1. Nhìn lại các sản phẩm quỹ của VFM, có thể thấy, hầu như đều là các sản phẩm đầu tiên trên thị trường Việt Nam. Quỹ VF1 là quỹ cân bằng đầu tiên, VF4 là quỹ đầu tiên đầu tư vào các cổ phiếu bluechips, rồi quỹ hoán đổi danh mục VFMVN30 cũng là quỹ ETF đầu tiên tại Việt Nam. Với sản phẩm quỹ hưu trí tự nguyện, sản phẩm đang được Chính phủ thúc đẩy ra đời, Tổng giám đốc (CEO) Trần Thanh Tân chia sẻ, VFM đã có 5 năm chuẩn bị và kỳ vọng sẽ là một trong những đơn vị đầu tiên nhận được giấy phép thành lập quỹ này.
Tuy nhiên, theo ông Tân, những kỷ lục đầu tiên này là cái duyên mà lịch sử dành tặng cho Công ty, VFM không nỗ lực ghi dấu ấn đó bằng mọi cách. Với VFM, mục tiêu quan trọng hơn là mỗi sản phẩm quỹ đầu tư khi hình thành thì phải định danh, duy trì và phát triển được. Đó cũng chính là áp lực lớn đối với những người điều hành quỹ, đòi hỏi sự nhanh nhạy, sự đa dạng trong hoạt động cốt lõi thì mới có thể phát triển trong một thị trường có biến động quá lớn như thị trường tài chính.
Ngành chứng khoán Việt Nam còn non trẻ, hành lang pháp lý cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán còn chưa hoàn chỉnh, trong suốt chặng đường 20 năm của ngành, từ cơ quan quản lý và đến các thành viên thị trường đều theo kiểu “vừa làm, vừa học”. Ở vị thế người mở đường cho việc triển khai các sản phẩm quỹ trên thị trường nội địa, những kế hoạch của VFM nếu thất bại sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch mở quỹ tiếp theo của Công ty, cũng như tác động tâm lý đến các công ty quản lý quỹ khác.
Trong giai đoạn chuyển đổi từ quỹ đóng sang quỹ mở, VFM đã trở thành một ví dụ thành công cho thị trường. Thời điểm đó, hầu hết các quỹ đóng hết hạn đã đóng quỹ luôn, thì VFM lại thuyết phục được các nhà đầu tư đồng ý chuyển đổi sang quỹ mở (phải được ít nhất 75% nhà đầu tư thông qua). Đến khi chuyển đổi xong, vì nhiều lý do, các quỹ của VFM đã chứng kiến sự rút vốn ồ ạt của các nhà đầu tư, nhưng đến nay, đà rút vốn đã chậm lại, tích cực hơn là đã có nhiều nhà đầu tư mới rót vốn vào quỹ mở do công ty quản lý. Hay việc VFM đưa sản phẩm quỹ ETF dựa trên chỉ số VN30 ra thị trường ngay sau khi thông tư hướng dẫn quỹ ETF có hiệu lực là kết quả của những nhận định chính xác.
Việc đưa ra các sản phẩm đầu tiên cũng đồng nghĩa với việc VFM phải chấp nhận trở thành “phép thử” với thực tế thị trường, mà những người đi sau có thể nhìn vào đó để tránh được những sai lầm, đồng thời, VFM cũng phải chịu trách nhiệm đưa ra những chuẩn mực đối với sản phẩm mà người đi sau sẽ phải vượt qua nếu muốn làm tốt hơn. Có thể nói, VFM đã hoàn thành khá tốt vai trò này, khi các sản phẩm của VFM được thị trường đón nhận và trở thành công ty quản lý quỹ có tổng giá trị tài sản lớn nhất trên thị trường.
Chiến lược tập trung duy trì kết quả đầu tư tốt và nâng cao năng lực quản trị rủi ro cho các sản phẩm quỹ đã thực sự phát huy hiệu quả khi liên tục trong các năm gần đây, các quỹ của VFM luôn có kết quả đầu tư nằm trong nhóm dẫn đầu trên thị trường. Theo ông Tân, đây chính là cơ sở để VFM thu hút nhà đầu tư, bên cạnh việc nỗ lực cải thiện hạ tầng, để nhà đầu tư có thể thực hiện việc đầu tư một cách thuận tiện nhất.
Ba năm trở lại đây, VFM triển khai và đẩy mạnh kênh bán hàng, bước đầu mang lại kết quả khá tích cực. Theo VFM, Công ty đã có những khách hàng mục tiêu cụ thể cho từng sản phẩm, trong từng giai đoạn và chiến lược này đang phát huy hiện quả. Việc nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư vào Quỹ ETF VFMVN30 trong năm 2016 là minh chứng về việc sản phẩm của VFM đã đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư và VFM đã tìm đúng khách hàng.
Đối với nhà đầu tư cá nhân, Công ty đưa ra chương trình tiết kiệm đầu tư định kỳ (SIP – Systematic Investment Plan) là công cụ thu hút vốn mới đáp ứng đúng yêu cầu của người đầu tư. Bên cạnh đó, sản phẩm phù hợp với nhà đầu tư cá nhân sẽ là các quỹ mở.
2. Đi qua chặng đường 20 năm, ngành chứng khoán Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định. “Cái được” lớn nhất, theo ông Tân, chính là thế hệ cha anh, những người đi “vỡ đất” đã tạo dựng được một nền móng vững chắc, để thị trường chứng khoán trong nước vận hành 16 năm qua không có những biến động quá khốc liệt như nhiều thị trường trên thế giới trong buổi sơ khai.
“Cái được” thứ hai là thị trường chứng khoán Việt Nam, dù quy mô còn nhỏ, nhưng đã xuất hiện trên bản đồ tài chính thế giới và khu vực. Việt Nam đã hình thành được môi trường, xây dựng được đội ngũ hành nghề chứng khoán, quản lý quỹ… mà dần theo thời gian, họ càng có chuyên môn tốt hơn. Thủa ban đầu, người dân chưa ai hiểu gì về chứng khoán, đến giai đoạn “người người, nhà nhà” chơi chứng khoán, chứng khoán vẫn được xem như trò cá cược, cờ bạc. Nhưng đến nay, suy nghĩ đó đã thay đổi dần, rằng chứng khoán là phải đầu tư nghiêm túc, phải có những công ty chuyên môn hóa, chuyên nghiệp song hành. Từ đó, nâng vai trò các định chế tài chính trung gian như công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán.
Mặt khác, một trong những kết quả tốt nhất trong 20 năm qua chính là quá trình minh bạch hóa hoạt động đầu tư, quản lý, cung cấp dịch vụ và các doanh nghiệp niêm yết, mà trước đây không hề có.
“Đây là điều tuyệt vời, bởi minh bạch hóa thông tin cũng là gián tiếp minh bạch nền kinh tế. Phải minh bạch thị trường mới có thể phát triển bền vững, nếu không, thị trường sẽ méo mó và đánh mất niềm tin ở nhà đầu tư”, ông Tân nói.
Là thành viên của thị trường chứng khoán, khối công ty quản lý quỹ cũng có nhiều thăng trầm cùng thị trường. Từng có giai đoạn các công ty quản lý ồ ạt thành lập, rồi cũng nhanh chóng giải thể, rút lui khỏi thị trường. Có nhiều nguyên nhân lý giải, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ thị trường chung và từ chính nội bộ ngành quản lý quỹ. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và khủng hoảng kinh tế tại Việt Nam vào năm 2011, thị trường chứng khoán trong nước bước vào giai đoạn trầm lắng, không ít nhà đầu tư rút lui khỏi thị trường, phần lớn nhà đầu tư còn lại khá hờ hững. Bên cạnh đó, sau giai đoạn phát triển mô hình quỹ đóng 2003 - 2013 là giai đoạn mới với mô hình quỹ mở. Giai đoạn chuyển đổi này lại trùng hợp với giai đoạn trầm lắng của thị trường chứng khoán Việt Nam 2012 - 2014 khiến ngành quản lý quỹ gặp khó khăn, bao gồm việc suy giảm tài sản quản lý, giảm phí quản lý, biến động về nhân sự...
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ông Tân cho rằng, ngành quản lý quỹ đã có các bước đi mới, cùng với mô hình quỹ mở và đã dần tái lập được sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Trong thời gian qua, VFM nhận được rất nhiều sự quan tâm từ nhà đầu tư nước ngoài, đa số là nhà đầu tư tổ chức. Trong xu hướng biến động của kinh tế toàn cầu, khi nhiều nền kinh tế phát triển tăng trưởng chậm lại, dòng vốn ngoại đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội ở các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang hấp dẫn hơn trong mắt giới đầu tư quốc tế khi, Chính phủ đang nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh và được hưởng lợi từ một loạt hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mới ký kết. Sự quan tâm đó, theo ông Tân, đã được thể hiện bằng dòng vốn mới đang chảy vào quỹ đầu tư, trong đó có các quỹ do VFM quản lý. Dĩ nhiên, các quỹ đã có kết quả hoạt động tốt trong quá khứ, chứng minh được năng lực đầu tư và quản trị rủi ro, minh bạch hơn trong hoạt động và công bố thông tin sẽ nhận được nhiều sự quan tâm hơn.
3. Phân tích về dòng vốn ngoại vào các quỹ đầu tư, ông Tân cho biết, sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài hiện đang tập trung vào 2 nhóm: nhóm sản phẩm đầu tư thụ động (ETF) và nhóm đầu tư vốn tư nhân (PE). Hiện không nhiều quỹ nội địa đầu tư PE, mặc dù một số quỹ có khả năng đang được thành lập, nên hoạt động đầu tư từ nước ngoài chủ yếu được nhận biết thông qua dòng tiền vào quỹ ETF.
Đối với nhà đầu tư trong nước, trong 9 tháng đầu năm 2016, VFM khá lạc quan với kết quả huy động vốn từ đối tượng nhà đầu tư này. Với kết quả đạt được từ việc phân phối chứng chỉ quỹ, VFM cho rằng, sự quan tâm của nhà đầu tư đã quay lại và sẽ tiếp tục gia tăng trong các năm tới. Tuy nhiên, chưa đủ để nói rằng, ngành quản lý quỹ sẽ lên một giai đoạn phát triển mới.
Ngành quản lý quỹ Việt Nam mới trải qua giai đoạn 3 năm đối với quỹ mở, trong khi đó, kinh nghiệm cho thấy, việc phát triển thị trường đối với các sản phẩm quỹ mở sẽ mất nhiều hơn 5 năm để đạt kết quả thực sự. Công tác đào tạo, phổ biến cho nhà đầu tư về sản phẩm quỹ mất rất nhiều thời gian và song song với việc đào tạo, các công ty quản lý quỹ phải chứng minh được năng lực đầu tư thông qua kết quả hoạt động tốt của các quỹ.
“Các nhiệm vụ trên không đơn giản và sự thành công cần đến sự nhẫn nại”, ông Tân nói.
Nhận định về tương lai của ngành quản lý quỹ, ông Tân cho rằng, 5 năm tới là giai đoạn quyết định sự thành công của ngành, khi sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt hơn. Thị phần quản lý quỹ sẽ tập trung vào một nhóm nhỏ công ty và sản phẩm quỹ đầu tư sẽ hướng tới phục vụ nhà đầu tư đại chúng nhiều hơn nữa. Các công ty quản lý quỹ muốn thành công sẽ phải phát triển được hệ thống phân phối, có rổ sản phẩm phù hợp và có mức độ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động đầu tư, quản lý và tiếp thị ở mức cao. Chính vì lý do trên, VFM sẽ cần tập trung phát triển trong giai đoạn này để tận dụng các lợi thế hiện có.