Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 được VEAM công bố mới đây cho thấy kết quả kinh doanh tích cực của Tổng công ty. Công ty mẹ đạt được mục tiêu doanh thu và lợi nhuận theo Nghị quyết của Ðại hội đồng cổ đông dù bối cảnh thị trường chung có nhiều thách thức.
Cụ thể, tổng doanh thu của VEAM đạt 7.074 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 7.130 tỷ đồng, tăng 12% và 40% so với năm trước. Trong đó, phần lợi nhuận từ liên doanh, liên kết lên tới 6.849 tỷ đồng, tăng 32%. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2018 đạt xấp xỉ 5.321 đồng.
Trong các mảng hoạt động của VEAM, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tiếp tục là điểm sáng. Trong đó, Công ty Cơ khí chính xác số 1 là đơn vị tăng trưởng cao nhất trong năm 2018, vượt kế hoạch 66% và tăng 82% so với 2017. Công ty Cơ khí Phổ Yên (FOMECO) tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2018 cả về lợi nhuận, giá trị sản xuất và kinh doanh.
Việc tích cực phát triển sản phẩm trong thời gian gần đây là tiền đề để Công ty duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Hiện FOMECO là Công ty có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao nhất trong các công ty cổ phần. Công ty Diesel Sông Công là một trong những công ty đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2017. Công ty cổ phần Phụ tùng máy số 1 (FUTU1) cũng có doanh thu lớn về sản xuất công nghiệp. Hiện FUTU1 có chỉ số lợi nhuận cơ bản trên cổ phiếu tốt nhất trong số các công ty cổ phần và vẫn giữ được mức lợi nhuận khá tốt năm 2018.
Bên cạnh đó, mảng kinh doanh thương mại dịch vụ, công ty mẹ đạt kết quả khá cao. Về các mặt hàng thương mại, dịch vụ, chủ yếu là VEAM kinh doanh vật tư (phối hợp với Công ty cổ phần Vật tư và thiết bị toàn bộ) và kinh doanh các sản phẩm máy nông nghiệp (Công ty cổ phần Matexim Hải Phòng).
Ông Bùi Quang Chuyện, Chủ tịch Hội đồng quản trị VEAM cho biết, phát huy những thành quả đã đạt được năm 2019, VEAM sẽ tập trung thực hiện tốt công tác về quản lý, vốn, điều hành kinh doanh, công tác đầu tư; tập trung trọng điểm vào các mặt hàng đang có lợi thế cạnh tranh tốt như cơ khí hóa nông nghiệp, động cơ, máy kéo nông nghiệp, máy cày…
Ông Chuyện cho biết thêm, năm 2019 được coi là năm bản lề, công ty mẹ đã ổn định với mô hình hoạt động của công ty cổ phần. Doanh thu sản xuất công nghiệp dựa trên 3 trụ cột sản phẩm chính: động cơ - máy nông nghiệp, ô tô - xe máy và công nghiệp hỗ trợ… Bên cạnh đó, VEAM cũng đẩy mạnh sản xuất, chế tạo, gia công các chi tiết, các cụm chi tiết đáp ứng cho nhu cầu của ngành công nghiệp nói chung và ngành máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam nói riêng, nâng cao năng lực sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ, mà trước mắt phục vụ cho sản xuất xe máy, ô tô và các máy nông nghiệp.
Theo định hướng của Chính phủ, đến năm 2020, Việt Nam có sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Ðể hoàn thành mục tiêu trên, Chính phủ và các cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu, xem xét ban hành nhiều chính sách thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ. Về phần mình, những doanh nghiệp đầu tàu như VEAM sẽ tiếp tục tập trung đầu tư, mở rộng danh mục sản phẩm đáp ứng khẩu vị thị trường, cũng như hỗ trợ, dẫn dắt doanh nhiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển. Ðây cũng chính là đại dương xanh mà VEAM còn nhiều dư địa để phát triển.