch tuộc”
Hai vấn đề có mối liên quan mật thiết được giới chuyên gia cho rằng Chính phủ và các cơ quan quản lý cần sớm xử lý trước khi tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn tới đây.
Trước hết là việc định giá doanh nghiệp. Hiện phương pháp định giá theo tài sản được áp dụng phổ biến trong cổ phần hóa doanh nghiệp ở Việt Nam, nhưng thế giới đã áp dụng tới bốn, năm phương thức hiện đại khác. Nhìn vào chứng thư thẩm định giá Công ty Truyền hình An Viên (AVG) trong thương vụ mua lại của MobiFone có thể thấy khoảng cách lớn giữa các phương pháp. Trong đó, theo phương pháp định giá tài sản, AVG chỉ có giá trị trên 1.500 tỷ đồng, nhưng theo phương pháp chiết khấu dòng tiền thì vọt lên tới trên 30.000 tỷ đồng.
“Đảm bảo vai trò độc lập của đơn vị xác định giá trị doanh nghiệp, đồng thời gắn thương hiệu, trách nhiệm của họ trong công tác định giá, làm được điều đó, tài sản nhà nước mới có cơ hội được định giá chuẩn”, ông Trương Minh Hoàng kiến nghị.
Trong Nghị định 126/2017/NĐ-CP thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP được Thủ tướng Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, có nhiều nội dung “làm mới” việc xác định giá trị doanh nghiệp đáng chú ý.
Đó là trước khi cổ phần hóa, doanh nghiệp phải lập kế hoạch sử dụng đất để làm cơ sở xác định giá trị doanh nghiệp, đất chuyển đổi mục đích sang làm bất động sản phải được định giá, cộng vào giá trị doanh nghiệp; có công thức bao quát hơn để tính toán giá trị thương hiệu, giá trị tiềm năng phát triển của doanh nghiệp...
Đồng thời, Nghị định cũng yêu cầu gắn trách nhiệm của tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp khi quy định những tổ chức này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả xác định giá trị doanh nghiệp; phải bồi thường thiệt hại nếu có vi phạm.
Một vấn đề quan trọng khác là chấn chỉnh việc chọn sai nhà đầu tư chiến lược bắt nguồn từ định giá thấp tài sản Nhà nước, tạo kẽ hở cho thâu tóm doanh nghiệp giá rẻ. Trong Nghị định 126, bộ lọc nhà đầu tư chiến lược của doanh nghiệp cổ phần hóa được bổ sung thêm nhiều quy định chặt chẽ như nhà đầu tư phải có cam kết hỗ trợ ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp, phải bồi thường và có thể bị thu hồi toàn bộ số cổ phần đã mua khi vi phạm cam kết…
Ông Trần Hoàng Ngân, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, làm tốt hai vấn đề trên, không những ngân sách nhà nước sẽ có thêm nguồn lực, mà môi trường kinh doanh cũng lành mạnh hơn rất nhiều.
Lâu nay, việc định giá thấp doanh nghiệp cổ phần hóa và chọn sai cổ đông chiến lược đã tạo ra bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh, khi không ít doanh nghiệp kiếm bộn tiền từ chênh lệch địa tô, không còn động lực để xâm nhập vào những lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn đặc thù và quản trị chặt chẽ, minh bạch.
Điều này gây ra hệ lụy rất lớn cho nền kinh tế khi một mặt ngân sách nhà nước thất thu do tài sản bị bán rẻ, một mặt việc phân chia, tái cơ cấu lại các nguồn lực nhà nước thất bại, không tạo ra các động lực tăng trưởng mới từ các doanh nghiệp hoạt động tốt sau cổ phần hóa.
Theo kế hoạch, 2017 - 2020 là giai đoạn cao điểm cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước với mục tiêu huy động ít nhất 250.000 tỷ đồng. Ông Ngân cho rằng, chừng nào không mạnh tay xử lý thí điểm một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng về cổ phần hóa, vốn Nhà nước còn có nguy cơ bị trục lợi dài dài. Bởi thực tế nhiều nhức nhối trên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã phải triển khai một chuyên đề giám sát về cổ phần hóa và sử dụng tài sản nhà nước.