Trong năm 2020, doanh nghiệp đặt kế hoạch công ty mẹ với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 1.170,6 tỷ đồng, doanh thu tài chính 7.580 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.741 tỷ đồng, lần lượt bằng 171%, 97% và 96% thực hiện năm 2019.
Bên cạnh đó, VEA vẫn duy trì chính sách cổ tức hấp dẫn. Công ty tiếp tục đề xuất trả tất cả lợi nhuận dưới dạng cổ tức tiền mặt cho năm tài khóa 2019. Tỷ lệ cổ tức đạt 52,52% trên mệnh giá, tương đương với tỷ suất 11,7% theo giá thị trường. Đối với năm 2020, tỷ lệ cổ tức dự kiến của VEA là 50,7%/mệnh giá.
Trong năm 2019, VEA trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho VEAM Motor với giá trị 207,4 tỷ đồng. Khoản truy thu thuế nhập khẩu (bao gồm phạt hành chính và phạt chậm nộp) liên quan đến linh kiện ô tô nhập 2016 và 2017 (246 tỷ đồng) đã được hạch toán vào chi phí hoạt động.
Đối với năm 2020, lợi nhuận sau thuế kế hoạch công ty mẹ của VEA đã trích lập dự phòng khoản phải thu 500 tỷ đồng là các khoản VEAM đã hỗ trợ tài chính (cho vay) đối với các đơn vị có vốn góp của VEAM.
Các khoản cho vay này bao gồm 138 tỷ đồng cho Vietranco, 274 tỷ đồng cho Matexim và 84 tỷ đồng cho Matexim Hải Phòng. Các công ty này chưa tiến hành thanh toán cho VEA do hoạt động không hiệu quả trong nhiều năm. Tuy nhiên, khoản dự phòng có thể được hoàn nhập khi các công ty trên thực hiện bán tài sản như bất động sản, nhằm giải quyết vấn đề tài chính.
Đáng chú ý, VEAM tiếp tục trình cổ đông kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE, nội dung này đã được thông qua năm 2019 nhưng do VEA chưa đáp ứng đầy đủ quy định của sở về ngoại trừ trọng yếu trong báo cáo tài chính năm 2018 và năm 2019.
Trên thị trường, đóng cửa phiên 23/6, cổ phiếu VEA quay đầu giảm 1,5% xuống 45.600 đồng/CP, khối lượng giao dịch đạt 155.000 đơn vị. Tuy nhiên, tính từ đầu tháng 6 đến nay, giá cổ phiếu VEA tăng 13,43%.