VEPR hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách Việt Nam (VEPR) cho biết, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 được dự báo tăng 4,5 - 5,1% thấp hơn 1,2 - 1,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.
VEPR hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021

Sản xuất gặp bất lợi kể từ cuối quý II

Ngày 21/7, VEPR công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý II và 6 tháng đầu năm 2021. Theo đó, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,61% trong quý II/2021. Tăng trưởng của các khu vực nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đều tăng trong 6 tháng đầu năm. FDI tiếp tục là khu vực đóng góp chính vào tăng trưởng thông qua xuất khẩu.

Tuy nhiên, sản xuất gặp nhiều bất lợi vào cuối quý II với dịch bệnh Covid-19 quay trở lại Việt Nam vào tháng 5. Ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng chống sự lây lan của đợt dịch thứ 4, nên chuỗi cung ứng bị gián đoạn trong quý II/2021.

Trong tháng 4, theo đà tăng trưởng của quý I/2021, giúp chỉ số PMI đạt 54,7 điểm. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bắt đầu trở lại vào đầu tháng 5, cùng với các biện pháp kiểm soát đại dịch đã làm cho chuỗi cung ứng tiếp tục bị ảnh hưởng.

Kể từ khi bùng phát dịch COVID-19 vào đầu năm 2020, các doanh nghiệp không những gặp khó khăn trong việc sản xuất khi các biện pháp giãn cách xã hội được thông qua nhằm khống chế đại dịch, mà còn phải đối mặt với sự gia tăng trong chi phí sản xuất.

Tính đến tháng 6/2021, giá hàng hóa phi nhiên liệu, bao gồm nguyên vật liệu nông nghiệp thô và nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp, tăng 38,25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp tăng 68,6% so với cùng kỳ và giá nguyên vật liệu nông nghiệp thô tăng 28,44%. Giá nhiên liệu tăng 108,28% so với cùng kỳ chủ yếu do nguồn cung bị cắt giảm.

Mặt khác, giá thuê đất tại các khu công nghiệp đang tăng nhanh trong những năm qua. Cụ thể, giá thuê đất trong quý II/2021 trung bình tại các tỉnh phía Bắc là 107 USD/m2, tăng 8,1% so với cùng kỳ và tại các tỉnh phía Nam là 111 USD/ m2, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Thêm vào đó, giá cước vận tải biển vào cuối tháng 6/2021 đã tăng khoảng 4 - 8 lần so với cùng thời điểm năm 2020.

Ba kịch bản tăng trưởng

Với diễn biến của tình hình bệnh dịch hiện tại, VEPR hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 so với các báo cáo trước đây. Triển vọng kinh tế những tháng cuối năm phụ thuộc nhiều vào ba yếu tố.

Thứ nhất, tốc độ và quy mô tiêm chủng vắc-xin; thứ hai, hiệu quả/phản ứng phụ của các biện pháp phòng chống bệnh dịch; thứ ba các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng ở trong nước. Dựa trên tình hình thực tiễn, VEPR đưa ra các kịch bản dự báo.

VEPR đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng 2021

VEPR đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng 2021

Với Kịch bản cơ sở: Dịch bệnh được kiểm soát vào cuối quý III/2021, việc tiêm chủng được triển khai nhanh chóng và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý II/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 4,5 - 5,1%.

Với Kịch bản thuận lợi: Dịch bệnh được kiểm soát ngay trong tháng 8/2021, việc tiêm vắc-xin được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý I/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 5,4 - 6,1%.

Với Kịch bản bất lợi: Dịch bệnh chưa thể được kiểm soát và các hoạt động kinh tế chưa thể trở lại bình thường cho tới quý IV, quá trình tiêm chủng vắc-xin được triển khai chậm do thiếu nguồn cung; các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi số được thúc đẩy nhưng dịch vụ, thương mại và thu hút vốn FDI phục hồi chậm. Khi đó, kinh tế Việt Nam năm 2021 chỉ có thể tăng trưởng từ 3,5 - 4,0%.

Tin bài liên quan