Do VEAM khai sai mã HS, thuế suất của hàng hóa nhập khẩu (việc này diễn ra trước khi thực hiện phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng - IPO) dẫn đến Tổng công ty phải nộp lại hơn 352,4 tỷ đồng. VEAM đã nộp 172,8 tỷ đồng và còn phải nộp gần 180 tỷ đồng.
Được biết, đây là sai sót khi tính nhầm thuế nhập khẩu phụ tùng/linh kiện lắp ráp trong giai đoạn 2016 - 2017. Tổng công ty đã nộp một phần ban đầu trong giai đoạn đó và phần còn lại phải nộp trong quý I/2019.
Theo thông tin từ Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) sau khi trao đổi với VEAM, số thuế này đã có thuế VAT, nhưng chưa bao gồm tiền phạt nộp chậm do khai sai thuế. Phần thuế phát sinh thêm (khoảng 90 - 100 tỷ đồng) trong năm 2016 sẽ được hạch toán hồi tố trong bảng cân đối kế toán của VEAM trong năm 2016, bằng cách điều chỉnh tăng các khoản phải thu nhà nước và tăng thuế phải nộp, điều này không ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh năm 2016.
Phần thuế phát sinh thêm trong năm 2017 và sau ngày IPO sẽ được hạch toán trực tiếp vào chi phí trên báo cáo kết quả kinh doanh năm 2019. Ngoài ra, nhiều khả năng VEAM sẽ phải nộp tiền phạt chậm nộp thuế là 47 tỷ đồng và 35 tỷ đồng tiền phạt do tính nhầm thuế. Được biết, VEAM đang làm việc với Cục Hải quan để không bị phạt do tính nhầm thuế.
Theo tính toán của HSC, dù trong kịch bản nào, kết quả kinh doanh của VEAM cũng sẽ bị ảnh hưởng trong quý I/2019. Ước tính, lợi nhuận sau thuế năm 2019 sẽ giảm từ 1,4 - 1,9% do ảnh hưởng của việc tăng thuế phải nộp, còn khoảng 7.512 - 7.540 tỷ đồng.
Trước đó, trong năm tài chính 2018, VEAM đạt doanh thu thuần 7.073 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2017. Nhờ khoản lãi trong công ty liên doanh, liên kết đạt 6.848 tỷ đồng, tăng 32%, nên lợi nhuận sau thuế đạt 7.129 tỷ đồng, tăng 40%.
VEAM được đánh giá cao về kết quả kinh doanh phần lớn nhờ vào các công ty liên doanh, liên kết là các nhà sản xuất xe máy và ô tô hàng đầu Việt Nam, bao gồm Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam. Trong cơ cấu lợi nhuận của VEAM, lợi nhuận thuần đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi chiếm tỷ trọng rất nhỏ, thậm chí có thời điểm lỗ thuần, trong khi phần lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết chiếm trên 95%.