VFA chuyển đổi: Cữ dượt cho mô hình mới

VFA chuyển đổi: Cữ dượt cho mô hình mới

(ĐTCK) Đại hội NĐT Quỹ đầu tư Năng động (VFA) đã thông qua việc chuyển đổi mô hình từ quỹ đóng sang quỹ mở. Trước mắt, đợt cữ dượt này chỉ là sự chuẩn bị cho các mục tiêu xa hơn.

Ngày “trở lại” chưa chắc chắn

Đa số chứng chỉ quỹ (CCQ) nằm trong tay các NĐT tổ chức, nên Đại hội NĐT của VFA đạt được sự đồng thuận cao về việc chuyển đổi mô hình. Tất cả các ý kiến trong Đại hội đều ủng hộ, có chăng một vài ý kiến muốn làm rõ thêm biện pháp chuyển đổi. Chẳng hạn, VFA trình bày 2 biện pháp: chuyển hóa danh mục đầu tư thành 100% tiền mặt hoặc duy trì tỷ lệ tiền mặt/cổ phiếu là 70/30 như hiện tại.

Một số NĐT thắc mắc, giữa hai sự lựa chọn, biện pháp nào ưu hơn? Về điều này, ông Phạm Khánh Lynh, Phó tổng giám đốc do CTCP Quản lý quỹ Việt Nam (VFM), quản lý Quỹ VFA cho rằng, giữ 100% tiền mặt dành quyền chủ động cho công ty quản lý quỹ trước các biến động của thị trường. Trước đó, VFA ước lượng, khi VFA hủy niêm yết và giao dịch trở lại dưới dạng quỹ mở, quãng thời gian cần thiết là khoảng 4 tháng (xem bảng). Việc giải quyết 31% danh mục cổ phiếu còn lại sẽ không khó khăn, do các cổ phiếu trong danh mục của VFA có thanh khoản tốt.

Sau khi công bố thông tin chuyển đổi mô hình hoạt động, mức chiết khấu giữa thị giá và giá trị tài sản ròng (NAV) của VFA đã thu hẹp từ mức 40% trong tháng 9 xuống còn 15% như hiện nay. Hoàn tất kế hoạch chuyển đổi, chứng chỉ quỹ VFA sẽ được giao dịch (được VFA mua lại) với giá ngang NAV. Khoảng cách 15% nêu trên cũng đáng để xem xét đầu tư, nếu việc chuyển đổi của VFA diễn ra nhanh chóng, suôn sẻ. Vì vậy, một số NĐT đặt câu hỏi, liệu VFA có hoàn tất việc chuyển đổi mô hình đúng theo lịch dự kiến hay không?

Ông Lynh cho biết, phương án VFA đã trình Đại hội NĐT là quãng thời gian tối thiểu cho mỗi công đoạn. Thực tế, trong khi bắt tay vào thực hiện, VFA nhiều lần vướng bài toán “con gà và quả trứng” khi HOSE hay UBCK nhắc nhỏ VFM thực hiện thủ tục này trước, thủ tục kia sau... Ngày “trở lại” của VFA là chưa thực sự chắc chắn.

 

Nút thắt về room đã cởi

Một trong các rào cản kỹ thuật lớn với mô hình quỹ mở là giới hạn “room” 49% dành cho NĐT nước ngoài. Với chứng khoán niêm yết, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) có thể kiểm soát tỷ lệ này qua mỗi phiên giao dịch. Tuy nhiên, với CCQ mở (không được phép niêm yết), việc mua bán định kỳ được thực hiện trực tiếp tại hệ thống đại lý chuyển nhượng, việc xác định tỷ lệ này không thể mang tính tức thời.

Mặc dù vậy, bên lề Đại hội NĐT của VFA, một đại diện VFM chia sẻ với ĐTCK, cơ quan quản lý đã cho VFA giải quyết theo hướng quy định về room chỉ có ý nghĩa lần đầu. Có nghĩa là một quỹ mở mới được thành lập, room 49% chỉ có ý nghĩa trong đợt gọi vốn lần đầu. Các lần mua bán sau đó sẽ không bị ràng buộc bởi tỷ lệ giới hạn này. Hiện tại, NĐT nước ngoài đang sở hữu 24% CCQ VFA và khó có khả năng xảy ra giao dịch đột biến, nên giới hạn 49% sẽ không gây khó khăn cho VFA trong quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động.

Một khó khăn khác với mô hình quỹ mở là hạ tầng kỹ thuật. Tại Đại hội, VFM cho hay, hai CTCK đầu tiên đáp ứng được tiêu chí và đã sẵn sàng làm đại lý chuyển nhượng CCQ VFA là CTCK Sài Gòn (SSI) và CTCK TP. HCM (HSC). Bên cạnh đó, Đại hội NĐT VFA đã thông qua quyết định chọn HSBC là ngân hàng giám sát, lưu ký cho CCQ VFA, là đơn vị thực hiện dịch vụ quản trị quỹ và dịch vụ đại lý chuyển nhượng sau khi việc chuyển đổi mô hình của VFA hoàn tất. Đây là một trong hai ngân hàng nước ngoài hiện nay đáp ứng được các yêu cầu về hạ tầng để cung cấp dịch vụ then chốt của quỹ mở. Chạy đua với mô hình mới, hạ tầng kỹ thuật mô hình quỹ mở đã bắt đầu manh nha.

 

Đợt cữ dượt

Thị trường nên trông chờ gì vào đợt chuyển đổi mô hình hoạt động của VFA sắp tới? Trao đổi với ĐTCK bên lề Đại hội NĐT VFA, ông Trần Lê Minh, Phó tổng VFM chia sẻ, VFM không kỳ vọng các đột phá mang tính khởi sắc thần kỳ của việc chuyển đổi. Đơn giản, thị trường chung vẫn đang hết sức khó khăn, một sản phẩm tài chính dù có nhiều ưu điểm, nhưng vấp phải các khó khăn hiện tại thì cũng cần có thời gian để thử thách.

Tuy nhiên, theo ông Minh, VFA là cái tên tiên phong cho việc chuyển đổi mô hình hoạt động của quỹ đầu tư, nên từng bước đi đang được chú ý. Thứ nhất, nếu VFA tiến hành chuyển đổi suôn sẻ, một loạt quỹ đóng khác sẽ có động thái tương tự. Sự chuyển đổi này giống như đợt c? dượt tìm lối ra và tháo gỡ khó khăn cho các quỹ đóng hiện nay. Thứ hai, từ ý tưởng thành lập quỹ mở tới các bước triển khai xin giấy phép, gọi vốn, mất ít nhất 1 năm. Nếu chờ TTCK phục hồi mới tính chuyện lập quỹ thì cơ hội có thể sẽ trôi qua. Vì vậy, VFA thay đổi từ trong “ruột” nhằm đón lõng các cơ hội sắp tới. Trước mắt, việc chuyển đổi chưa hứa hẹn tạo ra các đột phá, nhưng tình hình sẽ khác nếu TTCK phục hồi.

Các bước chính trong lộ trình chuyển đổi của VFA (Nguồn: VFM)

STT

 Mô tả công việc

Ngày dự kiến

1

Tổ chức Đại hội NĐT bất thường thông qua phương án chuyển đổi

5/12/2012

2

Nếu Đại hội thông qua, VFA sẽ xin thực hiện thủ tục hủy niêm yết tại HOSE, sau đó hủy lưu ký tại VSD

24/12/2012

3

Làm thủ tục đề nghị UBCK điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký thành lập quỹ mở cho VFA

7/2/2013

4

Thông báo cho NĐT về ngày giao dịch, NAV, danh sách đại lý phân phối chỉ định, thời gian giao dịch CCQ mở…

8/3/2012

5

Xác nhận sở hữu CCQ VFA sau khi chuyển đổi thành quỹ mở cho NĐT và hoàn tất các thủ tục điều chỉnh.

24/3/2012

6

Ngày giao dịch trở lại CCQ VFA sau khi chuyển đổi

12/4/2013