Những ngày đầu…
Ông Trần Thanh Tân có bằng Thạc sĩ quản trị của Trường Université Libre de Bruxelles (Bỉ). Ngày đầu khởi nghiệp, năm 1991, ông làm việc tại Công ty Peregrine Capital Vietnam, một công ty tài chính của Hồng Kông rất thành công trong việc quản lý quỹ đầu tư trên thế giới, đặc biệt là tại châu Á.
Peregrine Capital cùng một số tổ chức quốc tế khác như WB, IFC… là những đơn vị tư vấn, hỗ trợ đầu tiên cho Việt Nam trong việc xây dựng mô hình và thành lập TTCK.
Nhiệm vụ của ông Tân lúc bấy giờ như một điều phối viên (coordinator), tổ chức các buổi học, đào tạo về chứng khoán do các chuyên gia nước ngoài giảng dạy. Đồng thời, ông Tân cùng một số anh em trong Công ty tổng hợp, biên dịch những thuật ngữ, khái niệm về TTCK. Ông Tân kể lại, thời đó, tất cả mọi thứ đều mới, đều phải mò mẫm, sau này dần dần điều chỉnh lại cho chuẩn hơn.
Đến năm 1994, ông Tân cùng một nhóm anh em, trong đó có ông Dominic Scriven tách ra thành lập Công ty Quản lỹ quỹ đầu tư Dragon Capital với số vốn ban đầu khoảng 20 triệu USD. Quỹ đầu tiên do Dragon Capital quản lý là VEIL, quản lý 16 - 17 triệu USD. Lúc này, vai trò của ông Tân tại Dragon Capital là phụ trách mảng cổ phần hoá.
Ông giữ chức vụ Giám đốc phụ trách đầu tư từ năm 1994 đến năm 2003. Song song đó, Công ty Dragon Capital cũng như cá nhân ông Tân tiếp tục đóng góp với khả năng có thể cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong những công việc liên quan để chuẩn bị thành lập Trung tâm GDCK đầu tiên của Việt Nam tại TP. HCM.
Trên thực tế, chương trình cổ phần hoá là bước chuẩn bị để tạo cơ sở hàng hoá trong tương lai cho TTCK Việt Nam. Ông Tân nằm trong nhóm tư vấn chương trình cổ phần hóa cho các DNNN, thực hiện tư vấn cổ phần hóa cho hơn 20 doanh nghiệp, trong đó có 5 công ty thí điểm đầu tiên gồm REE, GMD, LAF, Vifooco và Xí nghiệp Giày Hiệp An.
Sau đợt thí điểm, chương trình cổ phần hóa DNNN được thúc đẩy mạnh hơn, nhưng các quỹ đầu tư vào Việt Nam không có nhiều việc để làm, vì luật chưa cho phép người nước ngoài mua cổ phần.
Năm 1997, khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra, khiến toàn bộ các quỹ đầu tư nước ngoài đều rút vốn khỏi Việt Nam, ngoại trừ Dragon Capital với tư cách là doanh nghiệp đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII).
Ông Tân chia sẻ, lý do rất đơn giản, Dragon Capital thành lập với mục tiêu duy nhất là huy động vốn nước ngoài để đầu tư vào thị trường Việt Nam, nên nếu rút như các quỹ khác thì rút đi đâu? Công ty xác định, thăng trầm của TTCK Việt Nam cũng sẽ là thăng trầm của Dragon Capital.
Ngày 9/7/2014, VFM ra mắt Quỹ ETF VFMVN30 - quỹ hoán đổi danh mục đầu tiên tại Việt Nam
Chặng đường trở thành công ty quản lý quỹ hàng đầu
Sau khủng hoảng, Dragon Capital bước vào chặng đường phát triển tốt hơn, vốn rót vào Quỹ VEIL nhiều hơn và Công ty bắt đầu tham gia các thương vụ cổ phần hoá và đầu tư vào doanh nghiệp niêm yết khi TTCK Việt Nam được thành lập vào năm 2000.
Đến năm 2003, Dragon Capital cùng đối tác là Sacombank thành lập Công ty liên doanh Quản lý quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM). Ngày 15/7/2003, công ty quản lý quỹ đầu tiên tại Việt Nam ra đời (đến tháng 1/2009 chuyển đổi từ công ty liên doanh sang công ty cổ phần) và ông Tân là người nhận chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ đầu tiên.
Quỹ đầu tiên do VFM quản lý là VF1, có số vốn ban đầu 300 tỷ đồng, quỹ này tăng vốn vài lần sau đó, hiện đạt 1.000 tỷ đồng. Nắm bắt được thị hiếu của NĐT, VF1 ban đầu là quỹ đầu tư mạo hiểm, dù có cơ cấu đầu tư khá an toàn.
Nhớ lại thời điểm huy động vốn, ông Tân kể lại, cả Công ty từ giám đốc đến nhân viên lái xe cùng thực hiện vận động, chứ không chỉ riêng bộ phận huy động vốn như bây giờ. Bên cạnh đó, VFM tổ chức nhiều buổi giới thiệu, hội thảo, hội nghị để truyền bá kiến thức đến công chúng đầu tư. Mỗi lần tổ chức như vậy, VFM đón nhận cả ngàn người đến tham dự và cao điểm có tới 15.000 NĐT bỏ vốn vào VF1.
Quỹ thứ hai do VFM quản lý là Quỹ hạ tầng VF2, trong bối cảnh các NĐT quan tâm nhiều tới phát triển hạ tầng. Sau đó, thị trường quan tâm tới việc hình thành quỹ hưu trí và nghiên cứu của VFM cho thấy, Bắc Mỹ và châu Âu chưa có chính phủ nào quản lý hiệu quả quỹ hưu trí và có xu hướng chuyển qua cho các công ty quản lý quỹ quản lý. Tuy nhiên, do pháp lý chưa hoàn thiện nên kế hoạch cho ra đời Quỹ VF3 là quỹ hưu trí bổ sung của VFM chưa thực hiện được.
Khi NĐT hiểu biết hơn về TTCK, nhu cầu đầu tư phong phú hơn, trong đó xuất hiện xu hướng đầu tư cổ phiếu blue-chips, đã dẫn đến sự ra đời của Quỹ đầu tư hàng đầu Việt Nam VF4. Cứ như thế, nương theo xu hướng thị trường, VFM xây dựng phương thức đầu tư cho từng quỹ, phù hợp với nhu cầu của đa dạng NĐT.
Tuy nhiên, mô hình quỹ đóng và hiệu quả hoạt động không như kỳ vọng khiến NĐT không hài lòng. Trước thực tế này, VFM đã chuyển tất cả quỹ đóng sang quỹ mở để NĐT có thể rút vốn. Thời gian đầu, khá nhiều NĐT tiến hành rút vốn, nhưng sau đó giảm dần và đến nay có sự đầu tư trở lại vào quỹ. Theo ông Tân, động thái rút vốn buộc công ty quản lý quỹ phải có trách nhiệm nhiều hơn, năng động hơn, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn mới có thể giữ được NĐT.
Từ ngày 1/9/2013, các quy định pháp lý cho phép thành lập quỹ hoán đổi danh mục (ETF). Trong năm 2014 vừa qua, Quỹ hoán đổi danh mục ETF VFMVN30 mô phỏng gần nhất biến động của chỉ số tham chiếu VN30 chính thức được VFM thành lập. Đây là quỹ ETF đầu tiên tại Việt Nam.
Ông Tân chia sẻ: “Tôi cảm thấy tự hào khi VFM gắn liền với lịch sử của TTCK Việt Nam. Tôi không nghĩ rằng, VFM sẽ trở thành một công ty thương mại hay kinh doanh bất động sản. VFM chỉ có thể là công ty quản lý quỹ và luôn phải năng động trong từng khoảnh khắc, từng giai đoạn thăng trầm của thị trường để hoạt động tốt nhất, hiệu quả nhất có thể”.
Vai trò của công ty quản lý quỹ được khẳng định
Đối với các TTCK phát triển, cứ 10 đồng vận hành trong thị trường thì có khoảng phân nửa là do các công ty quản lý quỹ quản lý, định vị rất rõ vai trò của quỹ đầu tư và công ty quản lý quỹ. Tại Việt Nam, 15 năm qua là thời kỳ quá độ để khẳng định vai trò của NĐT chuyên nghiệp nói chung và công ty quản lý quỹ nói riêng.
Ông Tân nhận định, trong vòng 5 năm tới, bất kỳ công ty quản lý quỹ nào không tự xây dựng cho mình một đội ngũ chuẩn mực, một hệ thống tốt, từ con người, cơ sở hạ tầng, hệ thống kiểm soát nội bộ thì chắc chắn trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt sẽ bị tụt hậu và không thể đứng vững.
Xu hướng này đã diễn ra đối với khối CTCK, hơn 100 công ty được thành lập vào thời điểm hưng thịnh của thị trường, nhưng đến nay chỉ còn hơn 80 công ty và đang tiếp tục xu hướng rút gọn thông qua hoạt động sáp nhập.
Đối với những CTCK trong Top 5, thành quả của họ là cả quá trình đầu tư, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống khách hàng, nhân viên và quan trọng nhất là hệ thống quản trị rủi ro. Công ty quản lý quỹ cũng phải xây dựng được hệ thống tương tự như vậy, thậm chí phải tốt hơn.
Hiện hệ thống quản lý rủi ro của VFM đang được xây dựng cao hơn những chuẩn mực mà UBCK yêu cầu, bởi VFM sử dụng hệ thống rủi ro từ Dragon Capital nên hệ thống này bao gồm luôn cả quản lý rủi ro trong đầu tư.
VFM xây dựng sẵn hệ thống này cũng là để chuẩn bị cho sự ra đời của các sản phẩm liên quan đến TTCK phái sinh - thị trường đặt vấn đề quản lý rủi ro đầu tư lên hàng đầu. Bên cạnh đó, VFM xây dựng được đội ngũ nhân viên giỏi, chuyên nghiệp, nhất là đội ngũ đầu tư. Trong lịch sử hoạt động, đội ngũ nhân sự của VFM có những biến động theo những thăng trầm của thị trường, nhưng đội ngũ chủ chốt vẫn luôn được duy trì ổn định.
Đối với định hướng hoạt động trong tương lai của VFM, ông Tân cho biết, có thể Công ty sẽ xây dựng các quỹ ETF liên quan đến ngành, các sản phẩm phái sinh, đồng thời tiếp tục hướng đến quỹ hưu trí. Trong điều kiện có đầy đủ cơ sở pháp lý, cơ sở thương mại thì có thể VFM sẽ thành lập quỹ ETF về vàng.
15 năm đồng hành cùng TTCK, vui có, buồn có, nhưng theo ông Tân, không riêng gì cá nhân ông, mà tất cả những người quản lý, người tham gia thị trường thì niềm vui vẫn ít hơn những trăn trở. Lúc thị trường tăng điểm, giúp quỹ gia tăng giá trị tài sản ròng, thì niềm vui cũng chỉ là khoảnh khắc qua nhanh. Khi thị trường suy giảm, các quỹ của VFM mất hàng tỷ đồng, thì đó là nỗi đau day dứt.
“Thế nhưng, tôi vẫn làm, tôi đã quen với việc hàng ngày sống cùng nhịp đập thị trường. Nếu một ngày nào đó tách tôi ra khỏi thị trường thì tôi sẽ lạc lối ngay”, ông Tân nói.
Theo ông Tân, mặt chưa được của các sản phẩm quỹ nói chung và VFM nói riêng là chưa tạo được niềm tin đủ lớn để NĐT gửi gắm đồng vốn của họ một cách mạnh mẽ, nhưng tất yếu, ngành quản lý quỹ cũng như tất cả các ngành khác sẽ sớm đi đến chuyên môn hoá. Khi thị trường đủ lớn, phát triển đủ mạnh, cơ sở pháp lý đầy đủ, thì vai trò của công ty quản lý quỹ và các NĐT chuyên nghiệp như các quỹ đầu tư sẽ rất lớn.