Cuối tháng 7/2015, sàn thương mại điện tử Sendo.vn mới bắt đầu đưa vào sử dụng ứng dụng Sendo App cho điện thoại thông minh (smartphone), nhưng kết thúc năm 2015, lượng đơn hàng thông qua thiết bị di động của Sendo.vn chiếm khoảng 45% và dự kiến năm 2016 có thể vượt 60%. Trước thời điểm đó, giống như nhiều sàn thương mại điện tử khác, số lượng đơn hàng qua di động mới đạt 10-15%.
Đây chỉ là một ví dụ điển hình cho việc smartphone đã thay đổi thói quen tiêu dùng, mua sắm và đã trực tiếp làm thay đổi doanh số của ngành thương mại điện tử.
Có vẻ như “kỷ nguyên smartphone” đang lan đến Việt Nam với tốc độ “vết dầu loang”. Nếu cuối năm 2013, Việt Nam có 17 triệu người dùng, thì theo số liệu mới của Bộ Thông tin và Truyền thông là 35 triệu người.
Smarphone cũng là thiết bị được người dùng sử dụng để truy cập trực tuyến cao nhất khi chiếm tới 91% trong số các thiết bị được dùng. Cụ thể, người Việt Nam trung bình dùng 24,7 giờ/tuần, tăng 160% so với năm 2014, đặc biệt là nhóm tuổi 21-19 có thời gian truy cập lên tới 27,2 giờ/tuần.
Với việc smartphone ngày càng phổ biến, thói quen mua sắm tiêu dùng online, công nghệ 3G - 4G, công nghệ thanh toán trên di động đang là những yếu tố thúc đẩy thương mại điện tử qua smartphone phát triển mạnh mẽ.
Nghiên cứu của Nielsen cho thấy, gần 50% người sử dụng smartphone ở thành thị có các hoạt động liên quan đến mua sắm trên nền tảng này. Họ dùng smartphone để tìm kiếm sản phẩm trên trang web hoặc ứng dụng, đọc các đánh giá về sản phẩm, so sánh giá trong lúc mua sắm tại cửa hàng truyền thống… Dự báo thời gian tới, xu hướng thương mại điện tử trên smartphone sẽ bùng nổ, mở ra thời đại mới để phát triển kinh doanh trực tuyến.
Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử (Bộ Công thương) cho rằng, thương mại điện tử trên smartphone sẽ bùng nổ trong tương lai gần. Nguyên nhân là số người sử dụng Internet trên thiết bị di động chiếm 57,56% dân số, đồng thời người tiêu dùng Việt Nam nhận thấy việc mua sắm qua mạng bằng các thiết bị di động ngày càng tiện lợi và an toàn hơn.
Gần đây, các doanh nghiệp thương mại điện tử lớn như Lazada.vn, Sendo.vn, Tiki.vn, Adayroi.com… đang tập trung đầu tư xây dựng các website tương thích với smartphone, máy tính bảng và phát triển ứng dụng di động (mobile app). Đại diện Zalora Việt Nam cho biết, từ tháng 4/2013, Zalora ra mắt ứng dụng app trên mobile và đến hết năm 2015 có hơn 1 triệu người đã tải App về, đóng góp tới hơn 60% lượng truy cập hàng ngày vào website zalora.vn. Vì vậy, App là lựa chọn duy nhất cho con đường phát triển thương mại điện tử về lâu dài tại Việt Nam.
Theo ông Lê Xuân Long, Giám đốc tiếp thị của Lazada Việt Nam, doanh nghiệp đầu tư vào thương mại di động cần lựa chọn mobile site hay mobile app. Mỗi loại hình có những ưu, nhược điểm khác nhau và tùy theo tình hình thực tế mà doanh nghiệp chọn cho mình hướng đầu tư phù hợp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đặt khách hàng làm trung tâm, liên tục phát triển và ứng dụng những công cụ, giải pháp đo lường có thể nghiên cứu và thấu hiểu hành vi, cũng như nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, doanh nghiệp cần liên tục đưa ra những chiến lược hiệu quả, kích cầu mua sắm trên di động như các chương trình giảm giá, hoặc giao hàng miễn phí khi mua sắm từ ứng dụng di động.