Theo VHC, trong tháng 6, hầu hết cá nguyên liệu đều đã đến giai đoạn trưởng thành, kích thước không phù hợp với nhu cầu của các đơn vị nhập khẩu, dẫn đến sản lượng sụt giảm. Theo đó, Công ty đã thực hiện rà soát và điều chỉnh kế hoạch thu hoạch để đáp ứng tốt hơn kế hoạch sản xuất.
Trong 6 tháng đầu năm, cá tra phi lê chiếm khoảng 88% giá trị xuất khẩu theo sản phẩm của VHC. Trong khi đó, mảng collagen và gelatin ghi nhận tăng trưởng mạnh hơn 134% so với cùng kỳ, đạt hơn 4,5 triệu USD, qua đó tăng tỷ trọng đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu toàn công ty lên 3%, so với mức 1% của cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của VHC, chiếm hơn 64% tổng giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018, tiếp đến là Trung Quốc với tỷ trọng chiếm 12%, khối thị trường Liên minh châu Âu (EU) chiếm 11% giá trị xuất khẩu của VHC, còn lại đến từ các thị trường Nhật, Úc, Canada…
Được biết, từ ngày 1/7, Trung Quốc đã áp dụng chính sách giảm thuế nhập khẩu cá tra phi lê từ các quốc gia ưu tiên nằm trong WTO (trong đó có Việt Nam) từ mức 10% xuống 7%. Còn tại Mỹ, VHC được hưởng lợi thế không phải chịu thuế chống bán phá giá sau kỳ xem xét POR13 vừa qua.
Theo số liệu của Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 797 triệu USD trong 5 tháng đầu năm, trong đó Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất, chiếm hơn 23% giá trị xuất khẩu toàn ngành, tiếp đến là Mỹ chiếm 18%, khu vực Đông Nam Á chiếm 10%, EU chiếm 9%,… Cũng theo Vasep, ước trong 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu cá tra đạt gần 1 tỷ USD.