Sáng ngày 27/6/2023 tại Hà Nội, trong khuôn khổ hoạt động của Liên minh Công bằng Thuế Việt Nam (VATJ), Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức buổi Công bố Kết quả nghiên cứu “Những đặc điểm cần lưu ý của thị trường xăng dầu Việt Nam và sự ảnh hưởng đến phúc lợi hộ gia đình”.
Theo kết quả nghiên cứu, Việt Nam có cách áp thuế lên mặt hàng xăng dầu tương đối khác biệt so với một vài quốc gia lớn trên thế giới và trong khu vực. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia sử dụng các khoản thuế tương đối để áp lên mặt hàng xăng dầu, đồng thời là quốc gia hiếm hoi áp trực tiếp đồng thời hai khoản thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường lên mặt hàng xăng dầu.
Mặc dù giá xăng dầu bán lẻ của Việt Nam ở mức tương đối thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng so với thu nhập bình quân đầu người thì mức giá này ở vị trí cao hơn so với một vài quốc gia phát triển hoặc có cùng điều kiện về kinh tế như Mỹ, Nga, Malaysia, Indonesia…
Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam chia sẻ, việc đánh các loại thuế đối với mặt hàng xăng dầu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và chi tiêu của hộ gia đình.
Hiện mỗi lít xăng, dầu bán ra trong nước đang phải chịu các loại thuế/phí như: Giá trị gia tăng (10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%) và bảo vệ môi trường (xăng E5RON92 là 3.800 đồng/lít, xăng RON95 là 4.000 đồng/lít, dầu diesel 2.000 đồng/lít…). Chỉ trong vòng hai tháng (12/4/2022 đến 13/6/2022), giá xăng dầu đã tăng liên tục 6 lần, vượt mức 32.000 đồng/lít và vượt đỉnh lịch sử tháng 7/2014 (26.140 đồng/lít).
“Việt Nam có thể đối mặt với lạm phát, thuế tăng, giá đầu vào tăng, khi giá xăng dầu ở mức cao do chi phí cho xăng dầu được coi là một trong các khoản chi phí đầu vào của sản xuất. Chính sách thuế hiện tại có thể không còn phù hợp với bối cảnh giá xăng dầu thế giới biến động bất thường như hiện nay”, đại diện VESS cho biết.
Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) |
Cách thức tính giá cơ sở hiện nay cũng có nhiều điểm yếu khiến giá xăng dầu cơ sở không phản ánh đúng giá xăng dầu thực tế và không theo kịp sự thay đổi giá xăng dầu của thị trường quốc tế.
Cụ thể, theo VESS, một điểm yếu trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu hiện nay là việc thuế Tiêu thụ đặc biệt được sử dụng với mục đích hạn chế tiêu dùng xăng dầu do xăng dầu là hoá thạch và góp phần làm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Theo đó, nếu đã tính thuế tiêu thụ đặc biệt thì việc áp trực tiếp thêm thuế bảo vệ môi trường không thực sự cần thiết.
Một điểm yếu khác trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu là cách thức tính các loại thuế (Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT). Theo đó, giá tính thuế dựa trên giá xăng dầu thế giới là thứ biến động ngoài khả năng kiểm soát, có thể khiến nguồn thu ngân sách bị động khi giá thế giới giảm đột ngột hoặc khuyếch đại giá trong nước khi giá thế giới tăng mạnh và đột ngột.
Với tỷ trọng thuế 25% (năm 2022), thay đổi cách áp thuế lên mặt hàng xăng dầu có thể thay đổi giá xăng dầu bán lẻ một cách đáng kể. Để giảm tỷ trọng thuế xăng dầu trong giá cơ sở cũng như để tránh các khoản thu từ thuế tăng mạnh do giá xăng dầu thế giới tăng cao khiến giá xăng dầu bán lẻ ở mức cao như năm 2022, nhóm tác giả khuyến nghị:
Thứ nhất, thay đổi cách áp hai khoản thuế bảo vệ môi trường hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng như các quốc gia khác trên thế giới (gộp 2 loại vào 1 hoặc bỏ 1 trong 2).
Thứ hai, sử dụng thuế tuyệt đối thay vì thuế tương đối, cụ thể với thuế tiêu thụ đặc biệt, với mức gợi ý là 2000 VND/lít. Đồng thời, lưu ý ngay cả các loại thuế tương đối vốn có (như VAT, thuế nhập khẩu), cũng cần cân nhắc một giới hạn tuyệt đối, ví dụ 3000 VNĐ/lít. Những mức tuyệt đối này cần được điều chỉnh định kỳ theo điều kiện thị trường và xã hội.