Theo VEPR lạm phát quý 1/2019 mặc dù ở mức vừa phải (2,63%) nhưng có xu hướng tăng trước những điều chỉnh giá điện và xăng dầu gần đây. Tác động của các cú sốc này tới giá cả trong nước có thể kéo dài và tác động trực tiếp tới 2-6 tháng cũng như các quý cuối năm nên đòi hỏi sự điều hành thận trọng từ phía NHNN đối với tăng trưởng cung tiền và tín dụng trong thời gian tới.
Đáng lưu ý, báo cáo của VEPR cũng cho thấy sự sụt giảm mạnh của chỉ số PMI xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua vào tháng 2/2019 do sự sụt giảm về lượng việc làm và hàng tồn kho khiến mức độ lạc quan của nhà sản xuất cũng giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế vẫn tiếp tục phụ thuộc vào FDI và xuất khẩu của khu vực này đạt 41,46 tỷ USD, chiếm tới 70,9% tổng kim ngạch.
Tuy khu vực FDI đóng góp quan trọng đưa xuất khẩu tăng cao, giảm nhập siêu, đưa xuất siêu trở lại, nhưng cũng thể hiện sự bất ổn của cán cân thương mại. Điều này cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế vẫn tiếp tục phụ thuộc vào FDI và xuất khẩu của khu vực này trong khi cổ phần hóa khu vực DNNN tiếp tục dậm chân tại chỗ.
Trong quý I, có 43,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới hoặc quay trở lại hoạt động, nhưng cũng có tới 14,8 nghìn doanh nghiệp tạm dừng hoạt động (tăng 20,8% so với cùng kỳ); có 15,3 nghìn doanh nghiệp chờ giải thể.
Đáng chú ý, theo báo cáo tiến tình cổ phần hóa khu vực DNNN gần như không có sự tiến triển trong năm qua là một vấn đề đặt ra do khó khăn trong quá trình định giá tài sản và tâm lý sợ trách nhiệm đang lầm chậm trễ tiến độ quá trình này.
Việt Nam cần từng bước xây dựng đệm tài khóa, trước tiên thông qua việc tinh giản bộ máy nhà nước và cắt giảm chi tiêu thường xuyên.
Với mức tăng trưởng đạt 6,79% của quý I, nhóm nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của VEPR cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,6 - 6,8% của năm 2019 do Quốc hội đề ra khả thi.
Về lạm phát, trong bối cảnh này, VEPR dự báo lạm phát sẽ tăng dần trong khoảng từ 2,78% - 4,20% trong tương quan mức tăng trưởng từ 6,32-7,16% từ quý II đến cuối năm. VEPR dự báo tăng trưởng cả năm 2019 có thể đạt 6,9%.
Tuy nhiên, trước chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và chủ nghĩa bảo hộ, rủi ro của kinh tế Trung Quốc, tương lai không rõ ràng của tiến trình Brexit và mâu thuẫn trong nội bộ khu vực EU, sự thất thường của các chính sách của Mỹ..., khiến tương lai của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 trở nên bất định hơn do có thể chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc từ thị trường thế giới.
Theo khuyến nghị của VEPR, ở mức độ dài hạn hơn, Việt Nam cần từng bước xây dựng đệm tài khóa, trước tiên thông qua việc tinh giản bộ máy nhà nước và cắt giảm chi tiêu thường xuyên.