“Vén màn” môi giới

“Vén màn” môi giới

(ĐTCK-online) Sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành dịch vụ chứng khoán khiến nhiều CTCK phải chuyển đổi mô hình hoạt động hoặc chọn giải pháp thu hẹp hoạt động môi giới.

Đầu tháng 3 vừa qua, dù còn hơn nửa tháng nữa mới tới ĐCHĐ của Công ty (19/3), nhưng Chủ tịch CTCK Kim Long (KLS), ông Hà Hoài Nam đã lên tiếng xác nhận về việc chuyển hướng kinh doanh. Nếu được ĐHCĐ thông qua, KLS sẽ là công ty đầu tiên thoái lui khỏi ngành dịch vụ chứng khoán. KLS thoái lui do nhận thấy, ngoài yếu tố bị cạnh tranh khốc liệt, các hoạt động kinh doanh chứng khoán đang ngày càng tỏ ra không hiệu quả. Trong đó, bế tắc nhất là dịch vụ môi giới.

 

Bức tranh màu xám

Suốt 3 năm qua, mảng môi giới của KLS chưa bao giờ vượt 7% tổng doanh thu. Trong khi đó, chi phí cho đầu tư công nghệ, tổ chức sàn, trả lương cho nhân viên… lại không hề nhỏ, ước trung bình 6 tỷ đồng/tháng, tức 72 tỷ đồng/năm. Mức chi phí này rõ ràng đã vượt xa so với doanh thu môi giới của KLS, với 18,2 tỷ đồng (năm 2010).

Tình trạng thu không đủ chi cũng đang diễn ra ở nhiều CTCK khác. Với mức phí trung bình 0,2 - 0,25%/giá trị giao dịch, trong khi quy mô giao dịch toàn thị trường năm 2010 khoảng 621.000 tỷ đồng, tính ra doanh thu môi giới trung bình của một công ty chỉ từ 23,65 - 29,56 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, 10 CTCK lớn lại nắm gần 50% thị phần môi giới, nên 95 CTCK còn lại gần như “trắng tay” với trung bình 124,4 - 155,57 triệu đồng phí môi giới/năm.

Đó có lẽ là lý do vì sao mà nhiều công ty chọn giải pháp thu hẹp hoạt động môi giới như CTCK Phú Hưng, CTCK An Bình phải đóng cửa các phòng giao dịch. Hay CTCK Phố Wall cũng tính chuyện cắt giảm nhân sự…

Tuy nhiên, một nguyên nhân nữa theo ông Trần Văn Trọng, Giám đốc Chi nhánh của KLS là hoạt động môi giới hiện có quá nhiều rủi ro. Muốn thu hút khách hàng, một số CTCK đã phải “xé rào”. Chẳng hạn, CTCK VNDirect (VND) là đơn vị tiên phong trong việc cung cấp sản phẩm quyền chọn (option) khi Luật Chứng khoán chưa cho phép. Năm 2010 cũng là năm ghi lại nhiều “thành tích” xé rào khác của không ít CTCK: đó là tạo điều kiện để NĐT được thanh toán trước ngày T+4; rầm rộ cho vay cổ phiếu. Theo chia sẻ của giám đốc môi giới một CTCK, có giai đoạn, một số CTCK thuộc Top 5 đã phải cho khách hàng vay làm đòn bẩy hàng nghìn tỷ đồng/tháng. Đây rõ ràng là những khoản phải thu khổng lồ và rất rủi ro, nhất là khi đối chiếu với tình hình thị trường èo uột hiện tại.

 

Tương lai nào cho môi giới?

Ông Lê Minh Tâm, Tổng giám đốc CTCK KEVS xác nhận, các CTCK quả là đang gặp khó khăn trong phát triển môi giới. Tuy nhiên, ông Tâm không cho rằng bức tranh môi giới chỉ toàn màu xám. Bằng chứng là KEVS vẫn sống được với nghiệp vụ này. Thậm chí, doanh thu môi giới của  CTCK TP. HCM (HSC) năm 2010 còn tăng 25% so với năm 2009, dù giao dịch toàn thị trường sụt giảm.

Tuy nhiên, để có thể phát triển mảng nghiệp vụ này, theo ông Lê Công Thiện, Giám đốc điều hành Môi giới khách hàng cá nhân thuộc CTCK HSC, điều quan trọng là các công ty phải có sự đầu tư bài bản. Hiện tại, các công ty “trụ được” với mảng môi giới hoặc là các công ty chịu đầu tư hệ thống - phần mềm đa dụng như VND, FPTS, SBS, hay là các công ty có thế mạnh về mạng lưới và những tiện ích cho khách hàng như SSI, TLS, HSC. Riêng KEVS thì xác định, Công ty sẽ chinh phục khách hàng qua việc đào tạo và từng bước chuyên nghiệp hóa đội ngũ chuyên viên môi giới.

Tuy nhiên, với đặc điểm thị trường có đến 105 CTCK, việc cạnh tranh giành miếng bánh thị phần môi giới có thể làm méo mó hoạt động của các công ty. Để giành khách hàng, một số công ty không ngại giảm phí hoặc phục vụ miễn phí, bất chấp lời lỗ.

Theo phân tích của Công ty Viet Nam Capital Partners (VCP), so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Singapore…, doanh thu từ thu phí giao dịch của TTCK Việt Nam nhỏ hơn 20 - 40 lần, trong khi số CTCK lại gấp 5 lần. Bởi thế, để nghề môi giới phát triển, ngoài nỗ lực từ CTCK, cần một sự điều chỉnh về số lượng CTCK. Đồng thời, các CTCK cũng cần được trao nhiều công cụ hơn như các sản phẩm phái sinh để có thể “sống được” bằng nghiệp vụ này.

Doanh thu môi giới ở các CTCK (đơn vị: tỷ đồng)

 

Mã CK

2006

2007

2008

2009

2010

AGR

    15,850

    81,319

    22,837

    65,264

    48,479

APG

          -  

          -  

          -  

    12,332

          -  

APS

          -  

    16,191

    14,816

    42,654

    58,869

AVS

          -  

          -  

          -  

    16,965

    25,392

BVS

    34,809

  149,680

    58,280

    91,807

    64,730

CTS

          -  

    40,752

    15,820

    48,052

    61,338

GBS

          -  

          -  

          -  

          -  

          -  

HBS

          -  

          -  

     1,487

    18,095

    52,710

HCM

          -  

    32,835

    28,972

  121,204

  151,051

HPC

          -  

    39,779

    21,901

    38,210

    25,979

KLS

        207

    14,676

    13,482

    30,426

    18,274

ORS

          -  

     3,759

     6,161

    15,669

    19,772

PHS

          -  

          -  

     8,729

    33,328

          -  

PSI

          -  

     6,194

     7,256

    10,230

          -  

SBS

          -  

    48,923

    30,857

  138,224

  119,534

SHS

          -  

          -  

     1,296

    20,287

    19,201

SME

          -  

          -  

          -  

    30,142

    31,233

SSI

    49,204

  250,375

  115,752

  196,204

  176,044

SVS

          -  

          -  

          -  

    14,513

    11,102