Theo đó, năm 2015, với kỳ vọng thị trường tốt hơn nhưng không ngoại trừ các sự kiện xấu như trong năm 2014, VFMVF1 tiếp tục tuân theo chiến lược đầu tư của quỹ, phân bổ khoảng 70 - 90% giá trị tài sản ròng (NAV) vào chứng khoán vốn, phạm vi này rộng hơn mức 80 - 90% của năm ngoái. Khoảng dao động 20% tạo sự linh hoạt cho VFMVF1 trong điều kiện thị trường có biến động.
Theo đại diện quản lý quỹ, các vấn đề toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam và thị trường cổ phiếu trong xu hướng của dòng chảy vốn quốc tế, tuy nhiên, sự phục hồi nhanh hơn của kinh tế trong nước có thể giúp thị trường vượt qua những bất ổn này. Nhóm 50 công ty niêm yết lớn nhất, chiếm khoảng 85% giá trị thị trường, được mong đợi sẽ mang lại tăng trưởng lợi nhuận 11% hay 8% tăng trưởng thu nhập mỗi cổ phiếu (EPS) trong 2015. Do đó, VFMVF1 vẫn tập trung vào cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt. Ngoài cổ phiếu vốn hóa lớn, Quỹ sẽ chuyển một phần đầu tư vào cổ phiếu vốn hóa vừa nhưng vẫn đảm bảo thanh khoản. Về ngành, Quỹ sẽ tìm kiếm cơ hội từ những công ty hưởng lợi từ giá nhiên liệu (dầu, khí đốt) đầu vào thấp, các công ty thuộc nhóm hàng tiêu dùng, sản xuất, nguyên liệu, bán lẻ.
Kết thúc năm 2014, VFMVF1 lãi ròng 110 tỷ đồng. Trong đó, lãi từ hoạt động đầu tư 127 tỷ đồng, thấp hơn 68% so với năm 2013 do tăng trưởng năm 2014 thấp hơn (9,0% so với 25,3%) và quy mô của quỹ giảm đi do hoạt động rút vốn của nhà đầu tư với lượng chứng chỉ quỹ giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại thời điểm cuối năm 2014, trong danh mục VFMVF1 có 29 cổ phiếu, tăng 13 cổ phiếu so với thời điểm cuối năm 2013, thuộc 12 nhóm ngành cơ bản (theo phân loại GICS), tăng thêm 3 ngành so với năm trước là bất động sản (VIC, KBC, DXG), vận tải (CII) và dệt may (TCM).