Về tay KDC, TAC đặt kế hoạch lợi nhuận tăng vọt

Về tay KDC, TAC đặt kế hoạch lợi nhuận tăng vọt

(ĐTCK) Chính thức trở thành công ty con của Tập đoàn KIDO (KDC), năm 2017, CTCP Dầu thực vật Tường An (TAC) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 165 tỷ đồng, tăng trưởng gấp đôi năm 2016 và bứt phá mạnh so với giai đoạn 5 năm (2011 - 2015) “giậm chân tại chỗ” ở mức lợi nhuận kế hoạch 50 tỷ đồng.

Đại hội đồng cổ đông TAC diễn ra ngày 7/6 đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2017, với doanh thu 4.373 tỷ đồng, tăng 10% so với mức thực hiện năm 2016; lợi nhuận trước thuế 165 tỷ đồng, tăng gấp đôi năm ngoái. Tỷ lệ cổ tức dự kiến là 16%.

Theo TAC, đây là kế hoạch thách thức cho Hội đồng quản trị; doanh thu không có sự tăng trưởng nhiều do Công ty đang trong quá trình tái cấu trúc sản phẩm theo nhu cầu tiêu dùng và gia tăng tỷ trọng sản phẩm có biên lợi nhuận cao, khai thác lợi thế từ KDC.

Để giữ nguyên tỷ lệ cổ tức 16% (sau khi tăng vốn điều lệ gấp đôi trong năm 2016), TAC đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao hơn doanh thu. Cơ sở cho kế hoạch này là tận dụng tối đa lợi thế của Tập đoàn Kido; tập trung kiểm soát các quy trình, chi phí theo hệ thống vận hành của Tập đoàn, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất; thay đổi hệ thống phân phối từ mô hình “sell in” thành “sell out”.

Về chiến lược phát triển các nhóm sản phẩm, theo bà Nguyễn Thị Hạnh, thành viên Hội đồng quản trị TAC, nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, thu nhập bình quân đầu người có xu hướng gia tăng nên nhu cầu đòi hỏi sản phẩm tốt cho sức khỏe tăng lên, thay vì chỉ ưu tiên về giá ở các giai đoạn trước. Do vậy, Công ty phải cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu người tiêu dùng, nhưng vẫn phải đảm bảo mức tăng trưởng lợi nhuận cho TAC trong thời gian tới.

TAC đánh giá, thị trường dầu ăn có nhiều phân khúc, nhu cầu đa dạng. Trong năm 2017, Công ty tập trung chủ yếu vào phân khúc vi chất, đồng thời cải tiến sản phẩm hiện có.

“Không chỉ có sản phẩm 100% đậu nành, mà còn nhiều sản phẩm cao cấp cho từng đối tượng khách hàng như trẻ em, thanh niên, người già…”, bà Hạnh cho biết.

TAC có kế hoạch tiếp tục đầu tư các hạng mục tại Nhà máy dầu Vinh, bổ sung thiết bị cho nhà máy dầu Phú Mỹ. Hiện Nhà máy Phú Mỹ được xây dựng trên diện tích 80.000 m2, công suất 810 tấn/ngày. Còn Nhà máy Vinh được xây dựng trên diện tích 37.000 m2, công suất đạt 60 tấn/ngày. Các nhà máy sản xuất của TAC đều được trang bị thiết bị sản xuất chai PET đạt tiêu chuẩn quốc tế được nhập khẩu trực tiếp từ châu Âu.

Tại Đại hội, vấn đề phụ thuộc vào nguyên liệu dầu cọ, vốn được cổ đông quan tâm tại các mùa đại hội trước tiếp tục được nêu ra. Đại diện TAC cho biết, Việt Nam đang từng bước hội nhập thế giới, sự giao thương về nguyên liệu và thành phẩm là điều bình thường trong nền kinh tế. Do điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết không phù hợp, nên vùng nguyên liệu dầu cọ của nước ta chưa lớn.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng tại thị trường Việt Nam chủ yếu là dầu cọ. Với TAC, sau khi gia nhập vào Tập đoàn Kido (sở hữu 65% vốn TAC) đã tạo nên sức mạnh tổng hợp. Hiện tính cả sở hữu gián tiếp và trực tiếp thì mảng dầu ăn của Kido chiếm khoảng 35% thị phần. Cục diện thị trường dầu ăn đã thay đổi và KDC tạo được lợi thế đàm phán giá nguyên liệu đầu vào với nhà cung cấp. Theo đó, KDC hỗ trợ TAC về phân phối, kiểm soát nhà cung cấp, nắm được quy luật và dự báo giá dầu, kiểm soát hàng tồn kho...

Đại hội đồng cổ đông TAC đã tiến hành bầu nhân sự Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017 - 2022. Hội đồng quản trị TAC nhiệm kỳ mới bao gồm 5 thành viên, trong đó có 4 thành viên cũ là bà Nguyễn Thị Hạnh, bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, ông Trần Lệ Nguyên, ông Hà Bình Sơn và 1 nhân sự mới đến từ Kido là ông Kelly Yin Hon Wong. Bà Nguyễn Thị Hạnh tiếp tục đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Tin bài liên quan