“VFM đã sẵn sàng cho giai đoạn  thử thách mới”

“VFM đã sẵn sàng cho giai đoạn thử thách mới”

(ĐTCK) Ngày 28/8/2013, Công ty Quản lý quỹ Việt Nam (VFM) - công ty quản lý quỹ đầu tiên của Việt Nam đã kỷ niệm 10 năm hoạt động của mình.

Bên lề sự kiện này, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Tân, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty về những gì đã đạt được 10 năm qua, cũng như kỳ vọng của VFM trong thời gian tới.

Khi TTCK đang ở giai đoạn đáy của đợt suy thoái năm 2003 thì cũng là lúc VFM ra đời. Xin ông chia sẻ với NĐT một chút về cơ duyên dẫn đến sự hình thành VFM?

Tôi nghĩ là mình có duyên với nghề chứng khoán.

Khi còn là sinh viên, tôi đã được nhận một suất học bổng của Công ty Peregrine Capital Việt Nam và tôi cũng đã mời lãnh đạo Công ty về trường để nói chuyện với các bạn sinh viên về chứng khoán. Thời đó, kiến thức về chứng khoán của tôi chủ yếu từ nghiên cứu tài liệu được dịch của nước ngoài và qua… phim ảnh. Có một số bộ phim nước ngoài khá hay liên quan đến TTCK  như “Trở về Eden ”, “Vòi bạch tuộc”... đã thôi thúc niềm đam mê chứng khoán của tôi.

Rồi ra trường, tôi làm việc cho Peregrine. Năm 1993, khi NHNN ký quyết định thành lập tổ công tác xây dựng đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam, Peregrine có ký biên bản ghi nhớ (MOU) với NHNN về việc hỗ trợ kỹ thuật cho việc thành lập TTCK Việt Nam. Và lúc đó, tôi may mắn được tham gia tổ công tác, tất nhiên là chủ yếu với vai trò hỗ trợ các chuyên gia. Điều này cũng giúp tôi hiểu hơn về TTCK.

Sang năm 1994, tôi cùng với ông Dominic Scriven và một vài người nữa đứng ra thành lập Công ty Dragon Capital. Giai đoạn này, tôi có cơ hội tham gia tư vấn 5 DN được Chính phủ lựa chọn thí điểm cổ phần hóa đầu tiên là: GMD, REE, Xí nghiệp giày Hiệp An, LAF và Vifoco. Rồi sau này đến hàng loạt DN khác. Đây là cơ hội tốt để tôi hiểu sâu sắc về các DN, mà sau đó, phần lớn những DN này đều niêm yết rất sớm và là nguồn hàng hóa đầu tiên cho TTCK Việt Nam .

Từ việc tham gia rất sớm vào lĩnh vực này, cộng với niềm đam mê cá nhân, tôi đã xác định chứng khoán là nghề của mình. Được sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Dragon Capital, công ty quản lý quỹ nước ngoài lớn nhất và có bề dày kinh nghiệm hoạt động tại TTCK Việt Nam, nên tôi quyết định viết đề án thành lập công ty quản lý quỹ. Ngày 28/8/2003, tại Khách sạn Caravelle, TP. HCM, lãnh đạo UBCK đã trao quyết định thành lập VFM, công ty quản lý quỹ đầu tiên của Việt Nam .

 

Thành lập công ty quản lý quỹ trong bối cảnh TTCK còn sơ khai, ông gặp khó khăn như thế nào trong công tác chuẩn bị?

 

 “UBCK đánh giá cao vai trò của VFM với sự phát triển của TTCK”

Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

 

VFM là công ty quản lý đầu tiên và hiện nay cũng là công ty quản lý quỹ hàng đầu tại Việt Nam trong việc quản lý quỹ đầu tư đại chúng. Trong vai trò là người đi đầu, tất nhiên sẽ chịu những rủi ro nhất định. Tuy nhiên, VFM đã quản trị rủi ro rất tốt, tôi đánh giá đây là công ty có tính chuyên nghiệp cao

 

Những thành tựu của VFM trong quản lý quỹ, tiên phong trong triển khai sản phẩm mới không chỉ giúp tăng hiệu quả hoạt động cho Công ty, mà còn góp phần khai mở thị trường, giúp các sản phẩm trên TTCK Việt Nam trở nên đa dạng hơn, sớm bắt kịp sự phát triển của TTCK các nước trong khu vực và quốc tế.

 

Trong đề án tái cấu trúc TTCK, 1 trong 4 trụ cột để tái cấu trúc chính là NĐT tổ chức, mà trong đó, công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư đóng vai trò quan trọng. Trên thế giới, đây là thành phần chủ yếu tham gia TTCK, trong khi ở Việt Nam có tới 90% NĐT là NĐT cá nhân. Do đó, UBCK khuyến khích có nhiều hơn nữa những công ty quản lý quỹ điển hình như VFM, để từ đó góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm thiểu rủi ro trên TTCK

Ngoài kinh nghiệm đã học hỏi được trong quá trình làm việc tại Peregrine và Dragon Capital, với tất cả nhiệt huyết và lòng yêu nghề, tại căn phòng riêng của tôi ở Dragon Capital, với chiếc máy tính cá nhân, tôi miệt mài nghiên cứu, trao đổi với đồng nghiệp, các vị lãnh đạo của ngành chứng khoán Việt Nam và như thế, đề án thành lập công ty quản lý quỹ đầu tiên được ra đời.

Những công ty thành lập sau này có thuận lợi hơn và ít ra cũng có một khuôn mẫu nào đó để học tập, có thể là từ khâu làm hồ sơ xin cấp phép. Trong khi đó, khi thành lập VFM, mọi thứ đều mới mẻ. Ngay hồ sơ xin cấp phép thành lập công ty, chúng tôi đã phải ngồi với cơ quan quản lý nhiều lần để cùng nhau chỉnh sửa, hoàn thiện. Rồi sau đó là việc nghiên cứu quy trình hoạt động, thủ tục, các mẫu biểu báo cáo…

Nhân sự cũng là một vấn đề. Thời đó, chứng khoán vẫn còn là một lĩnh vực mới mẻ, chưa thu hút nhiều lao động như hiện nay. Đào tạo về chứng khoán cũng chưa có nhiều. Ngày đi vào hoạt động, VFM chỉ có 16 người, bao gồm cả bộ phận hành chính. Nhưng, với tất cả sự đam mê của mình, các thành viên VFM vẫn làm việc ngày đêm để bắt tay vào triển khai huy động quỹ đầu tư chứng khoán đầu tiên của Việt Nam - VF1.

Tại sao quỹ lại có tên là VF1, mà không phải một cái tên nào khác, thưa ông?

VF1 là sản phẩm đầu tiên của chúng tôi, nên đó là tâm huyết của cả một tập thể. Và đặt tên quỹ đương nhiên cũng mất nhiều thời gian suy nghĩ. Người ta có thể chọn cho quỹ một tên thật mỹ miều, nhưng chúng tôi lại đặt tên mang ý nghĩa số thứ tự, với một kỳ vọng về sự hưng thịnh của TTCK. Đây là quỹ số 1, và sẽ còn những quỹ số 2, số 3, số 4 khác nữa. Thực tế cho thấy, ngoài VF1, VFM đã huy động và quản lý được các quỹ VF2, VF4, rồi tiếp tục là VFA, VFB…

10 năm hoạt động của VFM đã qua, ông đánh giá như thế nào về thực tế diễn ra so với kỳ vọng của mình lúc thành lập Công ty?

Điều tuyệt vời là, trong bối cảnh TTCK còn rất khó khăn thì VF1 ra đời lại nhận được sự quan tâm và tin tưởng của công chúng đầu tư vượt cả mong đợi. Khi đang làm roadshow cho VF1, số tiền huy động về tài khoản đã vượt quá mức dự kiến đóng quỹ. Giai đoạn đó, nếu được tăng mức vốn đăng ký huy động, con số 1.000 tỷ đồng huy động ngay lần đóng quỹ đầu tiên là hoàn toàn có thể đạt được. Thành công này là nguồn động viên lớn lao, nhưng cũng đồng thời tạo áp lực cho toàn bộ Công ty, làm sao để sinh lời cho Quỹ, không phụ sự tin tưởng của NĐT.

10 năm nhìn lại, tôi cho rằng, VFM đã làm tốt vai trò của mình. Từ chỗ chỉ có 300 tỷ đồng huy động vốn ban đầu, VF1 đã thực hiện chia cổ tức nhiều lần, tăng vốn thành công, và giờ đây đạt mức giá trị tài sản ròng gần 1.900 tỷ đồng, với số lượng NĐT có giai đoạn lên tới con số 15.000.

Vẫn còn nhiều điều ấp ủ, nhưng ít nhất tôi có 4 điểm tự hào về quá trình hoạt động của VFM. Đó là: công ty quản lý quỹ trong nước đầu tiên; VF1 là quỹ đầu tư trong nước đầu tiên, hoạt động hiệu quả nhất và quy mô tài sản lớn nhất; có nhiều quỹ niêm yết nhất trên TTCK (3 quỹ); xây dựng đội ngũ quản lý quỹ trong nước chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam .

 

Ông kỳ vọng thế nào về 10 năm tới của VFM?

Tôi nghĩ rằng, 10 năm tới đây sẽ là giai đoạn hoàn toàn mới. Kinh nghiệm ngành quản lý quỹ thế giới cho thấy, tương lai của ngành này tại Việt Nam là các loại hình quỹ mở, chứ không phải quỹ đóng. Tôi rất cảm ơn dòng sản phẩm quỹ đóng đã cho chúng tôi VF1, VF2, VF4, VFA…, nhưng rõ ràng, quỹ mở là xu hướng đầu tư tất yếu trên thế giới. Đó là lý do khiến trong thời gian qua, VFM đã và đang hoàn tất các thủ tục để chuyển đổi các quỹ đóng nói trên thành quỹ mở.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tích cực nghiên cứu, chuẩn bị cơ sở hạ tầng, kỹ thuật sẵn sàng cho việc ra đời những dòng sản phẩm quỹ mở mới như quỹ hưu trí bổ sung (VF3), quỹ bất động sản (REIT), quỹ hoán đổi danh mục (ETF), đáp ứng nhu cầu đầu tư đa dạng của thị trường với mục tiêu tối ưu lợi nhuận cho NĐT.

Trong những năm vừa qua, khi TTCK suy giảm, VFM đã tập trung tái cơ cấu và chuẩn bị nguồn nhân lực cho giai đoạn tới. Các chuyên gia của chúng tôi vừa làm việc, vừa tập trung nâng cao kiến thức chuyên sâu. Hiện nay, gần một nửa nhân viên của VFM có bằng thạc sĩ, tiến sĩ hoặc bằng CFA. Đặc biệt là vừa qua, 1 nhân viên của Công ty đã được Tạp chí The Economist vinh danh và trở thành người đầu tiên tại Việt Nam nhận được Chứng chỉ quốc tế về Tài chính định lượng (Certificate in Quantitative Finance - CQF), một trong những chứng chỉ uy tín nhất trên thế giới phục vụ cho hoạt động nghiên cứu và phân tích định lượng.

Bản thân tôi cũng nghĩ rằng, một lúc nào đó nên chuyển giao công việc cho thế hệ trẻ, vì trong tương lai, TTCK nói chung và ngành quản lý quỹ nói riêng sẽ có yêu cầu rất cao về tính chuyên nghiệp, kiến thức phân tích thị trường sâu, và đặc biệt là khả năng chịu áp lực cao… Tôi có thể tự hào là mình đã chuẩn bị được một đội ngũ đáp ứng những điều kiện khắt khe đó. Với đội ngũ trẻ năng động, họ sẵn sàng lao vào cơn bão của thị trường tài chính với lòng yêu nghề, khát khao chinh phục đỉnh cao như những gì mà tuổi trẻ của tôi và những đồng nghiệp đã làm cách đây 10 năm. Và như vậy, VFM đã sẵn sàng cho giai đoạn phát triển 10 năm tới và xa hơn nữa.

   

Các mốc sự kiện quan trọng của VFM

 

* 15/07/2003: UBCKNN ký quyết định thành lập Công ty VFM

 

* 28/08/2003: UBCKNN trao quyết định thành lập VFM - công ty quản lý quỹ đầu tiên của Việt Nam

 

* 20/05/2004: Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VF1) được thành lập với vốn điều lệ 300 tỷ đồng

 

* 05/07/2006: VF1 tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng

 

* 01/12/2006: Quỹ đầu tư Tăng trưởng Việt Nam (VF2) được thành lập với vốn điều lệ 400 tỷ đồng

 

* 15/03/2007: VF1 tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng

 

* 02/11/2007: VF2 tăng vốn điều lệ lên 962,9 tỷ đồng

 

* 28/02/2008: Quỹ đầu tư Doanh nghiệp Hàng đầu Việt Nam (VF4) được thành lập với vốn điều lệ 806,4 tỷ đồng

 

* 02/04/2010: Quỹ đầu tư Năng động Việt Nam (VFA) được thành lập với vốn điều lệ 240,4 tỷ đồng

 

* 18/04/2013: Quỹ đầu tư Năng động Việt Nam (VFA) chuyển đổi thành quỹ mở

 

* 10/06/2013: Quỹ đầu tư Trái phiếu Việt Nam (VFB) - Quỹ mở được thành lập với vốn điều lệ gần 100 tỷ đồng

 

* 28/08/2013: Công ty VFM nhận bằng khen của UBCKNN vì đã đạt thành tích xuất sắc trong 10 năm hoạt động