VEFAC và câu hỏi về 2 dự án “khủng” trước thềm CPH

VEFAC và câu hỏi về 2 dự án “khủng” trước thềm CPH

(ĐTCK) Nhà đầu tư băn khoăn trước những thông tin về 2 “siêu dự án” tại Hà Nội với tổng vốn đầu tư lên tới 2,8 tỷ USD của Công ty TNHH một thành viên Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam (Vefac).

Chưa công bố bất cứ thông tin nào về phương án cổ phần hóa (CPH) và hiện đang thông báo tuyển dụng chuyên gia pháp chế tham gia xây dựng phương án CPH song Công ty TNHH một thành viên Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam (Vefac) đã dự kiến sẽ hoàn thành việc cổ phần hóa và chuyển thành công ty cổ phần vào tháng 9/2013. Không ít nhà đầu tư cũng băn khoăn trước những thông tin về 2 “siêu dự án” của Công ty này.

Vefac tiền thân là Khu Triển lãm Giảng Võ, thành lập năm 1974, hiện nhiệm vụ của Công ty chủ yếu là vận hành, khai thác Trung tâm triển lãm Giảng Võ. Công ty hiện có 200 nhân sự. Trong lĩnh vực quảng cáo, hội chợ, hoạt động của Vefac được giới chuyên môn nhận xét không có gì nổi trội. Đề cập đến lộ trình cổ phần hóa, Vefac cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Vefac đang thực hiện cổ phần hóa, dự kiến sẽ hoàn thành việc cổ phần hóa và chuyển thành công ty cổ phần vào tháng 9/2013. Quy mô, tiềm lực, phạm vi hoạt động, vị thế của công ty tương đương với Tổng công ty lớn.

Trước thềm CPH, Công ty này cũng thông tin về 2 “siêu dự án”. Thứ nhất là Dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia tại Mễ Trì với diện tích 125 héc-ta, nằm trên trục đại lộ Thăng Long, thuộc xã Mễ Trì, xã Trung Văn, huyện Từ Liêm với tổng mức đầu tư dự kiến 2 tỷ USD. Tổ hợp này bao gồm Khu Hội chợ Triển lãm quốc gia và các công trình như khu thương mại, khu văn phòng, khu bất động sản, khu khách sạn, khu giải trí… Thứ hai là Dự án Trung tâm Thương mại Dịch vụ Văn hóa trên diện tích 6,8 héc-ta tại 148 đường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội với tổng mức đầu tư dự kiến 800 triệu USD. Tổ hợp bao gồm khu thương mại, khu hội nghị hội thảo, khu khách sạn cao cấp, khu văn phòng cho thuê, khu căn hộ cao cấp, khu văn hóa giải trí, khu ẩm thực.

Các dự án trên mới được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc cơ bản song gần đây Vefac thông báo tuyển dụng chuyên gia cao cấp, quy hoạch dự án, tư vấn đầu tư dự án, kế hoạch - đầu tư, tài chính dự án, tài chính kế toán, pháp chế nhằm triển khai 2 siêu dự án trên. Đáng chú ý, Công ty này tuyển dụng chuyên gia với số lượng không hạn chế và cũng không hạn chế thời hạn nhận hồ sơ (?).

 Trong bối cảnh thị trường BĐS khó khăn và khó thu hút đầu tư như hiện nay với hàng loạt dự án “đắp chiếu” vô thời hạn, thông tin của Vefac khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm đến doanh nghiệp này băn khoăn. Câu hỏi họ đặt ra là việc cổ phần hóa Vefac liệu có thể diễn ra như thời gian Công ty này dự kiến hay hiện nay mới chỉ có… chủ trương? Phương án tuyển nhân sự cao cấp của Vefac dường như không thực tế, đồng nghĩa với 2 “siêu dự án” trên còn rất xa vời và chủ yếu nhằm phục vụ mục tiêu “đánh bóng” doanh nghiệp trước thềm CPH để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư?