Theo tài liệu đại hội, VEAM dự kiến dành hơn 6.690,7 tỷ đồng trả cổ tức năm 2023, tương ứng mỗi cổ phiếu sẽ được nhận về 5.035,18 đồng, tức tỷ lệ chia cổ tức khoảng 50,35%. Trước đó vào cuối năm 2023, VEAM đã trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ là 41,869% bằng tiền mặt.
Năm 2024 Công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 6.413,8 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 5.488,9 tỷ đồng, giảm gần 19% so với năm 2023 (chưa bao gồm trích lập bổ sung hoặc hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cuối năm). Nhiệm vụ trọng tâm của VEAM vẫn là đẩy mạnh tiêu thụ các dòng xe đang sản xuất, cũng như các dòng xe mới đưa ra thị trường.
Nhìn về bức tranh chung, VEAM cho rằng bên cạnh các khó khăn đến từ tình hình kinh tế, địa chính trị, đối với VEAM, một số tồn tại, vướng mắc của giai đoạn trước đây vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm, đặc biệt là công nợ khó đòi.
Lĩnh vực động cơ và máy nông nghiệp liên tục sụt giảm trong nhiều năm gần đây, kinh doanh ô tô chưa có dấu hiệu khả quan. Nhà máy ô tô VEAM (VM) dự kiến còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu tiêu thụ hàng tồn kho lâu năm, các sản phẩm mới đưa ra thị trường còn hạn chế.
Năm nay, VEAM sẽ tìm giải pháp về pháp lý, thị trường, tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh tiêu thụ lượng xe tồn tại tại VM cũng như xe ô tô Changan và máy kéo ISEKI. Đồng thời VM tìm phương án để tiêu thụ xe tồn kho nhanh chóng, hiệu quả, đúng trình tự tuân thủ các quy định của pháp luật; đẩy nhanh tiến độ sản xuất, tiêu thụ xe sản xuất mới với các đối tác, đại lý…
Trong buổi họp tới, VEAM cũng tiếp tục trình ĐHĐCĐ thông qua việc niêm yết cổ phiếu VEA. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VEA vừa có một nhịp tăng mạnh từ vùng 37.000 đồng/CP vào giữa tháng 5 đến nay đã đạt 45.900 đồng/CP (tính đến sáng phiên 28/05), tương ứng mức tăng 24%.